Hôm nay (29/4), cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết chính thức được sử dụng, khi tuyến đường này đưa vào khai thác, khoảng cách và thời gian di chuyển từ TP.HCM đến TP Phan Thiết, Bình Thuận rút ngắn hơn ½ so với lộ trình di chuyển trên Quốc lộ 1 cũ.
Hiện nay, Bộ GTVT đang tổ chức cho xe lưu thông ra vào từ 3 điểm nút giao. Cụ thể, tại nút giao kết nối cao tốc Long Thành tại Km 43+125, nút giao QL1 đoạn xã Xuân Tâm, Xuân Lộc (Km 62+997) và nút giao Km 0+00 nối QL1 đi Mỹ Thạnh thuộc Hàm Thuận Nam, Bình Thuận (cách QL1 khoảng 2,6km).
Đầu tiên, nếu xuất phát từ TP.HCM thì buộc phải di chuyển vào đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tại TP Thủ Đức. Tất cả các nút giao đều có bảng hướng dẫn lên xuống. Chạy đến đoạn Km43 cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) sẽ gặp nút giao và rẽ phải vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Cùng hướng này, xe từ Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai) cũng có thể đi lên nút giao ở Quốc lộ 51 để vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Hướng từ Quốc lộ 1, các huyện Thống Nhất thì chạy ngược lại trên đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ nút giao Dầu Giây. Khi qua khu vực trạm thu phí khoảng 3km là bắt gặp nút giao, rẽ phải theo đường dẫn lên cầu vượt đi vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Khi xe lưu thông lên cao tốc, sẽ có nút giao Quốc lộ 56 ở huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai. Tại nút giao này, xe có thể lên xuống đi các huyện Cẩm Mỹ, TP Long Khánh (Đồng Nai), các khu vực lân cận như Xuyên Mộc, Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Tiếp theo là nút giao có quy mô nhất giữa cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với Quốc lộ 1 ở xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Tại nút giao này có thể lên xuống giữa trung tâm hành chính tại thị trấn Gia Ray, các xã Xuân Tâm, Xuân Hưng, Xuân Hòa của huyện Xuân Lộc và những điểm lân cận gần Quốc lộ 1.
Nút giao cuối cùng để phương tiện ra vào là điểm cuối nối vào TP. Phan Thiết. Đây là nút giao tiếp nối với cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo trong tương lai. Khi đi đến đây, phương tiện sẽ di chuyển theo hướng rẻ phải và đi trên đường kết nối ra Quốc lộ 1 hiện hữu và vào trung tâm TP. Phan Thiết.
Bên cạnh đó, theo quyết định phê duyệt phương án tổ chức giao thông của Bộ GTVT, yêu cầu các phương tiện không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa 120km/h và dưới tốc độ tối thiểu 60km/h đã được ghi trên biển báo hiệu.
Bộ GTVT cũng khuyến cáo người lái xe trên đường cao tốc khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải đảm bảo an toàn. Đặc biệt là việc giữ khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hiệu. Người điều khiển chỉ được dừng xe, đỗ xe ở các nơi quy định. Trong trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe người lái xe phải đưa xe ra làn dừng xe khẩn cấp, nếu không thể được phải báo hiệu để người lái xe phía sau được biết và thông báo sự cố cho trung tâm điều hành theo số điện thoại khẩn cấp.
Hiện nay, trên tuyến chính cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ. Tính từ trạm dừng chân trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây thì quảng đường người dân khi lưu thông hết tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết là rất xa. Do đó, Bộ GTVT khuyến cáo người dân nên kiểm tra kỹ phương tiện trước khi lưu thông vào cao tốc, phòng các sự cố như xe hết xăng, nổ lốp. Trong thời gian đầu khi khai thác, Bộ GTVT đã phân công các đơn vị tích cực điều tiết giao thông, sẵn sàng xử lý các tình huống gặp phải. Khi có các sự cố xảy ra, người dân nên báo ngay đến đường dây nóng, để được hỗ trợ kịp thời, đảm bảo ATGT thông suốt.
Hội đồng nghiệm thu nhà nước kiểm tra tuyến chính trước khi đưa vào sử dụng
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.