Không bị động, bất ngờ
Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, ông Trần Thanh Kiên, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Điện Biên cho biết, Sở được giao ủy thác quản lý, đảm bảo giao thông thông suốt an toàn, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản hạ tầng giao thông đường bộ, không để xảy ra tình trạng giao thông ách tắc kéo dài, đảm bảo thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai năm 2023 theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Trong đợt mưa lũ tháng 7 và tháng 8 vừa qua, trên địa bàn đã xảy ra liên tiếp các vụ sụt trượt đất, đá trên các tuyến QL4H, QL12 gây đứt đường, ùn tắc giao thông.
Để kịp thời xử lý các tình huống, sự cố có thể xảy ra trên các tuyến đường, khắc phục hậu quả mưa lũ đảm bảo giao thông, Sở GTVT tỉnh Điện Biên đã chủ động lập phương án về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên các tuyến đường do Sở GTVT được giao quản lý, bảo trì. Sở chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ tập trung máy móc, nhân lực, vật tư dự phòng trực đảm bảo giao thông 24/24h, kịp thời xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, Sở phối hợp với Ban Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn địa phương, đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công xác minh khối lượng sụt sạt, đề xuất giải pháp khắc phục bão lũ đảm bảo ATGT và giao khối lượng cho nhà thầu thực hiện.
Ông Đỗ Thanh Lâm, Giám đốc Công ty Cổ phần Đường bộ I Điện Biên (một trong những nhà thầu thực hiện quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ trên địa bàn tỉnh Điện Biên) chia sẻ, đơn vị đang được Sở GTVT tỉnh Điện Biên giao quản lý 3 tuyến quốc lộ gồm: Tuyến QL4H đoạn Km71+00 - Km184+700; nhánh 4H2 đoạn Km0+00 - Km37+00); tuyến QL6 đoạn Km410+00 - Km475+200) và tuyến QL12 đoạn Km89+900 - Km100+00) và một số tuyến đường tỉnh. Do ảnh hưởng các đợt mưa lũ tháng 7 và 8/2023, trên các tuyến do đơn vị quản lý đã xảy ra hiện tượng sụt sạt taluy dương, taluy âm, nhiều vị trí bùn, đất, đá taluy dương sụt sạt gây tắc đường nghiêm trọng.
Đơn cử như tuyến QL4H và nhánh 4H2, khối lượng sụt sạt ước tính 30.000 m3 (trong đó có cầu Nậm nhé II đoạn Km135+850 xảy ra hiện tượng lún mố M2, có nguy cơ mất ATGT)...; tuyến QL6 khối lượng sụt sạt ước tính 70.000 m3, một số vị trí tắc đường tại Km419, Km420, Km421... Ngoài ra, nhiều tuyến đường tỉnh do đơn vị này quản lý cũng bị thiệt hại nặng.
"Thực hiện bảo đảm giao thông tại các vị trí sụt sạt trên tuyến được giao quản lý, chúng tôi đã tập trung huy động máy móc, nhân lực khẩn trương thông đường nhanh nhất, tiến hành cắm biển cảnh báo sụt sạt, đồng thời thực hiện xử lý khối lượng sụt sạt và mái sụt theo quy định của công tác bảo đảm giao thông bước 1", ông Lâm chia sẻ thêm.
Đối với công trình cầu Nậm Nhé II (lý trình Km135+850) trên QL4H bị hư hỏng, không đảm bảo ATGT cho người và phương tiện lưu thông qua cầu, để giao thông thông suốt, Sở GTVT tỉnh Điện Biên đã báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam phương án xây dựng cầu tạm tại vị trí nêu trên. Sau thời gian triển khai khẩn trương, ngày 10/9/2023, công trình cầu tạm đã được đưa vào khai thác sử dụng, đảm bảo giao thông được thông suốt, liên tục, an toàn, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trên tuyến QL4H từ Mường Chà đi Mường Nhé.
Ứng trực bão lũ 24/24h
Đối với các tuyến quốc lộ do Công ty Cổ phần Đường bộ II Điện Biên được Sở GTVT tỉnh Điện Biên giao thực hiện quản lý, bảo dưỡng thường xuyên cũng bị thiệt hại do mưa lũ, gồm: QL4H đoạn Km0 - Km71, nhánh 4H1 đoạn Km0 - Km13; tuyến QL12 đoạn tuyến cũ Km119 - Km126; tuyến QL12 đoạn Km126 - Km204+163, tuyến QL12 đoạn Km207+463 - Km281+00; tuyến QL279C đoạn Km0+00 - Km68+00 và một số tuyến đường tỉnh.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Lương Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Đường bộ II Điện Biên cho biết, đợt mưa lũ vừa qua, trên các tuyến đường đơn vị quản lý, khối lượng xác minh sơ bộ đất đá sạt lở taluy dương khoảng 50.000 m3. Sau khi xảy ra sự cố, đơn vị đã bố trí kịp thời máy móc để thực hiện thông đường tạm, tiến hành hót sụt triệt để các vị trí sạt lở.
Trong mùa mưa lũ, công tác đảm bảo giao thông luôn được trú trọng và chuẩn bị kỹ lưỡng. Lãnh đạo Công ty đã chỉ đạo các đội quản lý đường bộ bố trí máy móc, vật tư dự phòng tại các vị trí hay xảy ra sụt sạt, sẵn sàng cho những tình huống xấu có thể xảy ra, đảm bảo giao thông được thông suốt.
Thông tin từ Sở GTVT tỉnh Điện Biên, mức độ thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua là rất lớn, thiệt hại ước tính khoảng hơn 30 tỷ đồng đối với các tuyến quốc lộ, hệ thống đường tỉnh cũng bị thiệt hại ước tính khoảng hơn 10 tỷ đồng.
"Điện Biên là tỉnh nằm trong khu vực địa hình bị chia cắt bởi các dãy núi cao và khe suối sâu, độ dốc lớn, các vị trí sạt lở trải rộng trên các tuyến, do đó cần huy động một lượng lớn máy móc, nhân lực để thực hiện. Mặt khác, nhiều vị trí sạt lở cách xa nhau nên máy móc cần thời gian di chuyển, dẫn đến hao phí khi thực hiện. Trong khi đó, hệ thống định mức cho công tác đào hót đất, đá sạt lở để khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông trên hệ thống đường bộ chưa được ban hành, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong công tác lập chi phí khắc phục thiệt hại", đại diện Sở GTVT tỉnh Điện Biên cho biết thêm.
Để khắc phục sau mưa lũ, Sở GTVT tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các phòng, ban theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị bảo dưỡng thường xuyên trực 24/24h để đảm bảo giao thông thông suốt trong và sau mưa bão. Đồng thời, Sở tiếp tục chỉ đạo các đơn vị bảo dưỡng thường xuyên huy động máy móc thiết bị thi công dứt điểm các vị trí đã đảm bảo giao thông bước 1.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.