Nhìn lại "sứ mệnh lịch sử" của Luật Giao thông đường bộ năm 2008

Tác giả: KL

saosaosaosaosao
Vận tải 09/11/2023 06:27

Tại Kỳ họp thứ 6 này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, ATGT. Đây là 2 dự luật tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, (GTĐB 2008) được đánh giá hoàn thành "sứ mệnh lịch sử" đối với sự phát triển hạ tầng, khai thác, quản lý và bảo đảm ATGT ở nước ta.


Bài 1. Những thành tựu nổi bật 15 năm thực thi Luật GTĐB 2008

Qua 15 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008 đã đạt được những kết quả nổi bật, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động GTVT đường bộ, góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc; thúc đẩy phát triển GTVT và kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động GTVT với các nước trong khu vực.

Hạ tầng giao thông đường bộ phát triển mạnh trong những năm qua

Hạ tầng giao thông phát triển vượt bậc

Phải khẳng định rằng, Luật GTĐB 2008 là cơ sở để hoạch định các chính sách, huy động nguồn lực để đầu tư phát triển, kết cấu hạ tầng GTĐB có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các công trình, dự án lớn, có sức lan toả, nâng cao năng lực khai thác của toàn hệ thống như: Hoàn thành mở rộng QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và Bình Phước; Xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc nhất là hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; giao thông địa phương cũng được quan tâm phát triển, kết nối tốt với hệ thống giao thông quốc gia, hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển dịch vụ vận tải.

Theo Bộ GTVT, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTĐB theo hình thức BOT, BT, BTO đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội ban hành các cơ chế chính sách về đầu tư, đặc biệt đầu tư theo hình thức đối tác công tư, thông qua đó huy động các nguồn lực của xã hội tham gia vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTĐB, nhiều tuyến đường cao tốc và quốc lộ đã và đang được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT như các tuyến đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương – Mỹ Thuận, các đoạn tuyến cao tốc phía Đông, hầm Hải Vân, hầm Đèo Cả, tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) nối Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng), tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới, Hòa Lạc Hòa Bình, QL.6 (đoạn Lương Sơn - Hòa Bình), đường Hồ Chí Minh đoạn từ QL.2 đến Dương Nội và nâng cấp mở rộng QL.32 đoạn từ Cổ Tiết đến cầu Trung Hà, cầu Việt Trì, cầu Văn Lang tại Phú Thọ, QL.3 đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới, v.v... có tổng mức đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng. Tính đến năm 2021, đã kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng GTĐB được 2.234 km trên hệ thống quốc lộ. Qua đó, hệ thống đường bộ được cải thiện rõ rệt góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội.

Nhìn lại "Sứ mệnh lịch sử" của Luật GTĐB 2008 - Ảnh 2.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Tính đến nay, toàn bộ hệ thống đường bộ cả nước dài 608.975 km, tăng 77% so với năm 2010; trong đó quốc lộ (154 tuyến) dài 24.885 km, tăng 44% so với năm 2010, đường địa phương dài 582.962 km tăng 84% so với năm 2010, bao gồm: Đường tỉnh 28.142 km, tăng 11%; đường đô thị 27.688 km tăng 47% ; đường huyện 56.630 km tăng 19%; đường xã 150.601 km tăng 2%. Đặc biệt từ năm 2010 khi chưa có km đường cao tốc nào thì đến nay, cả nước đã xây dựng đưa vào khai thác 1.822 km đường cao tốc.

Giai đoạn từ năm 2008 - 2021, Bộ GTVT đã chủ động và chung tay triển khai đầu tư xây dựng các đề án, dự án về giao thông nông thôn. Kết quả đã xây dựng mới 2.683 cầu, nâng cấp 1.915,4 km đường, bảo trì 67.628 km đường GTNT với tổng vốn đầu tư 12.707 tỷ đồng từ nguồn ODA, đối ứng của Chính phủ và đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân bằng hình thức xã hội hóa. Tổng các nguồn vốn dành cho GTNT thời kỳ 2008-2021 là 464.488 tỷ đồng, gồm đầu tư xây dựng 434.919 tỷ đồng, bảo trì hạ tầng GTNT đường bộ 28.880 tỷ và đường thủy 1.083 tỷ đồng.

Đồng thời, để tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo nguồn kinh phí cho đầu tư, phát triển, quản lý, bảo trì đường bộ, Bộ GTVT đang báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội phê duyệt cơ chế thu tiền sử dụng đường bộ nộp vào ngân sách nhà nước đối với các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Các loại hình vận tải đường bộ phát triển rộng khắp

Vận tải "phủ sóng" cả nước

Trong những năm qua, hoạt động vận tải đường bộ đã phát triển mạnh mẽ, các phương tiện kinh doanh vận tải gia tăng nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Theo thống kê của Bộ GTVT, hiện nay, vận tải ô tô đảm nhiệm trên 90% tổng khối lượng vận chuyển hành khách và trên 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa. Mạng lưới tuyến vận tải cố định được phủ khắp các địa bàn trên cả nước, tới trung tâm các tỉnh, thành phố và hầu hết các huyện, xã. Năm 2014, cả nước có tổng số 3.168 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh với trên 1.022 doanh nghiệp, năm 2021 số lượng tuyến là gần 11.694. Hiện cả nước cũng có 60/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, với hơn 8.978 xe, vận chuyển khoảng 1 tỷ lượt hành khách mỗi năm.

