Tồn tại nhiều lối đi tự mở gây mất ATGT, tiềm ẩn TNGT đường sắt
Ngày 11/9, Đội CSGT Đường sắt số 2 (Phòng 6, Cục CSGT, Bộ Công an) phối hợp với Phòng Quản lý an toàn đường sắt II (Cục Đường sắt Việt Nam), Phòng CSGT (Công an tỉnh Quảng Trị), Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên, Đội CSGT-TT Công an các huyện Gio Linh, Triệu Phong, TP. Đông Hà cùng chính quyền các địa phương phối hợp tổ chức kiểm tra, xử lý lối đi tự mở gây mất ATGT trên tuyến đường sắt Bắc - Nam qua tỉnh Quảng Trị.
Tính đến nay, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Quảng Trị đang tồn tại 16 lối đi tự mở, trong đó có 11 lối đi tự mở ở địa bàn huyện Gio Linh, 3 lối đi tự mở tại địa bàn huyện Triệu Phong, 1 lối đi tự mở lại TP. Đông Hà và 1 lối ở địa bàn huyện Hải Lăng.
Cùng lực lượng chức năng đến hiện trường các lối đi tự mở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, PV Tạp chí Giao thông vận tải ghi nhận, tất cả các lối đi tự mở đều mất ATGT, tiềm ẩn TNGT đường sắt rất cao. Đáng lo ngại, nhiều lối đi tự mở qua đường sắt có lưu lượng người và phương tiện qua lại rất đông. Nguy cơ TNGT cao khi các lối đi tự mở đều nằm trong đoạn tuyến có tầm nhìn hạn chế, có độ dốc lớn, mặt đường gồ gề.
Điển hình như lối đi tự mở tại Km622+710 thuộc khu phố 3, 4, phường Đông Lễ, TP. Đông Hà, nằm giữa khu dân cư; lối đi tự mở đã được thu hẹp, đặt biển cảnh báo nguy hiểm. Từ 2 đầu lối đi băng qua đường sắt có độ dốc rất lớn và bị che khuất tầm nhìn; lối đi có bề rộng rất nhỏ, mặt đường sỏi đá, xen lẫn các đoạn bùn đất, phủ đầy cây bụi rậm rạp.
Theo quan sát của PV, chỉ trong khoảng 30 phút (từ khoảng 10h30 - 11h ngày 11/9), có hàng chục phương tiện mô tô, xe máy qua lại. Trong số người điều khiển phương tiện băng qua lối đi tự mở này có rất nhiều học sinh, phụ nữ, người lớn tuổi. Đáng lo, thái độ người điều khiển phương tiện băng qua đường sắt hết sức chủ quan, mất tập trung, thiếu quan sát. Mỗi khi vượt qua đường sắt, người điều khiển phải rồ ga, tăng tốc độ để vượt qua dốc đứng trước khi băng qua đường sắt.
Khác với vị trí lối đi tự mở này, các lối đi tự mở tại Km603+620, Km605+688 ở địa bàn xã Phong Bình (huyện Gio Linh), Km630+985 ở địa bàn xã Triệu Thượng (huyện Triệu Phong) nằm xa khu dân cư nhưng lại là lối đi gắn với đời sống, sản xuất của người dân. Chính quyền địa phương cùng Ban ATGT các cấp cũng đã họp bàn với người dân tìm cách đóng, xóa lối đi tự mở gây mất ATGT nhưng đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết triệt để, lâu dài.
Video đơn vị, lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý lối đi tự mở qua đường sắt ở tỉnh Quảng Trị
Ông Bùi Ngọc Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình (huyện Gio Linh), lối tự mở qua đường sắt tại Km603+620 và Km605+688 tồn tại lâu nay gắn với hoạt động sản xuất và khu vực nghĩa trang của người dân địa phương. Với đặc thù ở địa bàn là người dân sinh sống ở khu vực phía Đông tuyến đường sắt, còn vùng đất sản xuất lại ở phía Tây tuyến đường sắt, vì vậy người dân sử dụng các lối đi tự mở để qua lại vùng sản xuất, vận chuyển nông sản.
Trong khi đó, khu vực này chưa có đường gom, nên nếu đóng, xóa lối đi tự mở thì người dân sẽ không còn đường đi lại. Để đảm bảo điều kiện đi lại của người dân, phục vụ hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế, chính quyền đề xuất, nghiên cứu phương án nâng cấp lối đi tự mở tại Km603+620 thành đường ngang có cảnh báo tự động và thực hiện đóng, xóa lối đi tự mở tại Km605+688.
So với các lối đi tự mở khác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, lối đi tự mở tại Km630+985 ở địa bàn xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong đã xây dựng được tuyến đường gom, tuy nhiên, người dân sinh sống ở khu vực này không đồng ý đóng, xóa lối đi tự mở này với lý do đường đi đến trụ sở UBND xã Triệu Thượng và các trường học sẽ xa hơn 3 - 4 km.
Theo ông Phan Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Thượng, lối đi tự mở tại Km630+985 có từ khi hình thành khu kinh tế mới Nhan Biều 1, xã Triệu Thượng. Hiện nay, khu kinh tế mới Nhan Biều 1 đã có hơn 200 hộ dân sinh sống.
