Kể chuyện người ngành GTVT làm việc xuyên Tết: Điểm trực là nhà, đồng đội là người thân

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Xã hội 21/01/2023 20:47

Do đặc thù công việc, những lái tàu, thủy thủ, thợ máy, cán bộ điều tiết tuyến luồng… phải xa gia đình, đón những cái Tết ở một nơi rất xa. Có đôi chút chạnh lòng nhưng vượt lên tất cả, họ hăng say làm việc, góp phần mang những cái Tết an toàn, ấm áp đến cho mọi người, mọi nhà.


Anh chị em tổ tàu thuộc Đoàn Tiếp viên Đường sắt Hà Nội chuẩn bị đón giao thừa trên tàu

Anh chị em tổ tàu thuộc Đoàn Tiếp viên Đường sắt Hà Nội chuẩn bị đón giao thừa trên tàu

Vào ngành 13 năm, 9 năm đi tàu xuyên giao thừa

Chiều một ngày cuối năm, trên chuyến tàu từ Hà nội vào TP. Hồ Chí Minh, PV Tạp chí GTVT có dịp tiếp chuyện với anh Cao Hùng Nam - Trưởng tàu khách thuộc Đoàn Tiếp viên Đường sắt Hà Nội, Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội. Sinh năm 1987, anh Nam vào ngành Đường sắt được 13 năm nhưng có tới 9 năm đi tàu xuyên đêm giao thừa.

"Đối với tôi, có lẽ năm đầu tiên phải đón Tết xa nhà sẽ mãi là kỷ niệm đáng nhớ. Vừa ra trường, chập chững vào nghề thì ngay năm đầu tiên đã phải xa gia đình, đón Tết trên tàu. Thời điểm đó, tôi được các anh chị trong tổ tàu động viên, cùng nhau tổ chức tất niên và đón giao thừa nên nỗi buồn cũng mau qua", anh Nam nhớ lại.

Kể chuyện người ngành GTVT làm việc xuyên Tết: Điểm trực là nhà, đồng đội là người thân - Ảnh 2.

Trưởng tàu Cao Hùng Nam gửi thiệp chúc Tết đến các hành khách trên tàu trong đêm Giao thừa

Cũng theo anh Nam, đối với những chuyến tàu xuyên giao thừa, ngoài việc được lãnh đạo cấp trên tặng quà, anh em tổ tàu trước khi lên ban đều đã phân công hoặc tự mỗi người xung phong mang từ nhà nào là bánh chưng, thịt gà, giò chả, rau củ… để đêm giao thừa cùng nhau bày mâm cỗ đón Tết trên tàu. "Thời khắc giao thừa, anh em tổ tàu sẽ cùng nhau đi đến các khoang chúc Tết tất cả hành khách có mặt trên chuyến tàu đặc biệt đó và mời họ cùng đón Tết với tổ tàu", anh Nam chia sẻ thêm.

Anh Nam cũng cho biết, tàu ngày Tết thường phải đi liên tục. Nhiều lúc sáng về đến Hà Nội, chiều tối phải quay tàu đi luôn nên các anh chị em trong tổ đều cố gắng tranh thủ về nhà trong ngày để mua sắm đồ lễ, dọn dẹp nhà cửa để rồi lại tiếp tục với công việc đưa đón hành khách ở các nơi về quê ăn Tết bên gia đình.

"Năm nay mới cưới vợ nên trước khi vào chiến dịch Tết, tôi cũng phải làm công tác tư tưởng với vợ, may mắn là cô ấy thấu hiểu cho những vất vả trong công việc của chồng. Năm nay, vợ chồng tôi sẽ đón năm mới cùng nhau qua… màn hình điện thoại", anh Cao Hùng Nam cười.

Cũng ấn tượng nhất với cái Tết đầu tiên xa nhà, năm 2010, anh Vũ Văn Thỏa (sinh năm 1987, Trưởng tàu khách, Đoàn Tiếp viên Đường sắt Phương Nam, Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn) bộc bạch: "Khi đó chỉ có một tâm trạng nhớ nhà, nhớ quê. Đêm giao thừa, tàu đi qua những ga, địa phương, nghe tiếng pháo hoa nổ, tiếng hò hét dưới đường thì nỗi nhớ nhà lại càng da diết. Nhìn qua cửa sổ toa xe thấy cảnh con sông, cánh đồng, bụi tre, nhà nhà, người người quây quần bên mâm cỗ Tết..., nước mắt không sao cầm lại được". Anh Thỏa cho biết đã vào ngành Đường sắt được 13 năm (từ năm 2009) và có 8 năm theo tàu đi xuyên giao thừa.

