Mở đường bay vận chuyển hàng hoá tới Hà Nội, "ông lớn" Lufthansa Cargo tham vọng gì?

Tác giả: M.Thành

saosaosaosaosao
Hàng không 24/11/2022 15:48

Cùng với việc tăng cường sự hiện diện tại các vùng kinh tế đang phát triển mạnh của Việt Nam như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, "ông lớn" Lufthansa Cargo đặt mục tiêu hỗ trợ hoạt động vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Việt Nam với công suất vận chuyển hàng hóa đạt 250 tấn mỗi tuần.

Hãng hàng không vận chuyển hàng hóa duy nhất bay thẳng đến Frankfurt

Hà Nội vừa trở thành điểm đến mới trong mạng lưới đường bay vận chuyển hàng hoá toàn cầu bằng chuyên cơ B777F trong lịch bay mùa đông 2022/2023 của Lufthansa Cargo - một trong những doanh nghiệp dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không.

Mở đường bay vận chuyển hàng hoá tới Hà Nội, "ông lớn" Lufthansa Cargo tham vọng gì?

 - Ảnh 1.

Lufthansa Cargo có tổng số bốn chuyến bay chở hàng hóa hàng tuần đến và đi từ Việt Nam, với tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển mỗi tuần lên đến 250 tấn

Chuyến bay khai trương đường bay mới cất cánh vào ngày 2/11/2022. Sau khi quá cảnh ở Mumbai, chuyên cơ Boeing 777F đã đến Hà Nội theo đúng lịch trình vào ngày 3/ 11. Từ sau đó, Lufthansa Cargo đã thực hiện các chuyến bay tới Hà Nội 2 lần một tuần (vào thứ Năm và thứ Bảy).

Cùng với 2 chuyến bay mỗi tuần đến Thành phố Hồ Chí Minh đã có từ trước, hãng đã tăng gấp đôi công suất vận tải đến Việt Nam và hiện là hãng hàng không vận chuyển hàng hóa duy nhất trên thị trường có đường bay trực tiếp từ thủ đô Hà Nội (Việt Nam) đến Frankfurt (Đức) - trung tâm trung chuyển hàng hóa bằng đường bộ và đường hàng không tới các nước trong khu vực Châu Âu và trên toàn thế giới.

Theo đánh giá của Ban điều hành Lufthansa Cargo, TP. Chí Minh - thành phố lớn nhất của Việt Nam, trung tâm kinh tế ở phía Nam và thủ đô Hà Nội - ở phía Bắc là hai khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kể trong những năm gần đây. Là một trung tâm sản xuất, vai trò của Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng khi ghi nhận sự tăng trưởng nhanh chóng về khối lượng hàng hoá xuất khẩu sang các nước khác, bao gồm cả thị trường châu Âu. Điều này khiến cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tăng cao. Đặc biệt trong đó, đồ điện tử, phụ tùng ô tô và quần áo là ba trong số những mặt hàng được vận chuyển từ Hà Nội thường xuyên nhất.

Với việc tăng công suất vận tải đến châu Âu thông qua đường bay mới, Lufthansa Cargo mang đến cho khách hàng các giải pháp vận tải hấp dẫn với các chuyến bay chở hàng, qua đó thúc đẩy Hà Nội phát triển hơn nữa với vai trò là trung tâm vận chuyển hàng hóa.

Tổng số 4 chuyến bay chở hàng hóa hàng tuần đến và đi từ Việt Nam mang lại công suất vận chuyển hàng hóa thường xuyên đạt 250 tấn mỗi tuần.

Tất cả các dịch vụ vận chuyển hàng hóa đến Việt Nam của Lufthansa Cargo đều được AeroLogic (doanh nghiệp liên doanh giữa DHL Express và Lufthansa Cargo được thành lập từ năm 2007) vận hành bằng máy bay vận tải Boeing 777F. Đội bay đường dài của Lufthansa Cargo bao gồm 16 máy bay Boeing 777F, với 5 trong số những chiếc máy bay này được vận hành bởi AeroLogic. Tất cả đều hoạt động dưới số hiệu chuyến bay của Lufthansa.

Mỗi máy bay có sức chứa hàng hóa lên tới 103 tấn, được phân bổ cho 27 vị trí container trên khoang chính và 10 pallet tiêu chuẩn ở khoang dưới, và có tầm bay 9.045 km.

Mở đường bay vận chuyển hàng hoá tới Hà Nội, "ông lớn" Lufthansa Cargo tham vọng gì?

 - Ảnh 2.

