Khánh Hòa: Bè nổi bị đình chỉ vẫn lén lút hoạt động

Tác giả: Nguyên Khang

saosaosaosaosao
Xã hội 10/11/2022 11:31

Một số bè bị đình chỉ vẫn lén lút hoạt động, nhất là tại các địa bàn ở xa như khu vực đảo Bình Ba, đảo Bình Hưng (xã Cam Bình, Cam Ranh).

Khánh Hòa: Bè nổi bị đình chỉ vẫn lén lút hoạt động - Ảnh 1.

Bè nổi hoạt động trên khu vực đảo Bình Hưng (Cam Ranh, Khánh Hòa)

Sở GTVT Khánh Hòa vừa có văn bản báo cáo UBND tỉnh về tình hình, kết quả công tác quản lý bè nổi kinh doanh phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê, toàn tỉnh Khánh Hòa có 44 bè nổi kinh doanh ăn uống. Cụ thể: Khu vực TP. Nha Trang có 10 bè, trong đó có 6 bè composite có đăng ký, đăng kiểm và 4 bè gỗ truyền thống. Các bè gỗ truyền thống đều đã bị xử lý hành chính và buộc tháo dỡ. Khu vực TP. Cam Ranh có 34 bè, trong đó 22 bè đang hoạt động.

Theo Sở GTVT Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành về đảm bảo trật tự ATGT đường thủy trên địa bàn tỉnh; qua kiểm tra đã tuyên truyền, nhắc nhở đồng thời đình chỉ hoạt động một số bè nổi không đảm bảo an toàn kỹ thuật nhưng vẫn hoạt động phục vụ khách. Tuy nhiên, hiện nay, một số bè vẫn lén lút hoạt động, nhất là tại các địa bàn ở xa như khu vực đảo Bình Ba, đảo Bình Hưng (xã Cam Bình, Cam Ranh).

Khánh Hòa: Bè nổi bị đình chỉ vẫn lén lút hoạt động - Ảnh 2.

Khánh Hòa đã đình chỉ hoạt động một số bè nổi không đảm bảo an toàn kỹ thuật nhưng vẫn hoạt động phục vụ khách. Tuy nhiên, hiện nay, một số bè vẫn lén lút hoạt động, nhất là tại các địa bàn ở xa như khu vực đảo Bình Ba, đảo Bình Hưng (xã Cam Bình, Cam Ranh)

Trước tình hình trên, Sở GTVT kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng bè nổi không đủ điều kiện hoạt động theo quy định để phục vụ du khách; nắm bắt khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp khi đầu tư chuyển đổi bè gỗ truyền thống sang phương tiện đủ điều kiện hoạt động và báo cáo, đề xuất UBND tỉnh để tìm phương án hỗ trợ.

Đồng thời giám sát, theo dõi chặt chẽ không để các bè nổi đã dừng hoạt động hoặc đã chuyển đổi công năng tiếp tục trở lại tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống; nghiên cứu, bố trí vùng nước hợp lý làm nơi neo đậu cho nhà hàng nổi, bè nổi phục vụ kinh doanh ăn uống để thuận lợi cho công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.