"Dần dần cũng quen với nghề (anh em tổ tàu hay gọi là lơ xe lửa), với công việc bận rộn gấp bội lần so với ngày thường. Trong những ngày này, anh em chỉ tập trung vào công việc để khỏa lấp khoảng trống nỗi nhớ gia đình", anh Nam xúc động.

Anh Trần Quốc Thịnh làm nhiệm vụ dưới khoang máy tàu VS59 trong những ngày Tết

Anh Trần Quốc Thịnh làm nhiệm vụ dưới khoang máy tàu VS59 trong những ngày Tết

Mệnh lệnh từ trái tim

Chiều cuối năm, trong tiết trời se lạnh, anh Trần Quốc Thịnh - thợ máy thuộc biên chế tàu VS59 (tàu tiếp tế và chuyên dụng thay thả phao, Xí nghiệp Bảo đảm an toàn Hàng hải Đông Bắc Bộ, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc) cho hay, anh vào ngành 27 năm thì có hơn chục năm theo tàu tiếp tế vật tư, nhu yếu phẩm phục vụ duy trì hoạt động của hàng chục trạm hải đăng, trạm luồng cũng như hàng trăm người lao động ở đó. Đặc thù công việc nên những chuyến tàu cứ ngược xuôi khắp vùng Đông Bắc bộ. Khi thì ra Long Châu, lúc lại về Hạ Mai, Vĩnh Thực hay xa hơn là Bạch Long Vỹ.

"Nhớ nhất là Tết năm 2020, khi đó Covid-19 còn phức tạp. Mọi tiếp xúc với người trên bờ đều hạn chế tối đa hoặc phải giữ khoảng cách, tuân thủ các quy định phòng dịch chặt chẽ nhất bởi chẳng may mình nhiễm bệnh, sau đó ra đảo lây cho anh em đang canh giữ, duy trì hải đăng thì nguy to, lấy ai làm nhiệm vụ", anh Thịnh nhớ lại.

"Dù ở trên tàu nhưng ngày Tết cũng có giò, thịt gà, bánh chưng, quà Tết của Xí nghiệp. Nhưng năm đó, anh em gần như phải cách ly với trên bờ, cứ lênh đênh mấy ngày Tết trên tàu VS59 nên càng nhớ nhà, nhớ người thân. Anh em làm việc trên tàu tiếp tế, nhưng có những lúc lại cần… tiếp tế về tình cảm, về nỗi nhớ cứ đầy vơi theo con sóng", anh Thịnh cười.

Cũng nhắc về những cái Tết mùa Covid-19, anh Bùi Thanh Tùng - hoa tiêu hàng hải thuộc Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải khu vực VI bảo rằng, thời điểm đầu năm mới 2021, trong suy nghĩ của nhiều người, Covid-19 vẫn là một cái gì đó kinh khủng nhưng công việc hoa tiêu thì không thể ngồi yên, vẫn phải dẫn tàu vào - ra, trong đó có nhiều tàu chở hàng thiết yếu.

"Tôi nhớ lần đó có một tàu chở dầu ăn chuẩn bị cập cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa). Chủ tàu khi đó phải gọi điện thẳng cho lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa để nhờ can thiệp và may mắn nhận được sự chia sẻ, còn chúng tôi được "chỉ thị": muốn dùng biện pháp gì cũng được, phải đưa được hàng vào cung ứng cho dân khẩn trương. Vậy là chúng tôi phải xây dựng phương án đưa người của CDC Thanh Hóa xuống cùng, mang theo máy khử khuẩn, nước sát trùng... Chúng tôi lên tàu bằng cầu thang riêng, mọi quá trình tiếp xúc đều qua bộ đàm và các thiết bị thông tin khác", anh Tùng hồi tưởng.

Kể chuyện người ngành GTVT làm việc xuyên Tết: Điểm trực là nhà, đồng đội là người thân - Ảnh 4.

