Bộ GTVT đang lấy ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ. Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) gồm 8 chương, 80 điều luật; giảm 2 chương và 7 điều so với Luật Đường sắt 2017 (hiện hành), với việc giữ nguyên 14 điều; sửa đổi, bổ sung 59 điều; bổ sung mới 7 điều và bãi bỏ 12 điều).
Lĩnh vực kinh doanh đường sắt được quy định tại Chương VI (4 mục và 19 điều, từ Điều 56 đến Điều 74) của dự thảo. Theo Ban soạn thảo, tại chương này, dự thảo Luật kế thừa, giữ nguyên các quy định của Luật Đường sắt 2017 về: kinh doanh vận tải đường sắt; vận tải quốc tế; vận tải động vật sống; vận tải thi hài, hài cốt trên đường sắt quốc gia; giá vận tải đường sắt; trách nhiệm bảo hiểm trong kinh doanh vận tải hành khách; quyền, nghĩa vụ của người thuê vận tải; quản lý, sử dụng nguồn thu từ việc Nhà nước giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng có thời hạn tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư. Cùng đó, bãi bỏ quy định về hợp đồng vận tải hành khách, hành lý và hợp đồng vận tải hàng hóa (tại Điều 54, Điều 55 của Luật Đường sắt 2017) do các nội dung này đã được giao cho Bộ trưởng Bộ GTVT quy định.
Đáng chú ý, so với Luật Đường sắt 2017, dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) sửa đổi, bổ sung một số quy định mới. Nổi bật: sửa đổi, bổ sung quy định về vận tải hành khách phục vụ an sinh xã hội (mà việc vận tải này theo cơ chế thị trường không có khả năng bù đắp), với quy định giao Chính phủ quy định để có cơ sở xác định tuyến đường sắt an sinh xã hội và cơ chế hỗ trợ giá. Chính phủ quy định chi tiết về hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh đường sắt trong trường hợp vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, an sinh xã hội theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp đủ chi phí hợp lý của doanh nghiệp. UBND cấp tỉnh quy định về hỗ trợ giá cho vận tải đường sắt đô thị.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về phí, giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt (khoản tiền phải trả để được chạy tàu trong ga, trên đường sắt) để phù hợp với việc phân loại tài sản và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, với quy định trường hợp doanh nghiệp được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt mà tổ chức khai thác tài sản thì phải nộp giá sử dụng.
Về thẩm quyền quyết định phí sử dụng đường sắt quốc gia, quy định mới chỉ giao Bộ Tài chính quyết định (thay vì phối hợp với Bộ GTVT như hiện nay) và bổ sung quy định HĐND cấp tỉnh quy định về phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị. Bộ GTVT quy định mức giá (tối thiểu, cụ thể) sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, UBND cấp tỉnh quy định mức giá sử dụng hạ tầng đường sắt đô thị. Tổ chức, cá nhận quyết định giá sử dụng hạ tầng đường sắt do mình đầu tư.
Trong chương này, dự thảo bỏ quy định về "Giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt không trực tiếp liên quan đến chạy tàu (ví dụ như kho bãi, đường bộ trong ga tàu)" (Điều 71 của Luật Đường sắt 2017) để phù hợp với đề xuất các phân loại mới về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt theo Điều 12 của dự thảo Luật.
Bởi theo đề xuất quy định phân loại mới tại dự thảo, tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt không được chia thành 2 nhóm: tài sản trực tiếp liên quan đến chạy tàu; không trực tiếp liên quan đến chạy tàu. Bởi thực tế 5 năm qua, Tổng công ty Đường sắt VN không phân loại được theo cách trên. Thay vào đó, chỉ quy định: tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường địa phương và chuyên dùng. Việc phân loại theo danh mục để phục vụ công tác quản lý, tính khấu hao, hạch toán, kế toán... giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) cũng sửa đổi, bổ sung quy định về giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt cho phù hợp với Luật Giá 2023. Trong đó, thêm quy định UBND cấp tỉnh quyết định giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt địa phương theo quy định của pháp luật về giá.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.