Phát động chương trình sáng kiến an toàn giao thông Việt Nam năm 2023

Tác giả: Văn Huế

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 05/04/2023 11:57

Sáng nay (5/4) tại Hà Nội, Cục CSGT (Bộ Công an) phối hợp với Báo Điện tử Dân Trí và Công ty ôtô Toyota Việt Nam tổ chức Lễ phát động Chương trình sáng kiến An toàn Giao thông Việt Nam năm 2023.

Một số hình ảnh tại lễ phát động chương trình sáng kiến an toàn giao thông Việt Nam năm 2023

Dự lễ phát động có bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội; Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT; Thiếu tướng Trần Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND; đại diện các đơn vị chức năng và một số Phòng CSGT Công an tỉnh địa phương.

Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2023 được tổ chức từ tháng 4/2023 tới tháng 9/2023 với mong muốn huy động sức mạnh của tập thể và các tầng lớp nhân dân, đóng góp đưa ra các giải pháp giúp giải quyết thực trạng phức tạp của giao thông Việt Nam hiện nay. Đây là hoạt động được tổ chức trên quy mô toàn quốc với mục tiêu khơi gợi sáng tạo, tìm kiếm những ý tưởng mới, ứng dụng công nghệ có hiệu quả nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại, bất cập về giao thông đường bộ ở Việt Nam hiện nay. 

Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2023 bao gồm các hoạt động: lựa chọn từ Cuộc thi "Sáng kiến An toàn Giao thông Việt Nam năm 2022" những sáng kiến, giải pháp có tính ứng dụng, tính khả thi cao để áp dụng vào thực tế, giúp cho người dân tham gia giao thông văn minh, hiện đại, an toàn. Trong đó, dự kiến đưa 3 sáng kiến áp dụng vào thực tế tại Hà Nội và Bắc Ninh (địa phương đang xây dựng mô hình "Tỉnh An toàn giao thông") và Tổ chức cuộc thi "Sáng kiến An toàn Giao thông Việt Nam năm 2023" trên quy mô toàn quốc với mục tiêu khơi gợi sáng tạo, tìm kiếm những ý tưởng mới, ứng dụng công nghệ có hiệu quả nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại, bất cập về giao thông đường bộ ở Việt Nam hiện nay. 

Đại diện ngành chức năng nhấn nút phát động chương trình sáng kiến an toàn giao thông Việt Nam năm 2023

Người tham dự sẽ có thể đăng ký một trong hai Hạng mục đó là: "Sáng kiến An toàn giao thông" và "Sáng kiến công nghệ về An toàn giao thông" nhằm đưa ra giải pháp giải quyết 3 chủ đề chính của giao thông Việt Nam: Giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông; Giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; Giải pháp về thiết lập kỷ cương pháp luật trong giữ gìn TTATGT. 

Cuộc thi được phát động tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh trong tháng 4 năm 2023. Ban tổ chức chương trình sẽ nhận bài dự thi từ tháng 4 tới tháng 8 năm 2023;  dự kiến chấm thi và trao giải vào tháng 9 năm nay.  

Phát biểu tại lễ phát động, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, chương trình trình mang lại ý nghĩa xã hội rất sâu sắc, nhân văn, bởi "cứu được mạng người rất quý, nhiều người càng quý hơn". 

"Qua cuộc thi năm 2022, đã có hàng trăm công trình có ý nghĩa, được nghiên cứu rất công phu từ thực tiễn cuộc sống, mang lại hữu ích cho người dân, từ đó, cơ quan nhà nước nghiên cứu, áp dụng trong thực tế, mang lại lợi ích cho người dân", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh và bày tỏ mong muốn, cuộc thi lần thứ 2 này sẽ có nhiều lực lượng tham gia hơn, nhiều ý tưởng hay hơn đóng góp hiệu quả hơn, mang lại ý nghĩa nhân văn cho cộng đồng. Cuộc thi cũng là cầu nối hữu hiệu giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân, huy động được sức mạnh của toàn dân, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp góp phần giảm thiểu TNGT, giảm chi phí xã hội. 

"Thời gian qua, lực lượng CSGT làm rất tốt, đặc biệt là xử lý vi phạm nồng độ cồn đã tạo được ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, khi ý thức thay đổi thì giao thông sẽ thay đổi. Ngay trong gia đình tôi, chồng tôi về ăn giỗ, lỡ uống rượu nên không dám lái xe vì sợ bị phạt nồng độ cồn. Tôi lấy chồng hơn 30 năm chưa bao giờ chồng nói như vậy. Điều đó cho thấy ý thức của từng người dân đã tăng lên rõ rệt. Tôi cũng nói với chồng, con tôi là nếu bị phạt, bị giữ xe thì tự nộp tiền, chấp nhận giữ xe chứ sẽ không xin giúp", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chia sẻ.  

Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), cuộc thi năm 2022 đã được sự quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước, sự đồng hành của các nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân để xây dựng môi trường giao thông an toàn; đã có hơn 200 sáng kiến, ý tưởng, giải pháp công nghệ tham gia, trong đó nhiều sáng kiến, giải pháp nổi trội đã đạt giải cao như: Hệ thống quản lý giao thông thông minh; Giải pháp bỏ đèn đỏ và tổ chức phân luồng lại giao thông tại thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để không ùn tắc; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo phát hiện phương tiện lấn chiếm lòng đường… Đây là những giải pháp có tính khả thi cao, tương lai sẽ góp phần đưa giao thông Việt Nam ngày càng văn minh, an toàn, hiện đại hơn. 

"Hi vọng, các giải pháp, sáng kiến trong mỗi lần thi sẽ lan toả để người dân thấy rằng, khu vực này giảm ùn tắc, giảm tai nạn là nhờ sáng kiến của người dân. Lãnh đạo Bộ Công an luôn xác định, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực trong công tác bảo đảm TTATGT; chỉ đạo chúng tôi lựa chọn các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT để xử lý nghiêm như: vi phạm nồng độ cồn, ma tuý, chở quá khổ, quá tải… Đến nay, bước đầu, người dân đã hình thành thói quen "đã uống rượu bia thì không lái xe", giảm sâu 3 tiêu chí về TNGT, trong đó, quý I/2023, giảm 264 người chết. Đây là con số rất lớn, giúp hàng trăm gia đình không phải chịu tang thương, mất mát", Thiếu tướng Lê Xuân Đức nhấn mạnh.