"Trước khi thực hiện đóng, xóa lối đi tự mở này, Ban ATGT tỉnh Quảng Trị đã làm đường gom. Tuy nhiên, khi chính quyền địa phương tiến hành đóng lối đi tự mở thì dân phản đối. Để tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ vấn đề lối đi tự mở tồn tại sẽ gây mất ATGT, nhưng đến nay người dân vẫn không đồng ý", ông Khoa thông tin.
Hình ảnh hiện trạng các lối đi tự mở tại huyện Gio Linh (Km603+620 và Km605+688), TP. Đông Hà (Km622+710), huyện Triệu Phong (Km630+985)
Xây dựng phương án làm đường gom, đóng kín lối đi tự mở
Từ thực tế kiểm tra, phân tích đánh giá tình hình TTATGT đường sắt khu vực lối đi tự mở, điểm vi phạm hành lang an toàn đường sắt ở địa bàn tỉnh Quảng Trị, Trung tá Trần Hải Hoàng, Phó Đội trưởng Đội CSGT đường sắt số 2 (Phòng 6, Cục CSGT) hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, lực lượng địa phương kịp thời nghiên cứu phương án, giải pháp xử lý, tiến tới xây dựng kế hoạch đóng, xóa lối đi tự mở qua đường sắt gây mất ATGT.
Trên cơ sở trao đổi ý kiến, đại diện Đội CSGT Đường sắt số 2 (Phòng 6, Cục CSGT, Bộ Công an) phối hợp với Phòng Quản lý an toàn đường sắt II (Cục Đường sắt Việt Nam), Phòng CSGT (Công an tỉnh Quảng Trị), Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên, Đội CSGT-TT Công an các huyện Gio Linh, Triệu Phong, TP. Đông Hà cùng chính quyền các địa phương thống nhất Phòng CSGT tham mưu Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị có văn bản kiến nghị UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh Quảng Trị chỉ đạo UBND huyện Gio Linh khẩn trương tiến hành xây dựng đường gom, hàng rào dọc đường sắt dẫn đến đường ngang để tiến tới đóng kín, xóa bỏ 4 lối đi tự mở tại địa bàn xã Trung Sơn, huyện Gio Linh; triển khai kế hoạch phối hợp đóng kín, xóa bỏ lối đi tự mở tại Km605+668; xây dựng hàng rào, làm đường gom tại lối đi tự mở Km609+160 dẫn đến đường ngang có người gác tại Km610+098; xây dựng hàng rào, đường gom dọc đường sắt dẫn đến đường ngang Km613+510 để tiến tới xóa bỏ 5 lối đi tự mở ở địa bàn xã Gio Quang.
Đối với lối đi tự mở tại Km603+620, đề nghị hoàn thiện các thủ tục xin cấp phép để xây dựng đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn tự động. Trong thời gian triển khai, đề nghị chính quyền địa phương bố trí chốt gác cảnh giới qua đường sắt để bảo đảm an toàn.
Nhiều phương án được thống nhất nhằm tiến tới đóng, xóa lối đi tự mở qua đường sắt ở tỉnh Quảng Trị
Các đơn vị, lực lượng đã thống nhất giao Công an huyện Gio Linh và Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Gio Linh phối hợp tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện Gio Linh xây dựng kế hoạch làm đường gom, xây dựng kế hoạch đóng kín, xóa bỏ lối đi tự mở tại Km605+668 thuộc địa bàn xã Phong Bình. Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân đi qua đường ngang có người gác tại Km606+970 nhằm đảm bảo an toàn; giao UBND xã Phong Bình tổ chức chốt gác cảnh giới tại Km603+620 trong thời gian thực hiện các thủ tục xin nâng cấp lên đường ngang cảnh báo tự động.
Công an các xã phối hợp với UBND các xã tuyên truyền cho nhân dân biết, hướng dẫn tham gia giao thông đi theo đường gom để qua đường sắt tại các vị trí đường ngang, không cố ý tháo dỡ công trình sau khi đóng kín hoặc tự ý tạo lối đi tự mở mới. Tuyên truyền cho người dân nắm về chủ trương đóng kín, xóa bỏ lối đi tự mở tại Km605+688 trong thời gian 1 tháng, hướng dẫn người dân đi qua đường sắt tại đường ngang có người gác Km606+970.
Theo đó, Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên phối hợp với các đơn vị có liên quan, chuẩn bị nhân lực, vật tư để đóng kín lối đi tự mở khi có kế hoạch, bàn giao cho chính quyền địa phương sau khi hoàn thành, báo cáo kịp thời trường hợp phá hoại, tháo dỡ công trình hoặc lối đi tự mở mới phát sinh; đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn cho chốt gác cảnh giới của địa phương và trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ cảnh giới.
"Từ thực tế kiểm tra, các đơn vị, lực lượng đã thống nhất được các phương án, nhằm tiến tới đóng, xóa các lối đi tự mở gây mất ATGT. Để yếu tố quyết định đến "thành, bại" trong việc thực hiện đóng, xóa lối đi tự mở qua đường sắt là sự quyết tâm vào cuộc của chính quyền địa phương", Trung tá Hoàng nhìn nhận.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.