Đã bàn giao khoảng 92% mặt bằng dự án
Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết 60/2022 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Đối với công tác GPMB của dự án, Chính phủ cho biết, ngay sau khi dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, các địa phương đã khẩn trương lập hồ sơ cắm cọc GPMB và thực hiện cắm mốc tại thực địa. Đồng thời tổ chức kiểm đếm, đo đạc, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; tổ chức phê duyệt phương án bồi thường, thu hồi đất.
Đến ngày 17/6/2022, các địa phương đã hoàn thành, bàn giao trên 70% diện tích mặt bằng, đáp ứng điều kiện khởi công dự án; Đến ngày 30/9/2023, đã hoàn thành và bàn giao khoảng 92% mặt bằng dự án.
Về xây dựng các khu tái định cư, Chính phủ cho biết, có tổng số 5.478 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 721 hộ phải bố trí tái định cư tại 9 khu tái định cư, gồm 7 khu tái định cư đang triển khai xây mới và 2 khu đã có sẵn.
Về di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, các địa phương đang triển khai lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt phương án và tiến hành di dời 310 vị trí công trình hạ tầng kỹ thuật.
Đề cập đến công tác lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng, Chính phủ cho biết, trong tổng số 14 gói thầu xây lắp của dự án, chủ đầu tư đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu đối với 8/14 gói thầu; hiện đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để lựa chọn nhà thầu các gói thầu còn lại.
Đến nay, dự án đã khởi công 4/14 gói thầu (mỗi dự án thành phần khởi công 1 gói thầu vào ngày 17/6/2023). Ngay sau khi hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư các dự án thành phần đã chỉ đạo nhà thầu tiếp nhận mặt bằng thi công, huy động công trường tập kết máy móc thiết bị thi công các hạng mục liên quan, xây dựng lán trại. Hiện nay, các đơn vị thi công đang tập trung thi công đào bóc hữu cơ và nền đường công vụ.
Theo chủ trương đầu tư được phê duyệt tại Nghị quyết 60/2022 của Quốc hội, giai đoạn 2021 - 2025, dự án được bố trí 30.758 tỷ đồng, cân đối điều hòa từ nguồn vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; nguồn vốn từ rà soát, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT; nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển theo Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 và ngân sách địa phương.
Đến nay, dự án đã được giao tổng số vốn trong kế hoạch hàng năm là 6.807 tỷ đồng. Đến hết tháng 8/2023, dự án đã giải ngân được 4.524/6.807 tỷ đồng (đạt 65%).
Không đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu đất đắp
Tổng nhu cầu vật liệu đắp thông thường cho cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng gồm: Cát đắp khoảng 31,3 triệu mét khối; đất đắp khoảng 2,7 triệu mét khối.
Trong báo cáo gửi đến Quốc hội, Chính phủ cho hay, hiện nay, ngoài tỉnh An Giang đảm bảo cung cấp đủ vật liệu đắp thông thường cho dự án thành phần 1 (khoảng 9,3 triệu mét khối), các địa phương còn lại đều gặp khó khăn vướng mắc, không đáp ứng đủ nhu cầu.
Cụ thể, trên địa bàn TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang không có mỏ vật liệu cát đắp đáp ứng nhu cầu, dự kiến sử dụng nguồn cát khai thác từ tỉnh An Giang khoảng 7,5 triệu mét khối, còn lại cần nghiên cứu đề nghị cân đối từ các địa phương lân cận khác.
Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hiện nay chỉ có các mỏ cát trong quy hoạch, chưa thực hiện các thủ tục cấp phép nên mặc dù đã khởi công 1 gói thầu nhưng vẫn rất khó khăn về nguồn vật liệu đắp nền.
Hiện nay, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai nhiều dự án quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia như: Cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang, cao tốc Hậu Giang - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu,… Chỉ tính riêng các dự án cao tốc đang triển khai trong khu vực, nhu cầu cần khoảng gần 56 triệu mét khối cát, gần 7 triệu mét khối đá (riêng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, nhu cầu vật liệu cát cần khoảng 31,3 triệu mét khối) chưa kể các công trình, dự án của địa phương triển khai cùng thời điểm.
