Trong vòng 20 năm qua, tại Việt Nam đã có nhiều dự án xây dựng công trình giao thông được thực hiện, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế của đất nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Trong tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho các dự án công trình giao thông. Đó là động lực để các doanh nghiệp xây dựng tăng cường trang bị các loại máy móc xây dựng để đáp ứng được với các yêu cầu về kỹ thuật và chất lượng. Việc trang bị các máy móc thiết bị mới góp phần nâng cao chất lượng công trình, đẩy nhanh tiến độ trong các dự án xây dựng, giúp nhà thầu tạo ra những lợi thế nhất định trong quá trình đấu thầu thực hiện các công trình xây dựng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực kể trên, máy móc thiết bị thi công cũng tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường xung quanh. Cụ thể, hầu hết các loại máy móc thiết bị đều hoạt động nhờ năng lượng hóa thạch, dó đó trong quá trình vận hành sản sinh ra lượng khí thải lớn. Không những thế, một đặc điểm dễ nhận thấy ở các công trường xây dựng đó là mật độ bụi trong không khí dày đặc và tiếng ồn cao. Tất cả những ảnh hưởng nêu trên đều có những hệ quả hết sức nghiêm trọng đối với sức khỏe con người và môi trường tự nhiên.
Để tạo cơ sở cho việc đưa ra các giải pháp hiệu quả nhằm khắc phục và hạn chế các vấn đề trên, trong bài báo này, nhóm tác giả sử dụng phương pháp điều tra khảo sát thực tế các công ty xây dựng công trình giao thông tại Việt Nam. Trên cơ sở kết quả khảo sát, tiến hành nghiên cứu và phân tích để chỉ ra các nguy cơ đe dọa tới môi trường. Kết quả nghiên cứu sẽ có giá trị thực tiễn đối với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm hướng tới kiểm soát hiệu quả hơn các máy móc xây dựng tại Việt Nam.
Mời độc giả xem nội dung đầy đủ bài khoa học tại đây.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.