Sáng nay (1/1/2023), trong Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 tại điểm cầu Quảng Bình, dự án thành phần đoạn Bùng - Vạn Ninh, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, ngay sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đã kịp thời giao nhiệm vụ với các mốc tiến độ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương cũng như quyết định một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo thẩm quyền.
Quán triệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã yêu cầu các cơ quan đơn vị của Bộ GTVT, các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn tích cực triển khai thực hiện với nỗ lực lớn nhất, tinh thần trách nhiệm cao nhất. Công tác thiết kế phải tối ưu hóa, phát huy tối đa hiệu quả của đường cao tốc; chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong các khâu triển khai thực hiện; công tác lựa chọn nhà thầu đã được tiến hành một cách chặt chẽ, công khai, minh bạch.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu, ngay sau khi khởi công dự án, các chủ đầu tư, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết; huy động đầy đủ nhân lực, nguồn lực tài chính, thiết bị máy móc hiện đại để tập trung triển khai tổ chức thi công, đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn và vệ sinh môi trường; Tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn và bảo vệ môi trường.
Đồng thời triển khai mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng thi công và kết quả công tác giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện tốt công tác khen thưởng để kịp thời cổ vũ, tạo khí thế thi đua tích cực trong toàn ngành.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật; đảm bảo công tác an ninh, trật tự, tổ chức giao thông thuận tiện, an toàn.
Ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho hay, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có 3 dự án thành phần với tổng chiều dài 126km đi qua các huyện trên địa bàn tỉnh gồm: Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và TP.Đồng Hới. Trong bối cảnh Quảng Bình hội tụ đầy đủ các yếu tố, tiềm năng và đang tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông càng có ý nghĩa quan trọng tạo sự đột phá và là yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại và phát triển KT-XH của Quảng Bình nói riêng và đất nước.
Xác định đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, khối lượng công việc lớn, ngay sau khi Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, tỉnh Quảng Bình và các địa phương có dự án đi qua đã thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc triển khai dự án thuộc địa phận quản lý, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đối với việc thực hiện công trình, công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án, nhất là chỉ đạo quyết liệt GPMB, quyết tâm bàn giao cho chủ đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ.
Theo ông Thắng, đến nay, tỉnh Quảng Bình đã bàn giao trên 70% diện tích mặt bằng các gói thầu xây lắp cho chủ đầu tư, đáp ứng mốc tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ.
"Với trách nhiệm của địa phương, Quảng Bình cam kết sẽ luôn chỉ đạo quyết liệt, đồng hành với Bộ GTVT, các Ban QLDA trong quá trình triển khai dự án, đảm bảo bàn giao 100% diện tích mặt bằng các gói thầu xây lắp trong quý 2/2023 để các dự án được triển khai đồng thời, đưa vào khai thác đồng bộ vào năm 2025.
Cùng với đó, UBND tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục chỉ đạo dở, ban, ngành, địa phương liên quan đề cao hơn nữa trách nhiệm với tinh thần: Việc của chủ đầu tư là việc của tỉnh, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư triển khai.
Tỉnh cam kết tạo điều kiện tối đa trong cấp phép các mỏ vật liệu mới, cung ứng vật liệu cho các gói thầu, đảm bảo tiến độ", ông Thắng nói và khẳng định, các dự án thành phần được khởi công đồng loạt là kết quả của sự quyết tâm, quyết liệt của các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Tung ương đến địa phương với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân các địa phương.
Các nhà thầu quyết tâm rút ngắn tiến độ
Thay mặt cho cho toàn thể các nhà thầu tư vấn giám sát tham gia dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, ông Đặng Văn Bình - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn giám sát chất lượng công trình Thăng Long cho biết, các dự án thành phần triển khai thi công có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cấp bách và là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành GTVT trong việc phát triển mạng lưới đường cao tốc quốc gia. Vì vậy, ngoài các chức năng, nhiệm vụ chung của tư vấn giám sát, công tác quản lý chất lượng thi công đặt ra rất nghiêm ngặt và phức tạp đòi hỏi các chủ thể tham gia ưu tiên mọi nguồn lực cao nhất vào sự thành công của dự án.
