Góc nhìn đa chiều, đầy đủ và toàn diện về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Chính trị 20/02/2023 19:22

Chiều nay (20/2), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (NXB QĐND) đã ra mắt bộ sách kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923 - 1/3/2023).


Góc nhìn đa chiều, đầy đủ và toàn diện về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Ảnh 1.

Gian trưng bày bộ ba cuốn sách kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Góc nhìn đa chiều, đầy đủ và toàn diện

Phát biểu giới thiệu bộ sách, Đại tá Phạm Văn Trường - Giám đốc, Tổng biên tập NXB QĐND cho hay, NXB QĐND phối hợp cùng gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tổ chức biển soạn, xuất bản bộ sách nhằm cung cấp cho độc giả một góc nhìn đa chiều, đầy đủ và toàn diện về một vị tướng tài ba của quân đội.

Bộ sách 3 cuốn, gồm: Trọn một con đường; Đồng Sỹ Nguyên - Tuyển tập; Sách ảnh "Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên – Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn".

Về cuốn Trọn một con đường, Đại tá Phạm Văn Trường cho biết, sau gần 70 năm gánh vác và hoàn thành xuất sắc nhiều trọng trách mà Đảng, Nhà nước, Quân đội giao phó, trở về với cuộc sống đời thường, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã lần lượt hoàn thành và xuất bản 3 cuốn hồi ký (do Đại tá Nguyễn Duy Tường thể hiện), gồm: "Đường xuyên Trường Sơn", "Với cả cuộc đời" và "Trọn một con đường " được đông đảo bạn đọc trân trọng đón nhận, đánh giá cao và được tái bản nhiều lần. Đặc biệt, cuốn hồi ký "Đường xuyên Trường Sơn " đã được NXB Thế Giới dịch, xuất bản bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.

Cuốn hồi ký Trọn một con đường được tái bản lần này được giữ trọn vẹn từ bố cục đến nội dung, chỉ đính chính một vài chi tiết về gia đình. Sách dày 680 trang.

Nội dung cuốn Đồng Sỹ Nguyên - Tuyển tập là di sản quý giá cho các thế hệ mai sau học tập và noi theo. Cuốn sách gồm 4 phần: Phần thứ nhất, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và nền quốc phòng toàn dân; Phần thứ hai, công tác vận tải quân sự và Đường Hồ Chí Minh huyền thoại; Phần thứ ba, Tầm nhìn và những trăn trở với các vấn đề thời sự của đất nước; Phần thứ tư, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với đồng chí, đồng đội, tập hợp 50 tác phẩm tiêu biểu, là tuyển chọn các bài nói, bài viết đã được công bố trên các sách, báo, tạp chí, kỷ yếu khoa học,... của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Sách dày 600 trang.

Góc nhìn đa chiều, đầy đủ và toàn diện về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Ảnh 2.

Một điểm nhấn tại buổi ra mắt bộ 3 cuốn sách là những thước phim quý báu về cuộc đời Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Về sách ảnh "Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn", thông qua những bức ảnh giá trị được chọn lọc từ rất nhiều những bức ảnh do gia đình, cơ quan, đơn vị lưu giữ, mỗi trang sách được coi như một thước phim ngắn, một lát cắt của cuộc đời, nhằm tái hiện những hoạt động nổi bật trong 96 năm cuộc đời ông. 

Cuốn sách bao gồm 7 phần với một số nội dung chính: Những tháng ngày khốc liệt trên chiến trường Trường Sơn khói lửa với những hình ảnh hết sức sinh động về vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn sâu sát, xông xáo, lăn lộn trên từng cung đường, trọng điểm để chỉ huy, động viên bộ đội, dân công "tìm địch mà đánh, mở đường mà đi"; Dấu ấn qua những công trình thế kỷ của Việt Nam thập niên 80-90 thế kỷ XX khi ông trên cương vị Bộ trưởng Bộ Xây dựng, GTVT và sau đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng gắn với những công trình hiện đại, quan trọng lúc bấy giờ nhằm phục hồi kinh tế, phát triển đất nước sau chiến tranh; Hình ảnh với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế; Hình ảnh với quê hương yêu dấu, gia đình thân thương, đồng đội thủy chung,... Sách dày 204 trang.

Giá trị giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng cao đẹp

Công lao to lớn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã được Đảng, Nhà nước khẳng định khi ông ra đi về cõi người hiền: "Cả cuộc đời chiến đấu, cống hiến, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là tấm gương sáng về bản lĩnh chính trị, tinh thần dũng cảm, luôn tận tụy, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân... 

Trên mọi cương vị chiến đấu, công tác và trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên luôn thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; sự quyết đoán, gan dạ, mưu trí, thao lược trong lãnh đạo, chỉ huy trên các chiến trưởng, mặt trận... Dù trên bất kỳ cương vị lãnh đạo nào, đồng chí luôn thể hiện tinh thần quyết liệt, sâu sát thực tiễn trong chỉ đạo điều hành; không ngừng học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội... để lại những dấu ấn đậm nét trong các lĩnh vực, nhất là xây dựng, công nghiệp, GTVT.

Góc nhìn đa chiều, đầy đủ và toàn diện về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Ảnh 3.