Hoa tiêu Bùi Thanh Tùng sau một chuyến dẫn tàu vào cuối tháng 1/2021

"Chuyến đó, chúng tôi dẫn tàu thành công. Các anh ở CDC cũng chỉ nhắc nhở giám sát anh em hoa tiêu một vài ngày, sau đó lấy mẫu, nếu âm tính thì yêu cầu chấp hành tốt các quy định phòng dịch và cho đi làm tiếp", ông Nguyễn Đức Bảy - Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải khu vực VI nhớ lại và cho rằng: "Cũng may khi đó lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa khá linh hoạt, chứ giờ mà bảo theo đúng quy định phải cách ly quân của tôi 14 ngày, rồi lại theo dõi 7 ngày như một vài địa phương khác thì lấy người đâu mà làm".

Đối với giao thông đường thủy nội địa, dù thưa vắng hơn các loại hình khác nhưng những người làm công tác điều tiết tại các cầu hay đoạn tuyến trọng điểm như cầu Đuống (sông Đuống), Long Biên, Chương Dương (sông Hồng), sông Đào Hạ Lý, kênh Quần Liêu... vẫn phải duy trì lịch trực như những ngày thường.

Ông Ngô Hồng Thắng - Trưởng Trạm điều tiết giao thông sông Đào Hạ Lý (Hải Phòng) chia sẻ: "Dù lưu lượng tàu vận tải trong những ngày Tết giảm mạnh nhưng anh em trực điều tiết vẫn phải duy trì công việc đo dò mực nước, trực chốt điều tiết giao thông như ngày thường. Đêm giao thừa hay sáng mồng 1 Tết cũng phải bố trí đủ nhân lực để trực chốt theo đúng quy định bởi trong những ngày Tết vẫn có phương tiện thủy lấy hàng từ tàu biển nước ngoài để chở vào sâu trong nội địa", ông Thắng kể.

Cho chúng tôi biết về lịch ứng trực dịp Tết Quý Mão 2023, ông Nguyễn Long Thao - Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông số 6 nói, trong những ngày Tết và đêm giao thừa năm nay, lực lượng điều tiết giao thông thủy của đơn vị bảo đảm quân số trực "đón Tết" trên sông, tại các vị trí điều tiết trọng điểm cầu Đuống, Long Biên - Chương Dương và cầu Vĩnh Tuy (phục vụ thi công mở rộng cầu). "Anh em làm nhiệm vụ trực điều tiết bảo đảm ATGT đường thủy dịp Tết cắt cử lịch trực để vừa đảm bảo sẵn sàng ứng phó các tình huống đột xuất, bất ngờ và được đón Tết cùng gia đình. Công ty có chế độ hỗ trợ và đến thăm, tặng quà để anh em làm nhiệm vụ ngày Tết yên tâm công tác", ông Thao chia sẻ.

Kể chuyện người ngành GTVT làm việc xuyên Tết: Điểm trực là nhà, đồng đội là người thân - Ảnh 5.

Đội trưởng Đội Thanh tra - an toàn số 2 Trần Văn Khiết cùng lực lượng liên ngành tuyên truyền, kiểm tra hoạt động bến thủy trên sông Đuống

Còn ông Trần Văn Khiết, Đội trưởng Đội Thanh tra – an toàn số 2 (Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I) cho biết, dịp trước Tết, đơn vị đến từng bến đò, phà chở khách ngang sông Hồng, Cầu, Thái Bình… thuộc phạm vi phụ trách để tuyên truyền, yêu cầu ký cam kết không chở quá tải, không vi phạm luật giao thông. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra đột xuất tại một số bến có đông khách qua lại để kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm để nâng ý thức chấp hành luật giao thông của người làm vận tải, hành khách đi lại bằng đường thủy dịp Tết.

"Có năm, chiều 30 Tết lóc cóc xách va ly lên đường làm nhiệm vụ. Vừa ra tới cổng, hàng xóm hỏi "lại đi à". Lúc đó chỉ biết mỉm cười gật đầu nhưng trong lòng thì đầy tâm trạng. Anh chị em làm nhiệm vụ trên tàu cũng dần quen với cuộc sống theo những vòng quay, coi con tàu là ngôi nhà thứ 2 của mình. Cũng phải thôi vì thời gian sinh hoạt trên tàu nhiều hơn là ở nhà mà".

Anh Vũ Văn Thỏa, Trưởng tàu khách, Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn