Những thách thức môi trường trong vận tải thủy nội địa

Tác giả: TS. LÊ Đình DOANH

saosaosaosaosao
Bạn đọc 28/09/2022 05:17

Vận tải thủy được đánh giá là một phương thức vận tải có hiệu quả kinh tế cao và ít ảnh hưởng đến môi trường.


Vận tải thủy được đánh giá là một phương thức vận tải có hiệu quả kinh tế cao và ít ảnh hưởng đến môi trường. Việt Nam có hệ thống sông ngòi, kênh rạch phong phú, thuận lợi cho việc phát triển vận tải đường thủy. Vận tải thủy không những vận chuyển có hiệu quả các loại hàng lớn, hàng cồng kềnh, vận chuyển phục vụ xây dựng các công trình trọng điểm, các khu công nghiệp... mà còn phục vụ các hoạt động giao lưu rất đa dạng và phong phú cho dân sinh của các vùng châu thổ.

Những thách thức môi trường trong vận tải thủy nội địa - Ảnh 1.

Công tác duy tu, nạo vét đường thủy tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

 Tác động môi trường do hoạt động của các phương tiện vận tải thủy

Ô nhiễm nước do dầu mỡ: Trong các nguồn gây ô nhiễm từ tàu thì nhiễm bẩn gây ra bởi dầu mỡ và các sản phẩm dầu mỡ được quan tâm nhiều nhất, vì với 1 tấn dầu có khả năng loang phủ trên một diện tích 12 km2 mặt nước. Những nguyên nhân chính gây nhiễm bẩn nước do dầu và các sản phẩm dầu là: các tai nạn do va chạm hoặc do mắc cạn của tàu thủy nói chung và các tàu dầu nói riêng; việc xả cặn dầu, nước dằn tàu lẫn dầu; sự hư hỏng của các hệ thống hoặc cơ cấu tàu thủy; sự rò rỉ trong các thao tác giao nhận dầu tại kho cảng; nhiên liệu lỏng và dầu mỡ bôi trơn có thể bị tràn, thấm, rò rỉ.

Nước dằn và nước làm mát máy: Nước dằn ngoài tác hại mang theo một lượng dầu lẫn trong nó làm ô nhiễm nước sông biển còn là một nguồn truyền dịch bệnh do khi tàu lấy nước dằn tại vùng có bệnh dịch. Với tàu sông, đôi khi nước sông được bơm lẫn vào làm mát máy trực tiếp theo chu trình hở. Trường hợp này ngoài việc mang nhiệt nước sau khi làm mát còn đem theo một lượng nhỏ sản phẩm mài mòn, các hạt rắn này gây ô nhiễm môi trường.

Chất thải sinh hoạt và rác thải rắn: Đại đa số phương tiện trong quá trình hoạt động đều xả chất thải trực tiếp ra đường thủy nội địa như: nước thải sinh hoạt, vệ sinh... thức ăn thừa, túi ni-lông, vỏ chai lọ, rác rưởi... và thải trực tiếp các chất thải rắn như: giẻ lau máy, rỉ sắt, sơn cũ, cặn sơn khi cạo gõ, sơn lại phần nổi của phương tiện... gây ô nhiễm rất lớn cho môi trường đường thủy nội địa.

Chất thải nguy hiểm, độc hại: Các phương tiện thủy khi chở các hóa chất độc lỏng, chở hỗn hợp đồng thể hoặc không đồng thể trong quá trình làm vệ sinh hoặc rút nước dằn hầm tàu đều có thể gây nguy hiểm cho môi trường sinh thái và việc sử dụng nguồn nước.

Khí xả của máy chính và động cơ đốt trong lắp trong tàu: Máy chính và các động cơ lai máy phát điện trên tàu thường là động cơ đốt trong chạy bằng dầu diesel là chính.

Sự bay hơi của xăng dầu trên tàu: Từ các két chứa nhiên liệu, chứa dầu bôi trơn trên tàu hàng và tàu khách, các khoang chứa dầu trên tàu chở dầu luôn luôn có hơi dầu thoát qua ống thông hơi lan vào không khí. Trong hơi xăng dầu có đem theo các hydrocacbon dễ phản ứng để tạo thành các ô xi hóa tổng hợp và ôzôn gây hiện tượng sương mù quang hóa.

Hơi độc và hơi chứa hóa chất thoát ra từ các hầm hàng: Để đảm bảo cho không khí trong buồng máy, trong các hầm lạnh và trong các hầm hàng thông thoáng, tại buồng máy và các khoang hàng thường được lắp đặt một hệ thống thông gió cưỡng bức nhằm thường xuyên đưa lượng không khí nhiễm bẩn nặng ra ngoài và thay vào đó lượng không khí sạch. Đây chính là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn từ phương tiện thủy phát ra.

Đa số các phương tiện lắp máy đều có bộ phận giảm thanh, nhưng do tự chế tạo nên việc chế tạo không đảm bảo triệt để tác dụng giảm thanh (việc chế tạo các vách ngăn trong bầu giảm thanh chưa hợp lý...). Mặt khác, các cơ quan chức năng chưa có thiết bị đo, kiểm tra vấn đề này nên đã làm ảnh hưởng đến môi trường. Với các phương tiện lắp máy dạng Cole (một số phương tiện chỉ lắp ống tuýp nước thay cho bầu giảm âm...) thường gây ra tiếng ồn lớn trên sông.

