Kiến nghị 6 giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự, ATGT đường sắt tại Hội nghị ATGT 2023

An toàn giao thông 03/10/2023 10:21

Tại Hội nghị ATGT năm 2023, ThS. Nguyễn Như Linh - Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát nhân dân đã trình bày một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự, ATGT đường sắt theo chức năng của lực lượng CSGT.


Kiến nghị 6 giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự, ATGT đường sắt tại Hội nghị ATGT 2023- Ảnh 1.

Đường sắt đóng một vai trò quan trọng trong công tác vận chuyển hàng hóa và giao thương

Còn nhiều hạn chế

Theo ThS. Nguyễn Như Linh, quản lý nhà nước về trật tự, ATGT đường sắt của lực lượng CSGT đã đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần bảo đảm trật tự ATGT nói chung và trật tự ATGT đường sắt nói riêng. Trong giai đoạn hội nhập và phát triển kinh tế như hiện nay, đường sắt đóng một vai trò quan trọng trong công tác vận chuyển hàng hóa và giao thương cùng các nước khác trong khu vực. Trên cơ sở được đầu tư và có định hướng lâu dài trong tương lai, vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt sẽ không ngừng được mở rộng về kết cấu hạ tầng kho bãi, thiết bị xếp dỡ, phát triển dịch vụ logistics đường sắt sẽ cạnh tranh với các phương thức vận tải khác.

Tại các đô thị lớn đã hình thành đường sắt, từ đó làm thay đổi bộ mặt đô thị góp phần nâng cao năng lực vận tải, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, cũng như củng cố quốc phòng - an ninh và nhu cầu đi lại của người dân.

Bên cạnh những ưu điểm đem lại, hoạt động giao thông vận tải đường sắt ở nước ta cũng đã và đang gây ra nhiều vấn đề nhức nhối cho đời sống con người: Tình trạng mất trật tự ATGT đường sắt, TNGT đường sắt, ô nhiễm môi trường do hoạt động giao thông đường sắt ngày càng gia tăng. Theo thống kê của Cục CSGT, tính từ năm 2013 đến 2022, cả nước đã xảy ra 2.728 vụ TNGT đường sắt, làm chết 1.416 người, bị thương 1.646 người, gây thiệt hại lớn về tài sản. Trong đó, 2.581 vụ TNGT đường sắt xảy ra tại các đường ngang (chiếm 94,6%) tổng số vụ TNGT đường sắt, làm cho hành trình của nhiều đoàn tàu bị gián đoạn, gây tổn thất cho Nhà nước hàng chục tỉ đồng. Chỉ thị 23 ngày 25/05/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT trong tình hình mới đã chỉ rõ "trật tự, ATGT vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội; văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét; việc bảo đảm trật tự, ATGT có lúc, có nơi bị buông lỏng, một số vi phạm chưa được khắc phục triệt để; TNGT giảm chưa bền vững; việc giải quyết ùn tắc giao thông tại một số thành phố, đô thị lớn vẫn còn nhiều khó khăn... tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước".

Thời gian qua, các cơ quan chức năng mà nòng cốt là lực lượng CSGT đã trực tiếp thực hiện hầu hết các mặt công tác quản lý nhà nước về trật tự ATGT đường sắt mà Nhà nước giao cho ngành Công an. Nhận thức đúng vai trò của mình, trong những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CSGT đã có nhiều cố gắng triển khai thực hiện tốt các mặt công tác: kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự ATGT đường sắt; tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm trật tự ATGT đường sắt và vận động quần chúng nhân dân tham gia quản lý trật tự ATGT đường sắt; đấu tranh làm giảm TNGT đường sắt, phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên các tuyến đường sắt…

Bằng các hoạt động trên, lực lượng CSGT đã góp phần đáng kể vào việc bảo đảm trật tự ATGT đường sắt ở nước ta; kiềm chế một cách căn bản sự gia tăng của TNGT đường sắt. Bên cạnh đó, mỗi năm lực lượng CSGT còn trực tiếp phát hiện, đấu tranh xử lý hàng chục ngàn vụ vi phạm trật tự ATGT đường sắt, xử phạt nộp kho bạc nhà nước gần 5 tỷ đồng; phối hợp bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội liên quan chủ yếu đến buôn lậu với số lượng lớn…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác quản lý nhà nước về trật tự ATGT đường sắt của lực lượng CSGT cũng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, nổi lên trong đó là việc phân công, phân cấp, tổ chức bộ máy lực lượng CSGT còn chưa thật sự ổn định và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn bảo đảm trật tự ATGT đường sắt; hiệu quả việc tổ chức tiến hành một số nội dung, biện pháp quản lý nhà nước về trật tự ATGT đường sắt theo chức năng của lực lượng CSGT chưa cao; kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật của một bộ phận không nhỏ cán bộ CSGT còn hạn chế... Trong khi đó, hệ thống các quy phạm pháp luật về trật tự ATGT đường sắt và văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của ngành Công an về công tác CSGT vẫn còn nhiều nội dung chưa rõ ràng, khó thực hiện; việc nghiên cứu lý luận, sơ kết, tổng kết theo chuyên đề cũng chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên... đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng quản lý nhà nước về trật tự ATGT đường sắt của lực lượng CSGT.

Vì vậy, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng ở nước ta, để tạo sự ổn định và phát triển cần thiết cho trật tự xã hội và đời sống người dân..., việc nghiên cứu để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự ATGT đường sắt theo chức năng của lực lượng CSGT là vấn đề rất cấp thiết hiện nay.

Kiến nghị 6 giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự, ATGT đường sắt tại Hội nghị ATGT 2023- Ảnh 2.

