Cuối năm 2027 khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hoàn thành năm 2035

Tác giả: Tùng Lộc

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 01/10/2024 18:35

Chiều nay (1/10), thông tin tới các cơ quan báo chí, Bộ GTVT cho biết, dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam dự kiến khởi công vào cuối năm 2027 và phấn đấu hoàn thành vào năm 2035.

Cuối năm 2027 khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hoàn thành năm 2035- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy thông tin, trả lời nhiều câu hỏi của các phóng viên

Phấn đấu khởi công cuối năm 2027, hoàn thành toàn tuyến năm 2035

Chiều nay (1/10), Bộ GTVT tổ chức trao đổi, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy chủ trì cuộc gặp, cùng dự có nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông; nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc (là các thành viên Tổ chuyên gia nghiên cứu dự án), Giám đốc Ban QLDA đường sắt Vũ Hồng Phương, Cục trưởng Cục Đường sắt VN Trần Thiện Cảnh...

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, việc cung cấp, trao đổi thông tin với báo chí nhằm công khai, minh bạch thông tin những vấn đề liên quan đến dự án. 

Về quá trình triển khai, hơn 18 năm qua, Bộ GTVT đã triển khai nhiều nghiên cứu với sự hỗ trợ của các tổ chức, tư vấn quốc tế, trong đó Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) dự án năm 2010 đã được Bộ Chính trị tán thành chủ trương đầu tư, tuy nhiên chưa được cấp có thẩm quyền thông qua. 

Thời điểm trên, chủ trương dự án chưa được thông qua chủ yếu do có những băn khoăn về nguồn lực đầu tư, tốc độ thiết kế và công năng vận tải của tuyến.

"Quán triệt chủ trương của Đảng, Kết luận số 49 - KL/TW của Bộ Chính trị, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được nghiên cứu nghiêm túc, công phu, toàn diện, thận trọng và kỹ lưỡng trong thời gian dài với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan liên quan", Bộ GTVT thông tin về quá trình nghiên cứu để đưa tới đề xuất.

Cuối năm 2027 khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hoàn thành năm 2035- Ảnh 2.

Buổi trao đổi, cung cấp thông tin của Bộ GTVT cho các cơ quan báo chí nhằm công khai, minh bạch các thông tin về đề xuất chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Bộ GTVT cho biết, quá trình nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm của 34 quốc gia trên thế và rút ra bài học kinh nghiệm để đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trong nước. Và để lựa chọn phương án đầu tư, Bộ GTVT đã chỉ đạo tư vấn nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học, cẩn trọng các nội dung chính: công nghệ, công năng vận tải, lựa chọn tốc độ thiết kế, tải trọng trục, khả năng nội địa hóa và làm chủ công nghệ, phân kỳ đầu tư, khả năng cân đối vốn và an toàn nợ công.

"Từ những phân tích, dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam được kiến nghị đầu tư theo phương án: Tốc độ thiết kế 350 km/h; chiều dài khoảng 1.541 km; đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, 23 ga hành khách; tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD. Suất đầu tư khoảng 43,7 triệu USD/km là mức trung bình so với một số nước khi quy đổi về thời điểm năm 2024 (suất đầu tư phụ thuộc vào điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn, khả năng nội địa hóa...).

Tổng mức đầu tư dự án được tính toán, xác định theo quy định của pháp luật về xây dựng, phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô hiện nay. Do tổng mức đầu tư phụ thuộc vào mặt bằng giá thị trường (thiết bị, vật tư, vật liệu...) tại thời điểm tính toán, phụ thuộc chi phí GPMB, điều kiện khu vực xây dựng công trình nên trong quá trình thực hiện đầu tư có thể tăng hoặc giảm", Bộ GTVT thông tin. 

Ngày 18/9/2024, Bộ Chính trị ban hành kết luận về chủ trương đầu tư dự án, trong đó xác định: đường sắt tốc độ cao là công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; thống nhất chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với phương án đầu tư toàn tuyến theo hình thức đầu tư công, tốc độ thiết 350km/h, vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận chuyển hàng hóa khi cần thiết; (3) đồng ý có cơ chế, chính sách đặc thù đặc biệt để huy động nguồn lực hợp pháp triể khai, rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện.

Ngày 20/9/2024, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW trong đó đã xác định: thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao (350 km/h) trên trục Bắc – Nam.

Về tiến độ, kiến nghị đầu tư toàn tuyến với tiến độ dự kiến: trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, triển khai khảo sát, lập Báo cáo NCKT trong năm 2025-2026; triển khai GPMB, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công cuối năm 2027. Phấn đấu hoàn thành xây dựng toàn tuyến năm 2035, sớm hơn 10 năm so với Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.

Hình thức đầu tư: áp dụng hình thức đầu tư công. Nguồn vốn từ ngân sách trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, vốn góp của các địa phương, vốn huy động có chi phí thấp và ít ràng buộc... Trong bước tiếp theo sẽ xác định cụ thể nguồn vốn; đồng thời, trong quá trình xây dựng và vận hành, sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga; đầu tư thêm phương tiện để khai thác khi có nhu cầu. 

Về tổ chức khai thác: phương án tổ chức khai thác sẽ được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu vận tải từng thời điểm, đối tượng phục vụ, bảo đảm khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng. Trong dự án, đề xuất tổ chức khai thác chủ yếu với 2 loại tàu (tàu dừng ở một số ga chính, tàu dừng đan xen ở tất cả các ga); khi có nhu cầu sẽ điều chỉnh biểu đồ chạy tàu để vận tải hàng hóa, phục vụ quốc phòng an ninh. 