Ông Ashwin Bhat, Giám đốc Thương mại hãng hàng không Lufthansa Cargo AG chia sẻ về đặc thù ngành vận tải hàng không tại họp báo ngày 24/11 tại Hà Nội

"Chúng tôi đã kết nối chặt chẽ với thị trường Việt Nam từ năm 2015 với đường bay vận chuyển hàng hóa đến TP. Hồ Chí Minh. Với việc mở trung tâm vận tải hàng hoá tại Hà Nội, nơi nằm trên con đường giao thương kinh tế huyết mạch với các nước trong khu vực Bắc và Đông Nam Á, chúng tôi tối ưu và hoàn thiện các dịch vụ vận tải hàng hoá cho khách hàng bằng việc mở thêm đường bay tới Frankfurt, từ đó kết nối với các mạng lưới của Lufthansa Cargo tại châu Âu và trên toàn thế giới", ông Ashwin Bhat, Giám đốc Thương mại của Lufthansa Cargo nhấn mạnh.

Tiềm năng thị trường Việt Nam

Với doanh thu 3,8 tỷ euro và công suất vận chuyển 7,2 tỷ tấn hàng hóa trên 1 km trong năm 2021, Lufthansa Cargo (công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Deutsche Lufthansa AG và là doanh nghiệp chuyên về hậu cần của Tập đoàn Lufthansa) là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không.

Công ty hiện đang sở hữu khoảng 4.200 nhân sự trên toàn thế giới. Trọng tâm của Lufthansa Cargo là kinh doanh các dịch vu vận chuyển hàng hoá liên sân bay. Mạng lưới đường bay của Lufthansa Cargo bao phủ khoảng 300 điểm đến tại hơn 100 quốc gia, sử dụng cả máy bay chở hàng và sức chứa hàng hóa từ máy bay chở khách do Lufthansa, Austria Airlines, Brussels Airlines, Eurowings Discover và SunExpress khai thác, cũng như xe tải. Phần lớn hoạt động kinh doanh hàng hóa được xử lý thông qua Sân bay Frankfurt (Đức).

Mở đường bay vận chuyển hàng hoá tới Hà Nội, "ông lớn" Lufthansa Cargo tham vọng gì?

 - Ảnh 3.

Đại diện hãng hàng không Lufthansa Cargo AG tại họp báo giới thiệu đường bay vận chuyển hàng hóa tới Hà Nội

Tại cuộc họp báo ngày 24/11 giới thiệu đường bay vận chuyển hàng hoá từ Frankfurt tới Hà Nội, ông Ashwin Bhat, Thành viên Ban điều hành, Giám đốc Thương mại Lufthansa Cargo chia sẻ: "Khi xây dựng mạng lưới kết nối về kinh tế, Lufthansa Cargo không thể bỏ qua Việt Nam – nơi có 30% hàng hóa xuất đi là điện tử, hàng công nghệ cao và chúng tôi muốn là một phần trong sự tăng trưởng của Việt Nam, trong lâu dài. Chúng tôi đầu tư vào những gì có lợi và tin tưởng thị trường Việt Nam đem lại điều đó cho chúng tôi".

Cùng quan điểm, ông Klaus Hagenkord, Trưởng bộ phận Kinh doanh và Kiểm soát Lufthansa Cargo AG nhận định, Việt Nam có tốc độ hồi phục kinh tế vào loại nhanh trên thế giới, minh chứng là Việt Nam vẫn đứng vững và vượt qua đại dịch Covid-19, từng bước hồi phục.

"Tôi ấn tượng với một số con số thương mại của Việt Nam. Đất nước các bạn cũng ký kết nhiều hiệp định song phương với nhiều đối tác mạnh trên thế giới, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do (FTA) ký với châu Âu năm 2020. Khi kinh tế phát triển thì chắc chắn cần nhiều hơn những giải pháp vận chuyển", ông Klaus Hagenkord phát biểu.

Bà Đoàn Bích Thuỷ, Giám đốc Quốc gia của Lufthansa Cargo tại Việt Nam cho biết, tổng sản lượng hàng hoá vận chuyển hàng không tại Việt Nam đã tăng lên 2,5 lần theo chu kỳ 10 năm, dự báo đến năm 2030 đạt khoảng 4,1 triệu tấn. Hiện tại, mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam là điện thoại, tiếp đến là máy tính, máy móc, quần áo, giày dép, thủy sản…

"Những chuyến bay của Lufthansa Cargo từ Frankfurt (Đức) đến Hà Nội và ngược lại được tổ chức và tính toán một cách hợp lý nhất nhằm tối đa hóa công suất vận chuyển", bà Thủy chia sẻ.

Ông J. Florian Pfaff, Phó chủ tịch Khu vực Châu Á - Thái Bình của Lufthansa Cargo cho biết, hãng đã có mặt ở Việt Nam từ 2015 và có thời gian dài quan sát, tìm hiểu và đánh giá thị trường Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. "Từ cuối năm 2021, chúng tôi đã thảo luận với các khách hàng, đã có sự chuẩn bị, việc đầu tư máy bay mới cũng giúp chúng tôi phục vụ nhu cầu hiện tại ở thị trường này. Thị trường chưa hồi phục hoàn toàn nhưng chúng tôi vẫn quyết định mở đường bay tới Hà Nội, vì tin tưởng sẽ còn ở đây một thời gian dài", ông J. Florian Pfaff nói.