Hoà Bình: Thanh tra giao thông tăng cường phổ biến pháp luật về TTATGT

Tác giả: KL

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 13/12/2024 10:55

Trong thời gian qua, Thanh tra giao thông (TTGT) tỉnh Hoà Bình ngoài nhiệm vụ thanh kiểm tra chuyên ngành GTVT còn nỗ lực tuyên truyền phổ biến pháp luật về TTATGT cho người dân nhằm nâng cao nhận thức, kéo giảm TNGT.


Hoà Bình: Thanh tra giao thông tăng cường phổ biến pháp luật về TTATGT - Ảnh 1.

TTGT và lực lượng CSGT tỉnh Hòa Bình phối hợp kiểm tra theo phương tiện vận tải

Xử lý vi phạm trật tự ATGT

Ông Nguyễn Lê Hoà, Chánh thanh tra GTVT Sở GTVT Hòa Bình cho biết, trong năm 2024, lực lượng TTGT đã tiến hành thực hiện tốt các các nhiệm vụ được giao. Trong đó TTGT đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về việc thu hồi phù hiệu phương tiện kinh doanh vận tải vi phạm quy định bị thu hồi phù hiệu không thực hiện theo quy định nộp lại phù hiệu và lập 14 biên bản vi phạm hành chính, phạt tiền 40 triệu đồng và thu hồi 11 phù hiệu. Đối với thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải đối với các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn, trong quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã phát hiện các hành vi vi phạm, lập 17 biên bản vi phạm hành chính đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, phạt tiền 78 triệu đồng, tước 16 Phù hiệu xe ô tô, 1 Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Thông qua đơn phản ánh kiến nghị của công dân, Thanh tra sở đã xử lý theo nội dung phản ánh và đã xử lý 1 xe ô tô chở hành khách, lập 2 biên bản vi phạm hành chính, phạt tiền 14 triệu đồng, tước 1 giấy phép lái xe.

Hoà Bình: Thanh tra giao thông tăng cường phổ biến pháp luật về TTATGT - Ảnh 2.

Kiểm tra hành lang an toàn đường bộ

Ngoài ra, TTGT còn kiểm tra, giám sát số liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, lưu lượng xe qua Trạm và công tác sao lưu dữ liệu thu phí tại các Trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ thuộc dự án BOT QL6, Hòa Lạc - Hòa Bình: Thanh tra Sở đã cử cán bộ, thanh tra viên giám sát 3.426 lượt xe qua Trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, trong đó: Tại Trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ thuộc dự án BOT QL.6: Lưu lượng xe qua Trạm là 1.350 lượt; Tại Trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ Hòa Lạc - Hòa Bình: Lưu lượng xe qua Trạm là 2.076 lượt. Qua kiểm tra, giám sát về cơ bản đã đánh giá được những ưu điểm của các Trạm thu phí dịch vụ đường bộ. Theo đó Đoàn kiểm tra đã chấn chỉnh, yêu cầu các đơn vị thu phí dịch vụ đường bộ thuộc dự án BOT QL6, Hòa Lạc - Hòa Bình khắc phục những hạn chế mà Đoàn kiểm tra đã chỉ ra.

Hoà Bình: Thanh tra giao thông tăng cường phổ biến pháp luật về TTATGT - Ảnh 3.

Kiểm tra phương tiện vận tải tại trạm cân lưu động

Bên cạnh đó, TTGT đã phối hợp với Công an huyện Lạc Thủy kiểm tra, xử lý xe ô tô chở đất quá tải hoạt động trên tuyến ĐT438, ĐT438B thuộc địa bàn huyện Lạc Thủy. Và đã yêu cầu chủ mỏ đất, người điều khiển phương tiện và chủ phương tiện ký 06 bản cam kết, lập 2 biên bản vi phạm hành chính, phạt tiền 24,5 triệu đồng; phối hợp với Công an huyện Yên Thủy kiểm tra, xử lý xe ô tô chở đá hoạt động trên tuyến đường 12B thuộc địa bàn huyện Yên Thủy và kiểm tra 1 nhà máy xi măng, 25 lượt phương tiện, lập 5 biên bản vi phạm hành chính, phạt tiền gần 21 triệu đồng…

Cũng theo ông Hoà, TTGT đã tập trung thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra theo đúng kế hoạch, đảm bảo đúng nội dung, yêu cầu và định hướng, bám sát nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Quá trình thanh tra, kiểm tra, các Đoàn thanh tra, kiểm tra thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Thanh tra và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Các kết luận thanh tra, kiểm tra đều kiến nghị khắc phục sơ hở, yếu kém trong quản lý, đình chỉ, chấm dứt hành vi vi phạm kịp thời. Hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra được tiến hành thường xuyên, kịp thời, khách quan, công khai, minh bạch và tuân thủ các quy định của pháp luật. Qua đó đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Sở đối với các phòng chuyên môn nghiệp vụ Sở, các đơn vị trực thuộc Sở và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chấp hành các quy định của nhà nước về giao thông vận tải.

Hoà Bình: Thanh tra giao thông tăng cường phổ biến pháp luật về TTATGT - Ảnh 4.

TTGT tuyên truyền và nhắc nhở người dân sống ven QL6 chấp hành quy định của Luật Giao thông

Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật

Năm 2024 với việc Quốc hội thông qua Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được điều chỉnh và bổ sung nhiều quy định mới và có hiệu lực ngày 1/1/2025, do đó Thanh tra Sở luôn xác định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông vận tải có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng văn hóa an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.

Theo đó, trong năm 2024 Thanh tra Sở đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến về Luật Giao thông đường bộ; các quy định của pháp luật về công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ Luật Đường bộ, Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho tổ chức, cá nhân bằng nhiều hình thức như: phát tờ rơi; treo pano, áp phích tại Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động (TC38), phát các cuốn sách Luật Trật tự an toàn giao thông nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATGT của chủ xe, lái xe nhằm từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và văn hóa giao thông của người tham gia giao thông.

Hoà Bình: Thanh tra giao thông tăng cường phổ biến pháp luật về TTATGT - Ảnh 5.

Phát hiện và xử lý ngay các vi phạm hành lang đường bộ

Năm 2024, Thanh tra Sở in, phát tuyên truyền tờ rơi các loại đến các tổ chức, cá nhân, người dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Bên cạnh đó Thanh tra Sở đã tổ chức tập huấn triển khai các văn bản, quy định mới liên quan đến lĩnh vực thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải cho cán bộ, công chức, thanh tra viên năm 2024.

Ông Nguyễn Lê Hoà, Chánh TTGT Sở GTVT cho biết, năm 2025 Thanh tra Sở sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào thi đua, làm cho phong trào thực sự phát triển sâu rộng trong toàn đơn vị, gắn liền với các hoạt động thực tiễn, trở thành động lực góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về giao thông vận tải, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông văn minh, hiện đại.