Đại tá Phạm Văn Trường - Giám đốc, Tổng biên tập NXB QĐND giới thiệu bộ ba cuốn sách

"Sau gần một năm tổ chức sưu tầm tư liệu, biên soạn, biên tập xuất bản, bộ 3 cuốn sách trên đã được hoàn thành với nội dung được thực hiện công phu, chặt chẽ, khoa học, hình thức đẹp, phát hành đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. 

Bộ sách có giá trị giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng cao đẹp của QĐND Việt Nam; lòng dũng cảm, sự hy sinh của lớp lớp cha ông chúng ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Từ đó củng cố, bồi dưỡng niềm tin, quyết tâm phấn đấu, cống hiến cho thế hệ trẻ hiện nay và mai sau", Đại tá Phạm Văn Trường chia sẻ.

Góc nhìn đa chiều, đầy đủ và toàn diện về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Sỹ Hưng - đại diện gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên phát biểu tại buổi ra mắt bộ 3 cuốn sách

Tại buổi giới thiệu, ông Nguyễn Sỹ Hưng - đại diện gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên bày tỏ sự xúc động và tự hào được dự buổi giới thiệu và ra mắt bộ 3 cuốn sách về cha mình, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Đây cũng là một trong chuỗi các sự kiện nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

"Ba cuốn sách này, có thể nói là di sản to lớn để lại của cha chúng tôi, đồng thời là kết quả làm việc rất nhiệt tình, công phu và khoa học của lãnh đạo, cán bộ NXB QĐND. Đồng thời là sự phối hợp của NXB với gia đình và các cơ quan, đơn vị liên quan, như Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, Binh đoàn 12, Tập đoàn Thái Binh Dương và đặc biệt là với Nhà văn, Nhà báo Nguyễn Duy Tường, người đã thể hiện 3 cuốn hồi kỳ của cha chúng tôi vừa phong phú, chặt chẽ về nội dung, vừa đẹp về hình thức trình bày", ông Hưng nói.

70 năm cống hiến cho 2 cuộc chiến giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyễn, tên khai sinh Nguyễn Hữu Vũ, sinh ra ở một làng quê giàu truyền thống cách mạng - xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), nằm ngay bên bờ sông Gianh thơ mộng của tỉnh Quảng Bình. Lớn lên giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, ông đã cống hiến gần 70 năm trong cuộc đời mình cho 2 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và công cuộc xây dựng đất nước sau này.

Nhắc đến tên tuổi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, trước tiên người ta nhớ đến con đường Trường Sơn huyền thoại mang tên Bác Hồ kính yêu - đường Hồ Chí Minh trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nổi tiếng trong nước và cả quốc tế. Vị Tư lệnh Trường Sơn đã có gần mười năm gắn bó với chiến trường khốc liệt này, cùng với hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn hiện thực hóa chủ trương của Trung ương Đảng và mong muốn của Bác Hồ: Nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam để "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào". 

Dưới sự chỉ huy tài tình của vị tướng dạn dày trận mạc, Bộ đội Trường Sơn đã vượt lên sự khắc nghiệt của thời tiết núi rừng, vượt qua mưa bom bão đạn của kẻ thù để duy trì, phát triển tuyến đường vận tải chiến lược, đưa vũ khí, hàng hóa, con người từ miền Bắc vào miền Nam, đáp ứng kịp thời nhu cầu cho chiến đấu và chiến thắng đế quốc Mỹ và tay sai.

Góc nhìn đa chiều, đầy đủ và toàn diện về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Ảnh 5.

Đại diện gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chụp ảnh lưu niệm với tập thể lãnh đạo, cán bộ NXB QĐND

Sau khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, ông lại sẵn sàng xông pha trên mặt trận xây dựng, tái thiết đất nước để hàn gắn những di chứng nặng nề của ba mươi năm chiến tranh để lại. Trên cương vị "Tư lệnh" các ngành Xây dựng, GTVT, ông tiếp tục để lại nhiều dấu ấn đậm nét với những công trình thế kỷ như, các nhà máy xi măng Hoàng Thạch, xi măng Bỉm Sơn, giấy Bãi Bằng, nhiệt điện Phả Lại, thủy điện Hòa Bình hay cầu Chương Dương, cầu Thăng Long,… 

Trong thời gian thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông vẫn tiếp tục được Đảng, Chính phủ tín nhiệm cử làm cố vấn đặc trách Dự án 327, trồng và bảo vệ rừng phòng hộ, và sau đó là dự án xây dựng con đường Hồ Chí Minh hiện đại - con đường mà trước kia ông và các đồng đội đã từng soi lối mở đường.

Từ mặt trận chiến đấu bước sang mặt trận kinh tế, ông vẫn luôn thể hiện được bản lĩnh, phẩm chất xông xáo, quyết liệt, dũng cảm, trách nhiệm của một người chỉ huy, dốc hết trí tuệ và công sức đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước.

Một con đường huyền thoại gắn với tên tuổi một vị tướng tài ba, dũng cảm những công trình thế kỷ năm xưa luôn mang bóng dáng của một lãnh đạo ngành sáng tạo, quyết liệt,... Tất cả đều là đề tài, chất liệu cho những tác phẩm báo chí, xuất bản, theo đó rất nhiều bộ phim, cuốn sách, bài viết về ông đã liên tục ra đời trong những năm qua.