Tại các thành phố lớn đã hình thành đường sắt đô thị

6 giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

Trên cơ sở đó, ThS. Nguyễn Như Linh đề xuất 6 giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự ATGT đường sắt trong thời gian tới, để thông qua Hội nghị ATGT gửi đến các cơ quan tham mưu của Chính phủ xem xét có thể áp dụng.

Một là, tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về trật tự, ATGT đường sắt của lực lượng CSGT. Để quản lý xã hội bằng pháp luật, Nhà nước phải không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật để điều chỉnh mọi lĩnh vực trong xã hội. Các văn bản pháp luật mới khi được ban hành cần phải theo hướng cụ thể, ngày càng sát với thực tế hơn.

Hai là, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt. Đây là công tác đặc biệt quan trọng, vì đối tượng tham gia giao thông và những đối tượng gây mất trật tự ATGT đường sắt đều là quần chúng nhân dân. Do vậy, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và giúp người dân tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ, đồng thời mạnh dạn đấu tranh với các hành vi vi phạm… có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự ATGT đường sắt.

Ba là, lực lượng CSGT cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát phát hiện xử lý vi phạm về trật tự, ATGT đường sắt. Quá trình kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm về trật tự ATGT đường sắt là hoạt động đặc trưng trong quản lý nhà nước về trật tự ATGT đường sắt của lực lượng CSGT. Tuy vậy, đây là công tác nghiệp vụ rất phức tạp và thường xuất hiện các tình huống bất lợi diễn ra ngay tại thời điểm xử lý, đòi hỏi lực lượng CSGT làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát phải vận dụng linh hoạt và sáng tạo các phương pháp, chiến thuật nghiệp vụ và khai thác, sử dụng tốt những điều kiện thuận lợi, những công cụ phương tiện được trang bị... để xử lý mọi tình huống.

Bốn là, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác điều tra xử lý TNGT đường sắt của lực lượng CSGT. Để tổ chức có hiệu quả các biện pháp điều tra và làm rõ TNGT đường sắt theo quy định pháp luật thì ngoài thẩm quyền pháp lý, biên chế, năng lực chuyên môn nghiệp vụ thụ lý điều tra cần phải có sự hỗ trợ tích cực của hệ thống trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện nghiệp vụ trong quá trình thu thập những dấu vết, vật chứng như là: dấu vết phanh, vết va đập, cà xước, dấu vết những chất lỏng (dầu, mỡ…) dấu vết sinh vật (dấu vết máu, tóc…) là có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động điều tra để xây dựng lại diễn biến vụ tại nạn, xác định nguyên nhân và điều kiện xảy ra để làm sáng tỏ sự thật vụ TNGT đường sắt.

Năm là, tổ chức biên chế hợp lý và bồi dưỡng nâng cao trình độ, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về trật tự, ATGT đường sắt cho lực lượng CSGT. quản lý nhà nước về trật tự ATGT đường sắt là một lĩnh vực khoa học xã hội và có tác động ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội, đến tâm tư tình cảm và quyền lợi, trách nhiệm của mọi người dân. Do vậy, việc kiện toàn lại biên chế tổ chức, nâng cao trình độ nghiệp vụ và năng lực công tác, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm của CSGT trong suốt quá trình làm việc, tiếp xúc với nhân dân... Đây là yêu cầu khách quan để nâng cao hiệu quả và phát huy vai trò tác dụng quản lý nhà nước về trật tự ATGT đường sắt của lực lượng CSGT.

Sáu là, lực lượng CSGT cần duy trì và thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp trong quản lý nhà nước về trật tự, ATGT đường sắt. Bảo đảm trật tự ATGT đường sắt, ngăn ngừa, hạn chế TNGT đường sắt trong tình hình hiện nay không chỉ là nhiệm vụ của những cơ quan chức năng, trách nhiệm của lực lượng CSGT mà còn là nhiệm vụ chung của các ngành và các cấp và mọi công dân. Thời gian tới, cần nhanh chóng xây dựng, ban hành và bổ sung những văn bản pháp lý quy định rõ hơn mối quan hệ phối hợp giữa những lực lượng trong ngành Công an, ngành đường sắt cũng như với những lực lượng khác có liên quan. Tất cả những văn bản trên cần có chế tài xử lý thật cụ thể đối với các cá nhân, đơn vị nếu như gây hậu quả nghiêm trọng làm ảnh hưởng kết quả điều tra chung.

Hoạt động vận tải đường sắt dù được ra đời muộn hơn các loại hình GTVT khác như đường bộ, đường thủy… nhưng đã nhanh chóng khẳng định được vai trò quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đường sắt góp phần vận chuyển một lượng lớn hàng hoá và hành khách, đồng thời đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển đó, vận tải đường sắt đã và đang bộc lộ những mặt trái rất cơ bản như: Việc tổ chức triển khai các chủ trương và giải pháp của Đảng, Nhà nước về bảo đảm trật tự ATGT đường sắt của lực lượng CSGT còn chậm; một số văn bản pháp quy về quản lý nhà nước về trật tự ATGT đường sắt còn có điểm chưa thống nhất và đồng bộ, không ít nội dung chưa thật sự phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về trật tự ATGT đường sắt của lực lượng CSGT; việc tổ chức các biện pháp quản lý nhà nước về trật tự ATGT đường sắt, cụ thể là của lực lượng CSGT hiệu quả còn chưa cao; biên chế và tổ chức lực lượng CSGT còn chưa thực sự phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về trật tự ATGT đường sắt trong tình hình mới; phương tiện, trang thiết bị phục vụ quản lý nhà nước về trật tự ATGT đường sắt của lực lượng CSGT còn thiếu...