Ngành GTVT với dấu ấn tăng trưởng vận tải

Vận tải 05/06/2023 12:13

Vượt qua mọi tác động lớn đối với toàn ngành nói riêng và đất nước nói chung, ý chí quyết tâm và hành động quyết liệt của Bộ GTVT đã giúp hoạt động vận tải tiếp tục phát triển hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực với nhiều kết quả ấn tượng.


Ngành GTVT với dấu ấn phát triển vận tải - Ảnh 1.

Vận tải hành khách lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.856 triệu lượt khách, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2022

Ấn tượng đà tăng trưởng vận tải

Theo thống kê của Bộ GTVT, trong 5 tháng đầu năm 2023, vận tải hàng hóa ước đạt 193 triệu tấn, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2022, lũy kế 5 tháng ước đạt 931 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022. Luân chuyển hàng hóa tháng 5 ước đạt 40 tỷ tấn.km, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2022, lũy kế 05 tháng ước đạt 195 tỷ tấn.km, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Vận chuyển hành khách tháng 5 ước đạt 378 triệu lượt khách, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2022, lũy kế 5 tháng ước đạt 1.856 triệu lượt khách, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2022. Luân chuyển hành khách tháng 5 ước đạt 20,1 triệu HK.km tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2022, lũy kế 5 tháng ước đạt 99,5 tỷ HK.km, tăng 41,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong báo cáo gửi các Đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ GTVT cho biết, năm 2022, sản lượng các loại hình vận tải đều phục hồi, phát triển vượt bậc, chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ được đẩy mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, tiết kiệm chi phí xã hội. Sản lượng vận tải hàng hóa 12 tháng đạt 2.009 triệu tấn, tăng 23,7% so với cùng kỳ; luân chuyển hàng hóa 12 tháng ước đạt 441,3 tỷ tấn.km, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 202125. Vận chuyển hành khách 12 tháng đạt 3.664 triệu lượt khách, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2021; luân chuyển hành khách 12 tháng đạt 171,8 tỷ HK.km tăng 78,3% so với cùng kỳ.

Thời gian qua, ngành GTVT chịu sự tác động không nhỏ do ảnh hưởng của tình hình địa chính trị, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nhiên liệu tăng cao. Tuy nhiên hoạt động vận tải tiếp tục từng bước được quản lý chặt chẽ, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu vận tải trong và ngoài nước.

"Bộ GTVT đã kịp thời chỉ đạo triển khai ngay giải pháp giảm chi phí vận tải, chi phí sản xuất kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải trước tình trạng giá nhiên liệu tăng cao; yêu cầu các hãng hàng không xử lý chậm, hủy chuyến và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách; chấn chỉnh các sai phạm trong hoạt động vận tải đường bộ; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý tình trạng xe quá tải trọng tại một số địa phương", Bộ GTVT cho biết.

Ngành GTVT với dấu ấn phát triển vận tải - Ảnh 2.

Trung tâm logistics ITL ga Yên Viên, TP. Hà Nội

Tạo lập được môi trường kinh doanh vận tải thuận lợi, minh bạch

Nhìn lại quá trình phát triển vận tải thời gian qua, Bộ GTVT cho biết đã cơ bản hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách quản lý nhà nước về dịch vụ vận tải và logistics; tạo lập được môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thúc đẩy sự phát triển các đơn vị kinh doanh, hình thành thị trường vận tải có tính xã hội hóa, tính cạnh tranh cao, bình đẳng và lành mạnh; khuyến khích đầu tư phát triển vận tải trong nước, vận tải quốc tế.

Cùng với đó, phát triển thị trường vận tải trên cơ sở phát huy lợi thế của từng phương thức vận tải; cơ cấu thị phần vận tải có bước chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước giảm áp lực cho vận tải đường bộ.

Đối với đường sắt, vận tải đường sắt từng bước thay đổi mô hình, đã thiết lập 1 ga liên vận quốc tế tại Ga Kép tỉnh Bắc Giang, mở ra một cửa khẩu quốc tế trong nội địa; vận tải biển cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế, chất lượng dịch vụ cảng biển được cải thiện rõ rệt, năng suất xếp dỡ tăng nhanh.

Đối với đường thủy nội địa, hoạt động vận tải đã có những bước phát triển nổi bật đáng ghi nhận; đã tạo được một số khâu đột phá như: Đã đưa vào hoạt động các tuyến vận tải ven biển làm giảm áp lực đáng kể cho vận tải đường bộ hành lang Bắc Nam; vận chuyển container đến các cảng biển ở khu vực phía Nam, một số cảng biển phía Bắc.., vận tải container kết nối giữa Campuchia và Việt Nam tăng trưởng mạnh.

Trong lĩnh vực hàng không, hoạt động vận tải đã có những bước phát triển về cả quy mô và chất lượng dịch vụ. Thị phần vận tải hàng hóa khối lượng lớn tăng đều qua các năm. Dịch vụ logistics đã có những bước phát triển ấn tượng cả về chất lượng và quy mô. Tốc độ tăng trưởng vận tải, logistics bình quân hàng năm luôn tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP.

Ngành GTVT với dấu ấn phát triển vận tải - Ảnh 3.