Nhìn lại "Sứ mệnh lịch sử" của Luật GTĐB 2008 - Ảnh 4.

Xe khách giường nằm được hành khách lựa chọn khá nhiều cho các tuyến từ 200 - 300 Km trở lên

Phương tiện vận tải được tăng trưởng về số lượng và chất lượng theo thống kê, năm 2013 cả nước có tổng số 121.897 phương tiện kinh doanh vận tải (bao gồm xe khách và xe công ten nơ); đến năm 2016, cả nước có tổng số 219.038 phương tiện kinh doanh vận tải, tăng 97.141 phương tiện so với năm 2013; tính đến hết tháng 07 năm 2023 cả nước hiện có gần 1 triệu ô tô kinh doanh vận tải các loại. Trong đó, có 341.824 xe khách (trong đó: xe tuyến cố định là 17.682 xe, xe hợp đồng là 241.587 xe, xe du lịch là 4.094 xe, xe taxi là 68.285 xe, xe buýt là 8.978 xe và xe trung chuyển là 1.198 xe) và 604.717 xe tải các loại (trong đó: xe container là 80.226 xe, xe taxi tải là 237 xe, xe đầu kéo là 21.091 xe, xe tải 503.163 xe).

Nhìn lại "Sứ mệnh lịch sử" của Luật GTĐB 2008 - Ảnh 5.

Cấp đổi giấy phép lái xe đã đạt mức độ 4 về dịch vụ công

Về dịch vụ hỗ trợ vận tải, tính đến hết 2021 cả nước cả nước có 555 bến xe ô tô khách, trong đó có 390 bến xe từ loại 1 đến loại 4; còn lại 165 bến xe dưới loại 4. Mạng lưới bến xe khách đã phủ khắp các trung tâm cấp tỉnh và rất nhiều trung tâm cấp huyện. Hệ thống trạm dừng nghỉ đường bộ trên hệ thống quốc lộ đã được quy hoạch từ năm 2013; đang được đầu tư, xây dựng, nguồn vốn sử dụng chủ yếu là vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, trong đó chỉ duy nhất có 3 trạm dừng nghỉ do JICA tài trợ vốn đầu tư xây dựng; đến nay, đã thực hiện công bố được 17 trạm dừng nghỉ và trên 42 trạm, điểm nhà hàng có quy mô, tiêu chuẩn tương tự mô hình trạm dừng nghỉ với cơ sở vật chất khang trang, chất lượng dịch vụ tương đối tốt.

Nhìn lại "Sứ mệnh lịch sử" của Luật GTĐB 2008 - Ảnh 6.

Cơ sở đào tạo lái xe được đầu tư hiện đại

Đi đôi với phát triển số lượng phương tiện, dịch vụ thì công tác quản lý đội ngũ lái xe được chú trọng. Theo thống kê của các Sở Giao thông vận tải, đến hết năm 2021 số lượng lái xe kinh doanh vận tải vào khoảng trên 1.000.000 lái xe. Công tác quản lý lái xe đã được chú trọng, có nhiều văn bản chỉ đạo Sở GTVT các tỉnh, thành phố đôn đốc, giám sát việc khám sức khỏe định kỳ của người lái xe. Đây cũng là một trong những nội dung được chú trọng kiểm tra trong quá trình kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, mặc dù các địa phương đã tăng cường xử lý, tuy nhiên vẫn còn nhiều lái xe vi phạm thời gian lái xe liên tục quá 4 giờ, lái xe chạy quá tốc độ,...

Nhiều ứng dụng công nghệ được áp dụng trong quản lý, điều hành, giám sát hoạt động vận tải

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Ngày 06/3/2013, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 538/QĐ-BGTVT về phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ. Trên cơ sở đó, đã chuyển toàn bộ các doanh nghiệp bảo trì ra khỏi hệ thống các cơ quan quản lý đường bộ và thực hiện đấu thầu qua mạng 100% các gói thầu duy tu, bảo dưỡng toàn bộ hệ thống quốc lộ đủ điều kiện; thông qua đó huy động các nguồn lực của xã hội tham gia công tác bảo trì đường bộ, đảm bảo công khai, minh bạch; áp dụng kịp thời các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào công tác quản lý, bảo trì để sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí được giao; thông qua đó đảm bảo, duy trì chất lượng công trình đường bộ, khắc phục kịp thời các sự cố, hư hỏng trong quá trình khai thác, bảo đảm giao thông thuận lợi, thông suốt và an toàn, đáp ứng yêu cầu đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng.

Nhìn lại "Sứ mệnh lịch sử" của Luật GTĐB 2008 - Ảnh 8.

