Nâng cao chất lượng không khí và an toàn trong hầm giao thông đường bộ

Tác giả: Hoàng Ngân

saosaosaosaosao
Diễn đàn khoa học 19/05/2023 17:55

Đó là phát biểu chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm tại Hội nghị Khoa học công nghệ với chủ đề “Quản lý chất lượng môi trường không khí trong hầm giao thông đường bộ ở Việt Nam” được tổ chức sáng 19/5, tại Hà Nội.


Cần nâng cao chất lượng không khí và an toàn hầm giao thông đường bộ - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm phát biểu tại hội nghị

Hầm đường bộ là công trình quan trọng trên các tuyến đường góp phần rút ngắn thời gian lưu thông, đảm bảo an toàn xe chạy, nâng cao hiệu quả đầu tư của dự án. Hiện nay, Việt Nam đã làm chủ về thiết kế, thi công, quản lý khai thác nhiều hầm đường bộ hiện đại như hầm Hải Vân, Thủ Thiêm, Đèo Cả, Cù Mông… Quá trình vận hành, khai thác quản lý chất lượng môi trường không khí và an toàn trong hầm giao thông đường bộ đang được các cơ quan quản lý, đơn vị vận hành, nhà khoa học quan tâm.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, hầm đường bộ là một trong những công trình giao thông quan trọng trong mạng lưới đường bộ, được thiết kế để giúp các phương tiện rút ngắn khoảng cách lưu thông và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của các tuyến đường bộ; đặc biệt là đường bộ cao tốc, từ đó giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông. Hơn 20 năm qua, Việt Nam đã chủ động tiếp nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ xây dựng hầm từ các nước tiên tiến, nhiều công trình hầm đường bộ đã được xây dựng với quy mô lớn bằng công nghệ hiện đại do đội ngũ kỹ sư Việt Nam thực hiện như hầm Hải Vân 2, Đèo Cả, Cù Mông, Thung Thi, Trường Vinh...

Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng đã tài trợ cho Việt Nam thông qua chương trình tín dụng của JICA để xây dựng và chuyển giao công nghệ thi công, quản lý khai thác hầm Hải Vân, Thủ Thiêm qua sông Sài Gòn, cũng như nhiều công trình hầm ở các nút giao khác mức trong và ngoài đô thị, đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông trong các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Đảm bảo môi trường không khí trong hầm giao thông đường bộ, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, thời gian qua, Bộ GTVT giao Viện KH&CN GTVT thực hiện thông qua một số các chương trình, đề án đánh giá quan trắc chất lượng môi trường không khí trong một số hầm cho thấy các thông số bụi hỗn hợp như NO2, PM10, PM2,5, Benzen tại một số hầm đang vượt giới hạn quy định so với môi trường không khí xung quanh. Tuy nhiên, thông số đặc trưng của khí thải hầm - CO đo được tại các hầm vẫn đều nằm trong giới hạn quy định cho môi trường không khí xung quanh. 

Cũng theo Thứ trưởng Lâm, Bộ GTVT đã chỉ đạo áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí trong hầm như lắp đặt hệ thống quạt thông gió, vệ sinh thông rửa hút bụi bề mặt hầm. Mặc dù chất lượng không khí trong hầm được cải thiện nhưng vẫn cần được quan tâm, bởi ngoài chất lượng môi trường còn liên quan tới an toàn cháy nổ trong hầm. Từ thực tế của quá trình quản lý, khai thác hầm, Hội nghị cần tập trung đánh giá thực trạng và đề xuất với cơ quan quản lý chuyên ngành các giải pháp tiên tiến và hiệu quả để quản lý chất lượng không khí trong hầm giao thông đường bộ, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh.

Cần nâng cao chất lượng không khí và an toàn hầm giao thông đường bộ - Ảnh 2.

Các đại biểu đã tập trung đánh giá thực trạng và đề xuất với cơ quan quản lý các giải pháp tiên tiến và hiệu quả để quản lý chất lượng không khí trong hầm giao thông đường bộ.

Còn theo Nguyễn Xuân Cường - Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), thời gian qua Cục ĐBVN đã xây dựng tiêu chuẩn quản lý chất lượng môi trường không khí, tuy nhiên chưa có tiêu chuẩn riêng biệt. Dó đó, thông qua Hội nghị này các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học cùng trao đổi, thảo luận những thông tin khoa học và kinh nghiệm liên quan đến các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, phương thức quản lý chất lượng không khí và an toàn hầm giao thông đường bộ.

Cục ĐBVN cũng đã chỉ đạo sát sao, xử lý kịp thời, thực hiện nghiêm túc theo quy định, nên chưa có vấn đề, sự vụ lớn xảy ra trong công tác quản lý chất lượng môi trường không khí trong hầm giao thông đường bộ. Cục ĐBVN đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu quy trình, thủ tục bảo trì, bảo dưỡng, hoàn thiện thêm các quan chắc, an toàn, kể cả tiếp tục hoàn thiện xử lý các tình huống cháy nổ để phù hợp với tình hình thực tiễn, ông Cường cho biết thêm.

Cần nâng cao chất lượng không khí và an toàn hầm giao thông đường bộ - Ảnh 3.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị Khoa học.

Nhấn mạnh về vai trò quản lý chất lượng môi trường không khí trong hầm giao thông đường bộ ông Phan Lê Bình chuyên gia của JICA cho biết, thông qua khảo sát do Sohatsu System đề xuất khảo sát cơ bản về vận hành hiệu quả hệ thống điều khiển thông gió cho hầm đường bộ. Sau khi xem xét những đặc thù về giao thông ở Việt Nam, chúng tôi đặt mục tiêu hiện thực hóa hệ thống thông gió đường hầm hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, đảm bảo chất lượng không khí và an toàn thông qua việc đo lường và phân tích mật độ giao thông một cách hợp lý. Công nghệ do Sohatsu System đề xuất duy trì luồng khí bên trong đường hầm đồng thời kiểm soát gió, tiết kiệm đáng kể nguồn điện, trường hợp xảy ra hỏa hoạn thì hệ thống kiểm soát tốc độ gió có thể đảm bảo không gian để sơ tán… công nghệ này kết hợp với kỹ thuật đo lường lưu lượng giao thông sẽ tạo thành hệ thống kiểm soát thông gió tối ưu. Thông qua khảo sát của Sohatsu System, JICA mong muốn góp phần xây dựng hệ thống giao thông an toàn, hiệu quả và tiết kiệm năng lượng…

Tại hội nghị, các nhà khoa học, các nhà quản lý cũng đề xuất một số các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng không khí trong hầm và khai thác an toàn, hiệu quả hầm giao thông đường bộ.