Phải có cơ chế lọc phương tiện mô tô, xe gắn máy để kiểm soát khí thải bảo vệ môi trường và đảm bảo ATGT

Tác giả: Bảo Châu

saosaosaosaosao
Diễn đàn khoa học 15/09/2023 14:39

Đó là phát biểu chỉ đạo của TS. Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tại Hội thảo khoa học “Chia sẻ kết quả nghiên cứu và đề xuất giải pháp kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy”, tổ chức sáng ngày 15/9.


Phải có cơ chế lọc phương tiện mô tô, xe gắn máy để kiểm soát khí thải bảo vệ môi trường và đảm bảo ATGT - Ảnh 1.

Nhiều tham luận đã được trình bày góp phần hiến kế kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

Theo TS. Nguyễn Văn Thành, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, thời gian qua Viện đã đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội triển khai các nghiên cứu và đề xuất giải pháp kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại 3 thành phố lớn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. 

Từ năm 2019 đến 2023, Sở GTVT, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đã phối hợp xây dựng và thực hiện Đề án nghiên cứu "Thí điểm kiểm soát phát thải, khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn các thành phố".

Chương trình thí điểm đo, kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn 3 thành phố gồm các hoạt động như: Đo kiểm khí thải và hỗ trợ bảo dưỡng đối với xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố; tham vấn ý kiến người dân và chuyên gia và các cơ quan ban ngành liên quan về kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy nhằm cải thiện chất lượng không khí của thành phố; đánh giá tác động kinh tế - xã hội của việc kiểm soát khí thải xe máy; đề xuất các giải pháp kiểm soát.

Phải có cơ chế lọc phương tiện mô tô, xe gắn máy để kiểm soát khí thải bảo vệ môi trường và đảm bảo ATGT - Ảnh 2.

TS. Khuất Việt Hùng nhấn mạnh, kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy là cần thiết làm cho xe an toàn, sạch hơn, giúp đảm bảo an toàn giao thông, an toàn tính mạng người dân.

Còn theo TS. Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã đưa vào quy định kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy và giao Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chịu trách nhiệm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng của xe cơ giới trong nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp; quy định về trình tự, thủ tục chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng của xe cơ giới trong nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp.

Trên thực tế đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy, song chưa có quy định về việc kiểm soát. 

Qua khảo sát từ người dân cho thấy đa số người dân đều ủng hộ quy định này và đồng ý nên kiểm định khí thải một năm/lần với một mức chi phí nhất định, cho thấy nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường của người dân đã được nâng cao. 

Với đặc thù của xe mô tô, xe máy vẫn đang là phương tiện được nhiều người dân lựa chọn, hiện không có phương tiện nào có thể cạnh tranh với loại hình này trong đô thị, việc kiểm soát khí thải mô tô, xe máy là cần thiết bởi sẽ làm cho xe an toàn hơn, sạch hơn, giúp đảm bảo an toàn giao thông, an toàn tính mạng người dân, TS. Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.

Phải có cơ chế lọc phương tiện mô tô, xe gắn máy để kiểm soát khí thải bảo vệ môi trường và đảm bảo ATGT - Ảnh 3.

TS. Nguyễn Văn Thành, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đã đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội triển khai các nghiên cứu và đề xuất giải pháp kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

Qua khảo sát của nhóm nghiên cứu Viện Khoa học và Công nghệ GTVT cho thấy, tại các thành phố, xe máy là phương tiện di chuyển chính của người dân. Xe máy là phương tiện giao thông phổ biến cho nhiều đối tượng, ngành nghề, độ tuổi và xe máy không đơn thuần là phương tiện đi lại cá nhân mà còn dùng làm phương tiện kiếm sống, kinh doanh (chở người, chở hàng...). 

Hiện nay, Hà Nội có 7,7 triệu xe ô tô và xe máy, tương tự TP. Hồ Chí Minh là 8,1 triệu xe, Đà Nẵng 1,1 triệu xe, từ đó một lượng lớn khí thải độc hại thải ra môi trường, đòi hỏi phải kiểm soát khí thải, có chế tài đồng bộ, lộ trình hạn chế và cấm xe máy… cùng với đó là công tác tuyên truyền người dân có ý thức trong việc sử dụng xe máy nhằm kiểm soát khí thải bảo vệ môi trường và góp phần đảm bảo an toàn giao thông.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đưa ra các giải pháp và lộ trình kiểm soát khí thải xe máy như: Giải pháp về chính sách và quy định pháp lý cho kiểm định khí thải xe máy; xây dựng hệ thống kiểm soát khí thải xe máy; xây dựng chính sách hỗ trợ người dân thu hồi, thay thế phương tiện không đạt chuẩn khí thải; giải pháp kỹ thuật và công nghệ đối với xe không đạt tiêu chuẩn khí thải…

Phải có cơ chế lọc phương tiện mô tô, xe gắn máy để kiểm soát khí thải bảo vệ môi trường và đảm bảo ATGT - Ảnh 4.

TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, làm thế nào để khi chính sách đi vào thực hiện được thuận lợi, khả thi và hạn chế tác động nhất đến người dân.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, hiện nay xã hội hóa đăng kiểm đang là xu thế tuyệt đối, do đó, khi đưa kiến nghị về việc tổ chức trạm kiểm định khí thải xe máy, các đơn vị nghiên cứu cần lưu ý về việc xã hội hóa các trạm này. Đồng thời, cũng cần phải xét xem kiểm định khí thải xe máy có cần dán tem không, ai là người dán, người dán có cần phải có giấy chứng nhận đăng kiểm viên hay không… làm thế nào để khi đi vào thực hiện được thuận lợi, khả thi và hạn chế tác động nhất đến người dân.

Phải có cơ chế lọc phương tiện mô tô, xe gắn máy để kiểm soát khí thải bảo vệ môi trường và đảm bảo ATGT - Ảnh 5.

Hội thảo đã thu hút được đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát thải, khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

Phải có cơ chế lọc phương tiện mô tô, xe gắn máy để kiểm soát khí thải bảo vệ môi trường và đảm bảo ATGT - Ảnh 6.

ThS. Phan Hoàng Phương, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Cũng tại Hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học cùng trao đổi, thảo luận với các cơ quan quản lý những thông tin khoa học liên quan thực trạng, các thông số tính toán, phân tích định lượng đánh giá tác động dựa trên số liệu thống kê đo kiểm, so sánh với các nghiên cứu trước đó, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát thải, khí thải của xe mô tô, xe gắn máy, Từ đó, đề xuất các giải pháp thực hiện có tính khả thi nhằm hướng tới một môi trường không khí trong lành, giảm tình trạng ô nhiễm tại các đô thị lớn ở Việt Nam.