Cầu Nhật Tân, một trong nhưng cây cầu hiện đại nhất tại Thủ đô Hà Nội

Hệ cơ sở dữ liệu đường bộ đã được xây dựng, dần đáp ứng được yêu cầu quản lý hiện đại như: Cơ sở dữ liệu về quản lý tài sản đường bộ, tình trạng mặt đường, quan trắc cầu dây văng, cầu trên quốc lộ, cầu trên đường địa phương, số hóa hồ sơ bảo trì đường bộ, cơ sở dữ liệu tải trọng cầu, cấp đường, khổ giới hạn đường và tình trạng kỹ thuật đường bộ giao cắt với đường sắt đã được công bố đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử. Hệ thống Quản lý tài sản đường bộ RAMS đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu 32 loại tài sản đường bộ theo Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ngày 23/4/2019 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB; Hệ thống Quản lý cầu quốc lộ VBMS đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu 7679 cầu trên quốc lộ; Hệ thống Quản lý cầu địa phương LBMS đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu 4148 cầu trên các tuyến đường địa phương quản lý; Hệ thống quan trắc Cầu dây văng SHMS đã xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu quan trắc dao động tại 04 cầu lớn: Bãi Cháy, Mỹ Thuận, Rạch Miễu và Cần Thơ; Hệ thống quản lý hồ sơ số hóa lưu trữ cơ sở dữ liệu hồ sơ bảo trì đường bộ tại các Cục quản lý đường bộ qua các năm.

Nhìn lại "Sứ mệnh lịch sử" của Luật GTĐB 2008 - Ảnh 9.

Các trạm thu phí đường bộ đều chuyển sang thu phí không dừng

Từ năm 2017, việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án BOT bắt đầu triển khai theo hình thức điện tử tự động không dừng theo Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng. Đến nay, thực hiện Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/06/2020 việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng, đã có 112 trạm thu phí trên toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng (trong đó Bộ GTVT quản lý 69 trạm, địa phương quản lý 43 trạm, bao gồm 77 trạm thuộc dự án BOO1 và 35 trạm thuộc dự án BOO2). Hệ thống dữ liệu của hai dự án BOO1 và BOO2 đã được kết nối để đảm bảo chủ phương tiện chỉ cần sử dụng 1 thẻ thu phí điện tử không dừng để lưu thông qua 112 trạm thu phí có lắp đặt hệ thống thu phí không dừng. Các Nhà cung cấp dịch vụ đã phát triển hơn 2,5 triệu khách hàng, tỷ lệ khách hàng sử dụng ETC đã đạt khoảng 65-70%, tỷ lệ sử dụng ETC tại các trạm thu phí đều đạt trên 50%. Theo thống kế của các Nhà cung cấp dịch vụ, hiện nay đã có 40.248 phương tiện xe biển xanh đã dán thẻ đầu cuối (BOO1 18.653 phương tiện, BOO2: 21.595 phương tiện).

Nhìn lại "Sứ mệnh lịch sử" của Luật GTĐB 2008 - Ảnh 10.

Hệ thống chỉ đạo, điều hành dữ liệu đường bộ được số hóa và công khai

Thực hiện Luật GTĐB năm 2008, trong 15 năm qua Bộ GTVT đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ đầy đủ, đồng bộ và có tính khả thi cao; cơ bản đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Năm 2017, trong chương trình hỗ trợ của Tổ chức y tế thế giới WHO, tổ chức đường bộ Vicroad của Australia đã khảo sát nội dung, chương trình, giáo trình, công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp và quản lý giấy phép lái xe của Việt Nam tại một số tỉnh phía Bắc và đã có đánh giá về chương trình đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe của Việt Nam chặt chẽ và hiện đại so với Australia và một số nước phát triển.

Thực hiện Chương trình cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ GTVT đã có nhiều cố gắng triển khai các dự án nhằm hiện đại hóa công tác sát hạch, cấp và quản lý giấy phép lái xe, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công. Đến tháng 12 năm 2022, cả nước đã cấp 12.235.597 giấy phép lái xe ô tô và 51.045.668 giấy phép lái xe mô tô.

Nhìn lại "Sứ mệnh lịch sử" của Luật GTĐB 2008 - Ảnh 11.

Dịch vụ cấp đổi giấy phép lái xe cấp độ 4

Thực hiện Quyết định số 06/2022/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hiện đã thực hiện đồng bộ khoảng 37 triệu giấy phép lái xe; đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đổi giấy phép lái xe từ quý IV/2015 và thí điểm thực hiện mức độ 4 đổi giấy phép lái xe trên cổng dịch vụ công quốc gia từ tháng 7/2020, hiện đã hoàn thành mở rộng dịch vụ công trực tuyến trên phạm vi toàn quốc từ ngày 14/11/2022; đến hết tháng 8/2023, hệ thống đã tiếp nhận trên 28.763 hồ sơ, đã hoàn thành xử lý, trả kết quả hơn 22.000 giấy phép lái xe cho người dân. Bên cạnh đó việc cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế theo Công ước Viên, Bộ GTVT đã áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong việc đổi giấy phép lái xe quốc tế và thực hiện trả kết quả thủ tục hành chính đến người dân qua dịch vụ bưu chính công ích. Đến nay, đã cấp gần 70.000 giấy phép lái xe quốc tế.