Về phương án tổ chức quản lý: Tổng công ty Đường sắt VN là đơn vị tiếp nhận quản lý, vận hành và khai thác kết cấu hạ tầng toàn tuyến; được giao toàn bộ phương tiện, thiết bị để khai thác và chịu trách nhiệm trả nợ chi phí đầu tư phương tiện, thiết bị.

Để bảo đảm yêu cầu vận hành, khai thác, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ thành lập 2 doanh nghiệp: 1 doanh nghiệp quản lý, kinh doanh kết cấu hạ tầng và điều hành vận tải đường sắt; 1 doanh nghiệp tiếp nhận phương tiện đầu tư từ dự án để kinh doanh vận tải.

Cuối năm 2027 khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hoàn thành năm 2035- Ảnh 3.

Một tuyến đường sắt tốc độ cao trên thế giới - Ảnh internet

Góp phần tăng 0,97% GDP trong thời gian xây dựng

Theo phân tích của dự án, về kinh tế - xã hội, kết quả tính toán của tư vấn đối với nhóm yếu tố có thể định lượng (tiết kiệm thời gian đi lại, giảm chi phí khai thác do thu hút lượng vận tải từ các phương thức khác, giảm chi phí logistics, giảm tai nạn, giảm lượng CO2 phát thải,...) cho thấy dự án khả thi về mặt kinh tế.

Trong thời gian xây dựng, tính toán cho thấy góp phần tăng GDP bình quân cả nước khoảng 0,97 điểm phần trăm/năm so với kịch bản không đầu tư dự án. Sau khi đưa đường sắt tốc độc cao đưa vào khai thác, theo kinh nghiệm thế giới hiệu quả tích cực đến kinh tế - xã hội là rất lớn (kinh nghiệm tại Trung Quốc sau khi tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải vào khai thác năm 2012, GRDP các địa phương dọc tuyến tăng lên gấp đôi sau 10 năm). Đồng thời, đây là phương thức vận tải xanh, là giải pháp hữu hiệu để thực hiện các cam kết phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Về tài chính, các lợi ích kinh tế trực tiếp và gián tiếp rất lớn nhưng không thể tính toán vào nguồn thu và hiệu quả tài chính dự án. Tương tự mô hình các nước trên thế giới, dòng doanh thu tính toán hoàn vốn cho dự án chủ yếu từ vận tải, khai thác thương mại (quảng cáo, kinh doanh tại các nhà ga...).

Về bảo đảm quốc phòng, an ninh, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tạo thêm một trục dọc để cơ động tác chiến trong trường hợp có tình huống khẩn cấp; đảm bảo mục tiêu kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh theo yêu cầu của Bộ Chính trị.

Về đào tạo nhân lực, dự án dự kiến sử dụng nhân lực phục vụ cho công tác xây dựng khoảng 180.000 người, phục vụ công tác vận hành và khai thác khoảng 13.880 người, nhân lực làm việc trong các cơ quan quản lý khoảng 700 người và khoảng 1.200 kỹ sư tư vấn. Vì vậy, Dự án đã xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo 3 loại hình đào tạo (đào tạo trong nước, đào tạo nước ngoài, kết hợp đào tạo trong và ngoài nước) với 4 cấp trình độ (công nhân kỹ thuật, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ) cho 5 chủ thể (cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị quản lý dự án, đơn vị vận hành khai thác, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu).

Nhân sự phục vụ công tác quản lý dự án, vận hành khai thác được đào tạo đã được xác định trong dự án theo quy định và đề xuất chính sách đặc thù bố trí khoảng 88 triệu USD từ nguồn kinh phí dự án để: đào tạo cho cơ quan quản lý nhà nước (khoảng 8 triệu USD); đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên (khoảng 4 triệu USD); cấp học bổng cho học viên các chuyên ngành đặc thù như luyện kim, cơ khí chế tạo, điện tử - viễn thông, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (khoảng 36 triệu USD); xây dựng phòng thí nghiệm dùng chung phục vụ đào tạo và nghiên cứu phát triển (khoảng 40 triệu USD).

Về phát triển công nghiệp, dự án đề xuất một số giải pháp cần thiết để phát triển công nghiệp đường sắt như: Cho phép mức ưu đãi, hỗ trợ cao nhất cho phát triển công nghiệp đường sắt về đất đai, thuế, cơ chế hỗ trợ đầu tư, nhập khẩu; Bổ sung các sản phẩm, thiết bị đường sắt vào danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm; Khi triển khai dự án, yêu cầu tổng thầu có cam kết chuyển giao công nghệ và sử dụng tối đa hàng hóa, dịch vụ trong nước có thể cung cấp; Cho phép đặt hàng cho một số doanh nghiệp trong nước hoặc liên doanh trong nước và nước ngoài sản xuất phương tiện, thiết bị tại Việt Nam.

Về nguồn vốn, dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035, bố trí vốn trong khoảng 12 năm, mỗi năm bình quân khoảng 5,6 tỷ USD tương đương khoảng 16,2% trong giai đoạn 2026-2030 nếu giữ nguyên tỷ lệ đầu tư công trung hạn như hiện nay.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phương án nguồn vốn đầu tư được đề xuất tại chủ trương đầu tư dự án đảm bảo an toàn cho tài chính quốc gia.