Ngày 2/2, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cùng đoàn công tác đã có buổi kiểm tra hiện trường công tác thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Đẩy nhanh GPMB và khu tái định cư
Sau gần 8 tháng khởi công, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hình thành, hiện nhà thầu đang tập trung đẩy nhanh các công tác đắp nền đường, xây dựng cầu vượt… Trong khi đó, hình hài cao tốc của các đoạn đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn còn vướng. Phần lớn công tác GPMB và tái định cư vẫn chưa hoàn thiện theo cam kết.
Cụ thể, so với mốc thời gian 2/1/2024, dự án thành phần 1 chưa bàn giao thêm mặt bằng (diện tích đất đã bàn giao 7/137,64 ha, đạt 5,08%). Tiến độ thực hiện đang rất chậm do hồ sơ thẩm định phải trả lại nhiều lần để bổ sung.
Khu vực đất của Tổng công ty Cao su Đồng Nai mới bắt đầu triển khai chặt hạ cây. Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa phê duyệt đề cương, dự toán để triển khai công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế.
Dự án thành phần 2 đã bàn giao thêm 0,23 ha mặt bằng thuộc phần đường kết nối T2 (tăng 0,13%). Công tác kiểm đếm hoàn thành thêm 7,15 ha (tăng 4,37%). Công tác xác định nguồn gốc sử dụng đất, bổ sung thêm khoảng 213 hồ sơ.
Đất cây cao su mới tiến hành chặt hạ cây phần phạm vi do ACV quản lý (đạt 20,7%), chưa hoàn thành thủ tục để chặt hạ cây phần tuyến của dự án thành phần 2.
Kiểm tra tại khu tái định cư Long Đức và khu vực Trường Giáo dưỡng số 4 (Bộ Công an), Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đặt ra yêu cầu các bên làm sao phải có mặt bằng sớm, bố trí tái định cư để có đất cho nhà thầu triển khai thi công.
Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng nhìn nhận, so với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì công tác GPMB ở Đồng Nai đang chậm hơn.
Hiện nay, khu vực Trường Giáo dưỡng bị ảnh hưởng hơn 11 ha và kéo dài hơn 1 km. Do đó, các bên cần ngồi lại xem xét các vướng mắc, sớm giải quyết để công tác thi công được triển khai đồng bộ. Đặc biệt, Ban QLDA Bồi thường - Hỗ trợ tái định cư và lãnh đạo huyện Long Thành… cần hoàn thiện công tác kiểm kê, thông báo giá đất, sớm xử lý các khu vực đất thuộc các đơn vị nhà nước.
Ông Lê Công Hiệp, Hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 4 khẳng định, đây là nhiệm vụ chung của đơn vị, đất nhà trường là đất thuộc khu vực an ninh - quốc phòng. Đơn vị đã nhận được văn bản chỉ đạo của Bộ Công an, do đó sẽ chấp hành và bàn giao đất theo trình tự thủ tục để sớm thực hiện dự án.
Đại diện Tổng công ty Cao su Đồng Nai cho rằng, địa phương sớm ra quyết định thu hồi đất tại xã An Phước và Tam Phước. Hiện nay, Tổng công ty đã thanh lý cây cao su và giao cho đơn vị cưa cắt. Ngoài ra, tại hiện trường cũng gặp nhiều khó khăn nên cần có các giải pháp điều phối, nếu được có thể nhờ đơn vị nhà thầu hỗ trợ cưa cắt các vị trí cần làm trước để có mặt bằng.
Đơn vị trúng thầu cũng cam kết trước Tết sẽ hoàn thành cưa cắt cây cao su. Ban QLDA thấy vị trí nào cần giải quyết sớm thì thống kê và gửi để đơn vị cưa cắt vị trí đó.
Để giải quyết các tồn tại và đẩy nhanh công tác GPMB, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu các bên cần quyết liệt hơn nữa. Tại vị trí đất liên quan đến Trường Giáo dưỡng số 4 cần quan tâm sự ảnh hưởng của dự án đến công tác hoạt động của nhà trường về sau, đặc biệt là hệ thống đường gom dân sinh, cống chui, hệ thống thoát nước…
Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh xây dựng khu tái định cư để bố trí cho người dân bị ảnh hưởng, sớm ổn định cuộc sống, bàn giao đất cho dự án.
Tập trung thực hiện 3 dự án thành phần để khai thác đồng bộ, hiệu quả
Tại buổi làm việc, ông Đinh Mạnh Đức, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đầu tư Xây dựng (Bộ GTVT) cũng đề nghị Ban QLDA Bồi thường - Hỗ trợ tái định cư, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành rà soát, đề xuất các giải pháp để giải quyết các vấn đề bất cập trong công tác bồi thường giữa các dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Từ đó, Cục cũng đề nghị Ban QLDA 85 phối hợp với các nhà thầu thi công, các đơn vị liên quan trong quá trình GPMB, sẵn sàng nguồn lực để triển khai thi công ngay sau khi nhận bàn giao mặt bằng.
Tiếp đó, cần chủ động khảo sát, đề xuất các giải pháp thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật liên quan, trong đó phải chủ động về trữ lượng, công suất khai thác nguồn vật liệu đất đắp, đảm bảo đáp ứng tiến độ thi công dự án.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu phải xử lý dứt điểm các vướng mắc, tồn tại của dự án. Các bên cần vạch ra hướng giải quyết và đi từ dễ tới khó, không để phát sinh về sau.
Tại công trường, nhà thầu phải chủ động thi công, khu vực nào không có đường tiếp cận phải kiến nghị với địa phương ưu tiên dứt điểm xử lý.
Tại khu vực ranh giới hai tỉnh, Ban QLDA 85 cần làm việc với Ban QLDA của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ đó thống nhất khung đền bù, không thể để giá hai bên chênh lệch quá lớn.
Đối với trường hợp các hộ dân chưa bàn giao phải tính toán rà soát, lên phương án và thỏa thuận sớm nhất, từ đó tranh thủ thời tiết thuận lợi, kết hợp với mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ, thi công có sản phẩm, có khối lượng cụ thể.
"Chúng ta phải có phương án quyết liệt hơn, không thể đợi mặt bằng mãi. Lãnh đạo địa phương và các đơn vị cần xem đây là nhiệm vụ cấp bách. Bằng mọi biện pháp phải ngồi lại với nhau, thống nhất chi tiết từng kế hoạch, từng đầu việc. Khi có mặt bằng, nhà thầu phải tập trung máy móc, nhân công đẩy nhanh tiến độ trên công trường", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đề nghị.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53,7 km từ TP. Biên Hòa về đến đường tránh QL56, TP. Bà Rịa. Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chia làm ba dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 3 đi qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 19,5 km, do Ban QLDA Giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải (thuộc UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) làm chủ đầu tư. Đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai dài hơn 34 km chia làm hai dự án thành phần, do UBND tỉnh Đồng Nai và Ban QLDA 85 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.