"Nhận thức sâu sắc điều này, xuất phát từ yêu cầu và đòi hỏi của dự án, chúng tôi xin cam kết với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, các Chủ đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và bà con nhân dân vùng dự án đi qua sẽ bố trí đầy đủ nguồn lực và nhân lực có trình độ chuyên môn tốt, có đạo đức nghề nghiệp tham gia giám sát để đáp ứng tốt nhất yêu cầu công tác quản lý chất lượng, tiến độ, an toàn và vệ sinh môi trường của dự án", ông Bình nói và cho biết thêm, đơn vị cam kết phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, các Ban QLDA, nhà thầu thi công và chính quyền địa phương nơi có dự án đi qua và các đơn vị liên quan để dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, kỹ mỹ thuật và an toàn lao động, vệ sinh môi trường.
Đồng thời hỗ trợ tối đa cho nhà thầu trong quá trình thi công, không gây khó khăn, cản trở và nêu cao tinh thần phòng, chống hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Giao thông vận tải, Thượng tá Nguyễn Đăng Thuận, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty 36 - CTCP chia sẻ: "Ngay sau khi được chỉ định thầu, chúng tôi đã đặt quyết tâm rất cao và sẽ triển khai thi công ngay, thi công xuyên Tết Nguyên đán 2023 với tinh thần "thần tốc - quyết thắng. Với tinh thần và bản lĩnh của người lính, chúng tôi sẽ vượt nắng, thắng mưa, quyết tâm đạt chất lượng, tiến độ, hiệu quả của dự án".
Theo ông Thuận, dự án có nhiều khó khăn, có thể kể đến như việc khi vừa thiết kế vừa thi công; địa hình khó khăn; công tác GPMB hiện chưa hoàn tất; tiến độ thi công rất gấp rút. "Tuy nhiên, xác định đây là dự án có ý nghĩa to lớn, chúng tôi đặt quyết tâm rất cao, tập trung mọi nguồn lực, thiết bị, nhân lực thi công với mục tiêu rút ngắn tiến độ, đảm bảo "về đích" đúng hẹn", ông Thuận nói và cho biết, đơn vị đề nghị chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt trong công tác GPMB. Cùng với đó, đơn vị đề nghị chủ đầu tư sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý khi có phát sinh cũng như giải ngân cho đơn vị. Với tinh thần khẩn trương như hiện nay, bên cạnh quyết tâm, nỗ lực của nhà thầu, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ban, ngành để kịp thời tháo gỡ những khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai dự án.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Giao thông vận tải, đại diện Tập đoàn CIENCO4 cho biết, hiện nay, đơn vị đã bố trí xong chỗ ăn, ở,… các hạng mục phục vụ cho công nhân, máy móc thiết bị thi công đầy đủ ngay lập tức sau khởi công. Đơn vị cũng đã huy động đủ số lượng công nhân, kỹ sư, máy móc, thiết bị thi công theo yêu cầu của chủ đầu tư, đảm bảo thi công xuyên Tết Nguyên đán. "Chúng tôi huy động ngay lập tức nguồn lực này vì quyết tâm triển khai thi công rút ngắn tiến độ dự án", đại diện CIENCO4 khẳng định.
Khởi công toàn bộ cao tốc Bùng - Vạn Ninh gần 9,4 nghìn tỷ đồng
Cả hai gói thầu XL01 và XL02 cao tốc Bùng - Vạn Ninh đã khởi công vào ngày 1/1/2023. Tiến độ thực hiện dự án là 1.020 ngày, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Theo Quyết định 904 ngày 13/7/2022 của Bộ GTVT, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Bùng - Vạn Ninh có tổng mức đầu tư 9.361 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Đơn vị Tư vấn thiết kế dự án là liên danh Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT - CTCP, Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT 4, Công ty CP Tư vấn Xây dựng công trình 8, Công ty CP Tư vấn thiết kế Cầu Đường.
