Khí thải xe máy góp phần dẫn đến ô nhiễm môi trường ở các đô thị
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, Hà Nội có 7,7 triệu xe ô tô và xe máy, TP. Hồ Chí Minh có 8,1 triệu xe, Đà Nẵng 1,1 triệu xe, từ đó một lượng lớn khí thải độc hại thải ra môi trường, đòi hỏi phải kiểm soát khí thải, có chế tài đồng bộ, lộ trình hạn chế và cấm xe máy… cùng với đó là công tác tuyên truyền người dân có ý thức trong việc sử dụng xe máy nhằm kiểm soát khí thải bảo vệ môi trường và góp phần đảm bảo an toàn giao thông.
ThS. Phan Hoàng Phương, Trưởng phòng Giao thông đô thị và nông thôn, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết, giai đoạn 2005 - 2022, tăng trưởng xe máy đạt bình quân khoảng 9,1%/năm. Đến nay, số lượng xe máy đã đăng ký trên toàn quốc đạt khoảng 69,2 triệu xe và số xe lưu hành đạt khoảng 45,5 triệu xe. Tại các thành phố lớn, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính. Thống kê năm 2020, xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn Hà Nội chiếm 84%, TP. Hồ Chí Minh chiếm 91% và Đà Nẵng chiếm 90% trong tổng số các loại hình phương tiện giao thông.
Cũng theo ThS. Phương, xe trên 5 năm đã có xu hướng vượt tiêu chuẩn khí thải hiện hành và xe trên 10 năm có tỷ lệ phát thải rất lớn. Trong khi đó, xe có tuổi đời trên 10 năm tại cả 3 thành phố đều chiếm tỷ lệ trên 50% tổng số xe máy trên địa bàn. Cụ thể, ở Hà Nội chiếm 72,58%, TP. Hồ Chí Minh chiếm 68% và Đà Nẵng chiếm trên 59%.
Xây dựng hệ thống kiểm soát khí thải xe máy
Qua khảo sát của nhóm nghiên cứu Viện Khoa học và Công nghệ GTVT mới đây cho thấy, tại các đô thị lớn, xe máy là phương tiện di chuyển chính của người dân. Xe máy là phương tiện giao thông phổ biến cho nhiều đối tượng, ngành nghề, độ tuổi và xe máy không đơn thuần là phương tiện đi lại cá nhân mà còn dùng làm phương tiện kiếm sống, kinh doanh (chở người, chở hàng...).
Còn theo kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường và Tài nguyên, khí thải từ xe gắn máy chiếm khoảng 1/3 nguồn phát thải NO, chiếm 90% CO và hơn 1/3 nguồn phát thải bụi siêu mịn. Khí thải từ các xe cơ giới đang là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí. Đáng tiếc hiện nay, việc kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm khí thái xe máy ở nước ta, trong đó có các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, còn gặp nhiều khó khăn.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đưa ra các giải pháp và lộ trình kiểm soát khí thải xe máy như: Giải pháp về chính sách và quy định pháp lý cho kiểm định khí thải xe máy; xây dựng hệ thống kiểm soát khí thải xe máy; xây dựng chính sách hỗ trợ người dân thu hồi, thay thế phương tiện không đạt chuẩn khí thải; giải pháp kỹ thuật và công nghệ đối với xe không đạt tiêu chuẩn khí thải…
TS. Nguyễn Văn Thành - Viện Khoa học và Công nghệ GTVT cho biết, hiện nay, tình hình ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn diễn biến phức tạp, nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí có xu hướng tăng. Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, cần thiết ban hành quy định, chế tài quản lý về phát thải đối với các các phương tiện cơ giới trong đó có xe máy.