Ảnh hưởng môi trường do hoạt động của các cảng bến thủy nội địa

Tác động đến môi trường không khí: Hoạt động của cảng làm tăng độ ồn trong khu vực, ồn ào gây ra do tàu thuyền hoạt động, sửa chữa tại cảng; do các máy xúc, cẩu, băng chuyền chuyển tải hàng hóa. Ngoài ra, bụi phát sinh trong cảng chủ yếu là do xếp dỡ hàng rời. Loại hàng này khi xếp hoặc dỡ bằng cần cẩu, băng chuyền hoặc phương tiện vận chuyển trong cảng cũng gây bụi tới môi trường xung quanh, khi có gió mùa bụi có thể bay xa tới trên 10 km.

Tác động tới môi trường nước: Nước và rác thải tại cảng thường bao gồm nước và rác thải sinh hoạt của đoàn thủy thủ (hoặc của hành khách) và nước thải từ hầm máy tàu đưa lên cảng. Mặt khác, trong quá trình bốc xếp hàng hóa và lưu kho, bãi, các chất rơi vãi có thể bị nước mưa cuốn trôi xuống khu nước cảng, sông. Trong dòng nước chảy tràn đó, có nhiều chất độc hại, chúng tích tụ trong nước, trong trầm tích và là nguồn gây độc hại đối với hệ sinh thái.

Nước mưa chảy tràn qua các khu vực cảng: Thành phần các chất ô nhiễm bị cuốn theo nước mưa rất đa dạng, các thành phần chính là đất đá, cát sỏi, than, quặng… chảy tràn qua khu vực cảng xuống sông, không qua hệ thống xử lý có thể gây ảnh hưởng tới thủy sinh. Ngoài ra, các tác đông do sự cố tràn dầu, nạo vét duy trì độ sâu của luồng và vùng nước trước cảng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường cảng.

Tác động môi trường do công tác đóng mới, sửa chữa, phá dỡ phương tiện thủy nội địa

Hầu hết các cơ sở đều thải nước thải công nghiệp trực tiếp ra đường thủy nội địa như: dầu mỡ cặn, nước có lẫn dầu mỡ, hóa chất, rỉ sắt, mẩu sắt, sơn cũ, cặn sơn, cặn đất đèn sau khi sử dụng... gây ô nhiễm môi trường.

Có thể nói, các hoạt động phá dỡ có ảnh hưởng đến môi trường nước, đất, không khí, rác thải và tiếng ồn. Khi tiến hành các công đoạn trong quy trình cắt phá phương tiện, nước trong khu vực phá dỡ sẽ bị ô nhiễm do dầu thừa, dầu cặn rơi vãi, rò rỉ trong quá trình vận chuyển từ tàu lên các bể chứa chờ được xử lý ở trên bờ, dầu tồn đọng trong các khoang chứa không được bơm hết bị tràn ra ngoài. Việc cắt phá dần từng khối tàu được tiến hành tại cảng, mạt sắt, thuốc hàn cũng như các sản phẩm cháy khác sinh ra trong quá trình cắt phá tàu rơi xuống nước và gây ô nhiễm nước.

Khi tiến hành các công đoạn trong quy trình cắt phá, các nguồn ô nhiễm như dầu thừa, dầu cặn, mạt sắt, que hàn, sản phẩm cháy... sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới vùng đất làm bãi và triền đà. Một phần các chất ô nhiễm sẽ thấm sâu vào lòng đất làm ô nhiễm các mạch nước ngầm, một phần theo nước mưa chảy thoát ra cảng làm tăng ô nhiễm vùng nước nơi đây.

Trong quá trình cắt phá vỏ tàu, nhiều loại khí thải có tính độc sinh ra rất có hại cho công nhân trực tiếp làm việc như: khí độc tồn đọng lâu ngày trong các hầm hàng, khoang, két kín dầu, kín hơi; khí xả của các loại ô tô, cần trục hoạt động trong khu vực; khí do đốt nhiên liệu, rác thải công nghiệp; đặc biệt khí AsH3 sinh ra trong khi cắt phá vỏ tàu bằng que hàn, làm giảm hồng cầu trong máu, tác hại thận và gây nên bệnh vàng da.

Về ô nhiễm rác thải: Rác thải bao gồm rác tồn đọng ở tàu như gỗ vụn, chất cách âm, cách nhiệt, rỉ sắt và các vật dụng không dùng được. Theo tính toán sơ bộ, một cơ sở có công suất phá dỡ 50.000 tấn tải trọng/năm sẽ sản sinh ra một lượng chất thải khoảng 1.000 tấn/năm. Ngoài rác thải, tiếng ồn cũng sinh ra trong quá tình phá dỡ tàu, gồm tiếng ồn do ô tô và xe cần trục chạy trong khu vực, tiếng ồn do việc gõ rỉ, tiếng cắt tách kim loại, tiếng rơi của các khối thép lớn nhỏ trong khi chuyên chở từ tàu lên bờ, phân loại sản phẩm.

Ngoài ra, công tác duy tu, nạo vét, nâng cấp hoạt động đường thủy cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, làm thay đổi hình thái bờ sông, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái.

Như vậy, vấn đề bảo vệ môi trường trong các hoạt động của ngành vận tải thủy nội địa như vận tải, cảng, nạo vét luồng lạch và sửa chữa, phá dỡ phương tiện... phải được coi là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường nói chung của đất nước.

TS. LÊ Đình DOANH