... Đây là minh chứng cho ý chí và tinh thần, là động lực để lan tỏa và truyền cảm hứng cho các dự án tiếp theo, từ đó tạo đà thực hiện thắng lợi các mục tiêu đột phá hạ tầng giao thông mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Kết cấu hạ tầng GTVT có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống hạ tầng giao thông tốt giúp thúc đẩy liên kết và hợp tác chặt chẽ trong vùng, kết nối thị trường và liên vùng với thị trường quốc gia và quốc tế, khai thác và hiện thực hóa các tiềm năng kinh tế của địa phương; nâng cao hiệu quả đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh... Với vai trò, ý nghĩa quan trọng đó, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định "Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông".
Để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Ban Cán sự đảng Bộ GTVT đã xây dựng Chương trình hành động để cụ thể hóa các mục tiêu và giải pháp. Trong đó, ngành GTVT xác định công tác quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của cả 5 chuyên ngành đường bộ, đường sắt, đường hàng hải, đường hàng không, đường thủy nội địa được đặt lên ưu tiên hàng đầu. Đến nay, cả 5 quy hoạch đã cơ bản được thực hiện, bảo đảm có tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn, phát huy được lợi thế nổi trội từng vùng, miền, kết nối được các trung tâm kinh tế, tạo ra không gian phát triển kinh tế mới, tạo ra nguồn lực và là cơ sở để hình thành các dự án hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là phát huy đúng lợi thế của từng chuyên ngành nhằm góp phần giảm chi phí logistics, tối ưu hóa chi phí vận tải, từ đó góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược cần tập trung thực hiện trong 5 năm, 10 năm tới. Mục tiêu đến năm 2030, cả nước phải có ít nhất 5.000 km cao tốc; đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; giai đoạn 1 của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau; đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển; chuẩn bị triển khai một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt vùng; kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cả nước có khoảng 3.000 km đường cao tốc, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ngành GTVT đã khánh thành và đưa vào khai thác thêm 729 km đường cao tốc, nâng tổng số đường cao tốc của cả nước lên 1.892 km. Bên cạnh đó, ngành GTVT đang tập trung triển khai thi công 37 dự án/dự án thành phần trải dài trên cả nước với tổng chiều dài 1.658 km. Như vậy, chỉ trong 10 năm (2021 - 2030), chúng ta đã, đang và sẽ đầu tư, xây dựng gấp gần 4 lần số kilomet đường bộ cao tốc đã xây dựng trong hơn 20 năm qua.
Đánh giá kết quả đạt được của một năm hoạt động vô cùng sôi động, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, năm 2023 là năm rất khó khăn, tình hình quốc tế, trong nước ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ GTVT. Nhưng với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, với phương châm "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", Đảng ủy Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ tập trung lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của ngành GTVT. Đặc biệt, công tác giải ngân là kỳ tích của Bộ GTVT năm 2023.
"Để đạt được kết quả này, cán bộ, công nhân viên ngành GTVT rất vất vả, làm gần như không có ngày nghỉ, ngày lễ, làm việc ngoài giờ là chuyện đương nhiên, thậm chí có giai đoạn làm 24/24h. Đảng ủy Bộ đã sát sao, cùng với Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ tập trung lãnh đạo cấp ủy đảng, tổ chức, cơ quan, đơn vị, đặc biệt đã động viên đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cùng đóng góp, cống hiến, hoàn thành tốt nhiệm vụ, kế hoạch năm 2023 của Ngành", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Đặc biệt, công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác chỉ đạo, điều hành đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, qua đó tạo khí thế mới, tinh thần đoàn kết, làm việc hăng say trong toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động toàn ngành GTVT.
Có được hệ thống đường cao tốc trải dài khắp cả nước là ước mơ của bất cứ quốc gia nào muốn phát triển, muốn hiện đại hóa bởi tính chất ưu việt của nó trong lưu thông và mở rộng giao thương, liên kết các vùng miền. Để hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những hành động cụ thể như việc phân bổ 339.000 tỷ đồng, đủ điều kiện để triển khai dứt điểm các công trình trong giai đoạn tới đây. Đồng thời, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các chính sách đặc thù cho các dự án cao tốc, từ đây mở ra hành lang pháp lý thông thoáng để rút ngắn thời gian triển khai. Nhờ đó, thủ tục đầu tư được rút ngắn từ 1 đến 2 năm. Ngoài ra, việc Chính phủ ban hành 2 nghị quyết đặc thù (Nghị quyết 133, Nghị quyết 66) để giải quyết bài toán thiếu vật liệu đắp nền cũng thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ thời gian qua nhằm gỡ ngay những "nút thắt".
Bằng ý chí, nghị lực, khát vọng một Việt Nam hùng cường, ngành GTVT đã vượt lên những vướng mắc về pháp lý, khó khăn về nguồn kinh phí, khó khăn về nguyên vật liệu, giá cả, thực địa, thi công trong điều kiện dịch bệnh, biến đổi khí hậu, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng... Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Quốc hội, Chính phủ, ngành GTVT đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, đi đôi với bố trí nguồn lực thực hiện, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc; phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động, quyết liệt của các địa phương...
Bên cạnh những thành quả nổi bật trong đầu tư, xây dựng hệ thống đường cao tốc, các lĩnh vực và các mặt hoạt động khác của ngành GTVT trong năm qua cũng ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, điều đó xuất phát từ tinh thần chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ, đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, thêm vào đó là sự quyết tâm đổi mới, sáng tạo trên từng vị trí công tác, lập thành tích chào mừng 80 năm ngày Truyền thống ngành GTVT.
Phát huy kết quả đạt được của năm 2023, toàn ngành GTVT đang ra sức thi đua, vượt qua mọi khó khăn, đồng chí đồng lòng, quyết tâm cao độ để ghi những dấu mốc mới trong năm 2024 với tinh thần "Giao thông đi trước mở đường", hoàn thành mục tiêu Nghị quyết của Đảng đã đề ra.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.