Đơn vị Tư vấn giám sát dự án gồm: Gói thầu GS01 là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng công trình giao thông 2; Gói thầu GS02 là Công ty Cổ phần Tư vấn giám sát Chất lượng công trình Thăng Long.
Dự án có 2 gói thầu xây lắp gồm XL-01 và XL02. Cụ thể, gói thầu XL-01: Thi công xây dựng đoạn Km625+000 - Km655+285,04 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) dài hơn 30km, giá trị 3.939 tỷ đồng do liên danh: Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 - Tổng công ty 36-CTCP - Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trường Sơn - Công ty Cổ phần 471 đảm nhiệm thi công.
Thời gian thực hiện gói thầu này là 1.020 ngày (34 tháng); Phạm vi công việc chính của gói thầu (chiều dài tuyến 30,285km) gồm: Công trình đường bộ cấp I; 20 công trình cầu (4 cầu cấp II, 9 cầu cấp III, 7 cầu cấp IV).
Gói thầu XL02: Thi công xây dựng đoạn Km655+285,04 - Km674+556,65 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) có giá trị 3.501 tỷ đồng do liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty CP ĐTXD Trường Sơn đảm nhiệm thi công.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí GTVT, lãnh đạo Ban QLDA 6 cho biết, do yêu cầu cấp bách của dự án cần phải triển khai thi công trong năm 2022, sau khi dự án đầu tư được phê duyệt, Ban QLDA 6 đã khẩn trương tổ chức lựa chọn và quyết liệt chỉ đạo các đơn vị Tư vấn lập TKKT từ khâu khảo sát (địa hình, địa chất, thủy văn, mỏ vật liệu, bãi thải, bãi trữ,...), lập phương án kỹ thuật, so sánh lựa chọn giải pháp TKKT đảm bảo tính kinh tế - kỹ thuật, ổn định công trình lâu dài và phát huy hiệu quả của dự án.
Đồng thời, Ban QLDA 6 phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư tiểu GPMB và các đơn vị liên quan đẩy nhanh các thủ tục triển khai GPMB để có đủ mặt bằng cho dự án thi công.
Trong thời gian ngắn (khoảng 5 tháng), bằng sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm của các đơn vị thực hiện (Ban QLDA 6, các đơn vị tư vấn thiết kế), những khó khăn, vướng mắc từng bước được tháo gỡ.
"Đến nay, Ban QLDA 6 đã hoàn thành phê duyệt TKKT, dự toán và lựa chọn xong các Nhà thầu của các Gói thầu xây lắp theo đúng các tiến độ yêu cầu của Quốc Hội, Chính phủ và Bộ GTVT", Ban QLDA 6 cho hay.
Sau khi dự án hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm; từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa cao để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và bảo đảm quốc phòng - an ninh; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.
Một số hình ảnh tại buổi lễ tại điểm cầu Quảng Bình:
Vinaconex tham gia thi công 2 gói thầu cao tốc Bắc - Nam khởi công hôm nay.
Tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Vinaconex tiếp tục vinh dự được lựa chọn là nhà thầu tham gia thi công 2/12 gói thầu thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 khởi công hôm nay. Cụ thể, gói thầu 11-XL đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi dài 35,32km đi qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, tổng mức đầu tư 6.044 tỷ đồng do Liên danh Vinaconex - Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) triển khai xây dựng. Gói thầu XL02 đoạn Vân Phong - Nha Trang (Khánh Hòa) do liên danh Tập đoàn Sơn Hải - Vinaconex thi công dài 30,85 km, tổng mức đầu tư 3.549 tỷ đồng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.