Năng lực vận tải công cộng không ngừng được nâng cao

Đối với vận tải hành khách công cộng, Bộ GTVT cho biết, năng lực vận tải công cộng đã từng bước được nâng cao; đã đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và đang khẩn trương hoàn thành một số tuyến khác tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; đưa vào vận hành các tuyến xe buýt điện, xe buýt chạy bằng khí CNG.

Dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách từng bước được phát triển hiện đại, chất lượng dịch vụ được nâng cao, chi phí vận tải giảm, giảm ô nhiễm môi trường, giảm TNGT, qua đó giúp làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Số lượng và chủng loại phương tiện vận tải đã từng bước phát triển theo hướng hiện đại, tiện nghi, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.

Theo Bộ GTVT, các doanh nghiệp vận tải ở Việt Nam đã đẩy mạnh áp dụng mô hình quản trị tiên tiến, nghiên cứu ứng dụng khoa học, làm chủ và phát triển các công nghệ mới trong quản trị và cung ứng dịch vụ vận tải.

Bộ GTVT
Chất lượng đào tạo, trình độ nguồn nhân lực từng bước được nâng cao và tiệm cận với khu vực, thế giới.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đã tổ chức rà soát cơ chế giá, phí, từ đó xây dựng giá thành phù hợp, bù đắp chi phí trong hoạt động vận tải; bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm cho các doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm ATGT và nâng cao chất lượng dịch vụ.

6 giải pháp trọng tâm phát triển vận tải

Dù phát triển với những kết quả ấn tượng, Bộ GTVT cũng thẳng thắn nhìn nhận, vẫn hiện hữu một số tồn tại, hạn chế. Trước hết là việc kết nối giữa các phương thức vận tải để phát huy hiệu quả của toàn hệ thống chưa cao, phần nào gây nên nhiều áp lực đối với ngành đường bộ.

Công tác quản lý nhà nước về vận tải, logistics vẫn còn tồn tại như: Việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa theo kịp với sự phát triển của khoa học công nghệ. Thiếu cơ chế, chính sách đột phá khuyến khích đầu tư phát triển vận tải đa phương thức, logistics, vận tải thủy nội địa, vận tải đường sắt.

Cùng với đó, chất lượng dịch vụ vận tải, logistics nhìn chung còn chưa đáp ứng yêu cầu, như: Chi phí vẫn ở mức cao; tính kết nối giữa các phương thức vận tải còn thấp; tốc độ phát triển vận tải đa phương thức còn chưa cao.

Mặt khác, đội ngũ nhân lực đặc thù, chất lượng cao và công nhân lành nghề vẫn còn thiếu hụt, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải hàng không, hàng hải, logistics...

Về tổng thể, vận tải công cộng tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có ít sự tham gia của các loại vận tải bánh sắt và loại hình vận tải khối lượng lớn khác.

Bộ GTVT
So với các đô thị trên thế giới cho thấy, thị phần vận tải công cộng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn còn rất thấp.

Ngoài ra, dịch vụ vận tải còn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, cần cải thiện hơn nữa để mở rộng thị phần trong nước, thâm nhập vào thị trường quốc tế, giảm chi phí logistics và nâng cao đóng góp của ngành đối với tăng trưởng GDP. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ còn nhỏ lẻ, hoạt động chủ yếu là đại lý hoặc đảm nhận từng công đoạn như là nhà thầu phụ trong chuỗi logistics cho các nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế.

Cũng theo Bộ GTVT, việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của doanh nghiệp chưa theo kịp sự với tốc độ phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên thế giới.

Nhìn nhận về những thách thức trong thời gian tới, Bộ GTVT định hình những giải pháp làm động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển của vận tải. Trước hết là hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực vận tải; chú trọng phát triển vận tải đa phương thức, vận tải thuỷ nội địa và vận tải ven biển, vận tải hàng hoá qua biên giới phù hợp với thực tiễn.

Ngành GTVT với dấu ấn tăng trưởng vận tải - Ảnh 6.

Tàu biển và tàu thủy nội địa lưu thông qua khu vực cảng Đình Vũ và cảng Tân Vũ, TP. Hải Phòng

Cùng với đó là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trọng yếu, thúc đẩy phát triển và tái cơ cấu vận tải. Ưu tiên tập trung phát triển những hạ tầng lớn, hiện đại, có sức lan tỏa. Tăng cường kết nối các phương thức vận tải; tiếp tục thực hiện cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải khác. Ưu tiên phát triển năng lực vận tải đa phương thức trên các hành lang kết nối với các cảng biển trọng điểm nhằm giảm chi phí vận tải biển, giảm chi phí logistics đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.

Bộ GTVT cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong tất cả các lĩnh vực vận tải. Trong đó, ưu tiên triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao năng suất lao động, tăng cường năng lực khai thác hạ tầng, phương tiện và cải cách thủ tục hành chính.

Đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp vận tải. Nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp vận tải hàng hoá đa phương thức có quy mô lớn, có khả năng thực hiện các chuỗi vận tải hoàn chỉnh.

Mặt khác, Bộ GTVT tập trung nâng cao năng lực cho các cơ sở đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành về lĩnh vực vận tải.