Về nguồn cung cấp cát đắp nền của các địa phương, báo cáo của Chính phủ cho biết, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai đồng loạt nhiều dự án quan trọng nên nguồn cát tại tỉnh An Giang phải điều phối để thực hiện đồng thời các dự án trọng điểm trong khu vực, ảnh hưởng đến trữ lượng cung cấp thực hiện dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Tại TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, nguồn cát tại địa phương không đáp ứng nhu cầu cho các dự án thành phần 2 và 3 (khoảng 14 triệu mét khối). Tỉnh An Giang đã thống nhất cung cấp cho tỉnh Hậu Giang và TP. Cần Thơ khoảng 7,5 triệu mét khối từ mỏ Bình Phước Xuân và một số mỏ được quy hoạch trên sông Hậu, mới chỉ đáp ứng khoảng 53% nhu cầu thực hiện 2 dự án thành phần. Đồng thời, để có thể khai thác cát tại các mỏ này cần phải thực hiện các thủ tục thăm dò và đánh giá tác động môi trường.
Tại tỉnh Sóc Trăng, ngày 11/7 vừa qua, HĐND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết 35 quyết định biện pháp quản lý, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho dự án thành phần 4 (bao gồm 7 mỏ, tổng trữ lượng khoảng 17 triệu mét khối). Hiện nay, các cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng đang hoàn thiện thủ tục để khai thác 7 mỏ trong quy hoạch, sau khi được khai thác sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, trong khi chờ hoàn thành thủ tục, chủ đầu tư chưa có phương án cụ thể về nguồn cát thực hiện gói thầu đã khởi công.
Đề cập đến việc thực hiện cơ chế giao mỏ cho nhà thầu, Chính phủ cho biết, triển khai cơ chế theo Nghị quyết 60/2022 và Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương thực hiện các thủ tục để giao mỏ cho nhà thầu khai thác. Tuy nhiên, một số địa phương còn lúng túng trong quá trình thực hiện, đặc biệt là việc giao mỏ cho các nhà thầu thuộc các dự án thành phần do các địa phương khác là cơ quan chủ quản.
Cần cho phép kéo dài thời gian thực hiện cơ chế đặc thù
Liên quan đến nguồn cung cấp vật liệu (đặc biệt là cát đắp nền) cho các dự án trọng điểm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thủ tục giao mỏ cho các nhà thầu, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì nhiều cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương, chủ đầu tư khẩn trương triển khai thủ tục cấp mỏ, nâng công suất mỏ vật liệu một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ thị công; các nhà thầu phối hợp với các địa phương, sớm hoàn thiện các thủ tục khai thác mỏ vật liệu xây dựng, hoàn thành các thủ tục để khai thác mỏ vật liệu trong tháng 10/2023; Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát và nhanh chóng sửa đổi theo thẩm quyền và đề xuất nếu vượt thẩm quyền về quy trình cấp mỏ đất, đá, cát, sỏi, vật liệu thông thường cho xây dựng các đường giao thông,... theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, không kéo dài thời gian, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực và phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân, doanh nghiệp; Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan hướng dẫn các chủ đầu tư xác định giá vật liệu tại mỏ (gồm giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, đền bù cây cối, hoa màu,...).
Theo Chính phủ, việc triển khai cơ chế đặc thù về cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ các dự án theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội chỉ được áp dụng trong 2 năm 2022 và 2023.
"Tuy nhiên, dự án được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 60/2022, cần tối thiểu một năm để chuẩn bị và khởi công dự án nên việc giao mỏ cho nhà thầu theo cơ chế chỉ còn khoảng 6 tháng để thực hiện", báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Để đảm bảo việc triển khai dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đúng yêu cầu tại Nghị quyết 60/2022, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội) đến hết năm 2024 do dự án đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu, đặc biệt là nguồn cát đắp nền.
Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm, thường xuyên giám sát tình hình thực hiện dự án; có ý kiến với Đoàn Đại biểu Quốc hội các địa phương có dự án đi qua thường xuyên quan tâm, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án, bảo đảm tiến độ theo yêu cầu.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.