Người dân ủng hộ kiểm soát khí thải xe máy để bảo vệ môi trường
Khảo sát tại Hà Nội, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Công nghệ GTVT đã tham vấn 3.867 người dân (trong đó có 2.576 người đến kiểm tra khí thải và 1.291 người qua các kênh khác) về kiểm soát khí thải xe máy cho thấy 97% người được hỏi trả lời xe máy là phương tiện giao thông chính của họ. Đối với việc bảo dưỡng, kiểm tra xe máy định kỳ, chỉ có khoảng 34% người khảo sát thực hiện từ 3 - 6 tháng/lần và có tới 43% người trả lời chỉ mang xe ra hàng sửa chữa khi bị hỏng, thay vì bảo dưỡng định kỳ.
Về việc đo kiểm khí thải xe máy, 91% người dân cho rằng đó là việc cần phải làm để bảo vệ chất lượng không khí và khoảng 86% người dân trả lời sẽ tham gia đo kiểm khí thải xe máy. Tần suất đo kiểm được người dân đề xuất nhiều nhất là 1 lần/năm, với chi phí khoảng 30.000 đồng - 50.000 đồng/lần được ủng hộ cao nhất (chỉ có 7% người dân ủng hộ mức phí dưới 30.000đ). Trong trường hợp nếu xe không đạt tiêu chuẩn khí thải, 86% người dân khẳng định sẽ đi sửa chữa, bảo dưỡng lại xe để đạt tiêu chuẩn khí thải, giảm ô nhiễm môi trường.
Cần hành lang pháp lý để kiểm soát khí thải xe máy
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, bất cập liên quan đến việc kiểm soát khí thải xe máy bao gồm: Thứ nhất, về thủ tục hành chính: Chính sách kiểm soát khí thải xe máy bằng quy định đo kiểm và bảo dưỡng định kỳ sẽ làm phát sinh các quy định về trình tự, biểu mẫu hồ sơ, quy trình kiểm định, mẫu giấy chứng nhận khí thải, nhãn khí thải… Thứ hai, về đối tượng sử dụng xe: Người lao động tự do và thu nhập thấp thường sử dụng xe cũ, có tỷ lệ không đạt tiêu chuẩn khí thải cao và mất nhiều chi phí để bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp…
Việc kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đạt hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, chúng ta cần xây dựng hệ thống kiểm soát khí thải xe máy một cách đồng bộ, khoa học và hiện đại. Theo đó, các chuyên gia đề xuất thiết lập các trạm đo kiểm khí thải trong trường hợp đo khí thải tất cả các xe máy đăng ký ở thành phố đang lưu hành. Cần có các yêu cầu cơ bản của hệ thống phần mềm; cơ chế phối hợp của các cơ quan trong quản lý, khai thác, cung cấp dữ liệu khí thải. Đầu tư hệ thống camera giao thông để phát hiện xe xả khói đen (có thể sử dụng chung với hệ thống camera giao thông hiện có của các thành phố); đồng thời đầu tư trạm kiểm định khí thải lưu động (xử lý đo ngay bên đường để xử phạt các xe xả khói đen).
Hiện nay, đang áp dụng Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe mô tô, xe gắn máy tại QCVN 14:2015/BGTVT. Theo đó khí thải phương tiện mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải đáp ứng các yêu cầu trong Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia QCVN 77:2014/BGTVT về khí thải mức 3 đối với xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới (từ ngày 1/1/2017).
Như vậy, hiện nay chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải đối với xe mô tô hai bánh tham gia giao thông, đã qua sử dụng; chưa có quy định về kiểm định khí thải định kỳ đối với xe máy và cũng như các tiêu chuẩn, chế tài, thẩm quyền xử phạt có liên quan. Bên cạnh việc chưa có quy định về niên hạn sử dụng xe máy dẫn đến thiếu hành lang pháp lý trong việc thu hồi, loại bỏ phương tiện xe máy cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành.
Kiểm soát khí thải xe máy vốn là một giải pháp góp phần vào việc cải thiện chất lượng môi trường không khí, nhất là ở các đô thị lớn, từ đó giảm gánh nặng chi phí bệnh tật cho người dân và ngay trước mắt là giảm tai nạn giao thông. Song, với hơn 60 triệu mô tô, xe gắn máy đang lưu hành, việc kiểm soát khí thải đòi hỏi phải có chiến lược phù hợp với lộ trình cụ thể.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.