Mạnh tay xử lý hành vi dừng, đỗ phương tiện sai quy định, gây hiểm họa TNGT

Tác giả: Đại Thắng

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 01/03/2023 15:50

Thời gian qua, liên tục xảy ra các vụ TNGT liên quan đến phương tiện đang dừng, đỗ trên đường gây hậu quả nghiêm trọng. Để ngăn ngừa, giảm thiểu TNGT, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi dừng, đỗ xe vi phạm quy định pháp luật về TTATGT.

TNGT
Mạnh tay xử lý hành vi dừng đỗ phương tiện trái quy định gây tai nạn giao thông - Ảnh 1.

Hiện trường vụ TNGT xe khách đâm vào xe tải đang dừng trên QL1 ở Quảng Nam khiến 3 người chết vào ngày 21/2/2023

Liên tiếp xảy ra TNGT liên quan đến phương tiện đang dừng đỗ trên đường

Chỉ sau 5 ngày xảy ra vụ TNGT xe khách đâm vào đuôi xe tải đang đỗ tại Km1010+300 tuyến QL1 qua huyện Núi Thành (Quảng Nam) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến 3 người chết, 13 người bị thương, thì đến ngày 27/2, tại Km1378+620 qua thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn, Quảng Nam), xe máy BKS 92P1-025.91 chạy hướng Đà Nẵng - Kon Tum cũng đâm vào đuôi xe tải BKS 81C-063.47 khi đang dừng đỗ bên đường, may mắn người trên xe máy chỉ bị thương, xe mô tô hư hỏng.

Theo số liệu thống kê của Khu QLĐB III (Cục Đường bộ Việt Nam), từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn các tuyến quốc lộ, chỉ tính riêng tại địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xảy ra 4 vụ/chết 4 người/bị thương 14 người do phương tiện đi sau tông vào phương tiện dừng đỗ trên mặt đường, thời điểm xảy ra các vụ này thường vào ban đêm, tầm nhìn hạn chế.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Khu QLĐB III cho hay, theo quy định tại QCVN41:2019/BGTVT, xe dừng đỗ trên mặt đường phải đặt biển cảnh báo W247 "chú ý đỗ xe". Trước thực trạng TNGT xảy ra liên quan đến hành vi dừng đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy nhưng không đặt biển báo hiệu nguy hiểm, Khu QLĐB III đã đề nghị lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy nhưng không đặt biển báo hiệu nguy hiểm. Đồng thời kiến nghị bổ sung Nghị định số 100/2019/NĐ-CP theo hướng tăng mức chế tài đối với hành vi vi phạm này.

Luật sư Nguyễn Công Tín – Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng nhìn nhận, hành vi dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định, không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến TNGT. Đáng nói, hành vi vi phạm trên rất thường gặp và không nhiều người nhận thức được hết mức độ nguy hiểm của nó.

Nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm trên vẫn còn khá phổ biến là do người dân chưa nhận thức pháp luật đầy đủ, hoặc có nhận thức đầy đủ nhưng cẩu thả, bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Các cơ quan chấp hành pháp luật chưa kịp thời tuyên truyền, phổ biết pháp luật, chưa đẩy mạnh công tác phát hiện và xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Mạnh tay xử lý hành vi dừng đỗ phương tiện trái quy định gây tai nạn giao thông - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Công Tín – Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng

Luật sự Tín thông tin, theo quy định tại Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây: Bên trái đường một chiều; Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất; Trên cầu, gầm cầu vượt; Song song với một xe khác đang dừng, đỗ; Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; Nơi dừng của xe buýt; Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức; Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; Trong phạm vi an toàn của đường sắt; Che khuất biển báo hiệu đường bộ.

Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố (là đường đô thị, gồm lòng đường và hè phố), ngoài phải tuân theo các quy định trên còn phải tuân theo các quy định sau:

Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét.

Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.

"Người điều khiển phương tiện giao thông mà vi phạm các quy định trên, tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự", Luật sư Tín cho hay.

Cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm

Cũng theo luật sư Tín, người dừng, dỗ xe không đúng quy định của pháp luật có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP), tùy theo loại phương tiện, hành vi vi phạm mà có mức xử phạt khác nhau, như đối với xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, nếu vi phạm về dừng, đỗ có thể bị xử phạt với mức thấp nhất là 300.000 đồng, mức cao nhất lên đến 12.000.000 đồng.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn.

Mạnh tay xử lý hành vi dừng đỗ phương tiện trái quy định gây tai nạn giao thông - Ảnh 3.

Hiện trường vụ TNGT xe máy BKS 92P1-025.91 đâm vào đuôi ô tô tải BKS 81C-063.47 khi đang dừng đỗ tại Km1378+620 đường Hồ Chí Minh qua Quảng Nam xảy ra ngày 27/2

Nói về chế tài xử lý hình sự, luật sư Tín cho biết, người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về dừng, đỗ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên.

"Người dừng, đỗ không đúng quy định có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả làm chết 03 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ", luật sư Tín chia sẻ.

Luật sư Tín cho biết thêm, trường hợp vụ tai nạn có tính chất nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự thì lực lượng công an phải tiếp nhận và giải quyết theo đúng quy định tại Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 và Thông tư số 60 quy định quy trình điều tra, giải quyết TNGT đường bộ của lực lượng CSGT.

Qua quá trình xác minh, nếu có dấu hiệu hình sự, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

"Tình trạng vi phạm về dừng, đỗ phương tiện giao thông rất phổ biến và nhiều người còn chưa nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Do đó, trong thời gian tới, để giảm thiểu các vi phạm về dừng, đỗ xe, cơ quan chức năng cần có có biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân, kịp thời phát hiện và mạnh tay, xử lý nghiêm các hành vi dừng, đỗ xe không đúng quy định để răn đe, phòng ngừa chung.

Hiện nay, các văn bản pháp luật được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, người dân rất dễ tiếp cận. Do đó, về phía người dân cũng phải tự chủ động tìm hiểu, chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông đường bộ để tự bảo vệ mình và bảo vệ người tham gia giao thông khác", luật sư Tín khuyến cáo.