Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang chậm 3 tháng vì thiếu cát
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương phải tự tính toán khối lượng cát để đảm bảo ưu tiên cho các dự án giao thông trọng điểm quốc gia. "Hiện nay, Bộ GTVT, Bộ TN&MT đã làm hết trách nhiệm của mình nhưng tình hình vẫn chưa được thay đổi, nguyên nhân ở đâu?", Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
“Tôi đề nghị các Ban QLDA, nhà thầu, phản ánh rõ ràng để nắm chắc được vấn đề. Các bên cần chỉ ra được nguyên nhân xảy ra tình trạng thiếu vật liệu kéo dài này, trách nhiệm do đâu? Tinh thần chúng ta làm việc hôm nay là phải tìm ra được giải pháp, sau đó phải bắt tay làm việc và xử lý”, Phó Thủ tướng nói.
Báo cáo với Phó Thủ tướng và đoàn công tác, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, hiện nay dự án gặp khó khăn rất lớn về việc tìm kiếm nguồn vật liệu.
Các địa phương đã làm rất tốt công tác GPMB và đạt trên 98%. Tuy nhiên, hiện nay dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau không có cát để đắp nền đường, tiến độ đang chậm khoảng 3 tháng.
Theo ông Thi, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần 18,5 triệu m3 cát. Hiện nay, các nhà thầu mới lấy được từ tỉnh An Giang 0,11 triệu m3 cát, 0,3 triệu m3 dự kiến có thể cung cấp trong tháng 9/2023 và 0,69 triệu m3 không thể tiếp tục cung cấp do bị thu hồi giấy phép, doanh nghiệp khai thác bị khởi tố.
Tỉnh Đồng Tháp đã thống nhất bố trí đủ cho dự án 7,0 triệu m3. Trong đó, dự án đã lấy được 0,371 triệu m3 từ nguồn tăng công suất và dự kiến tiếp tục cấp thêm 1,3 triệu m3 từ các mỏ đang khai thác. Đối với khối lượng còn lại, đã giao cho nhà thầu khảo sát 6 mỏ có tổng trữ lượng dự kiến là 6,62 triệu m3.
Đối với tỉnh Vĩnh Long, đã hướng dẫn các nhà thầu thực hiện các bước lập thủ tục khai thác tại hai vị trí mỏ và nhà thầu đã hoàn thành công tác khảo sát.
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, trữ lượng vật liệu đắp nền ở ĐBSCL không thiếu nếu có sự điều phối hợp lý. Một số tỉnh được đánh giá có trữ lượng thấp hoặc không cấp phép khai thác mỏ mới trong nhiều năm như: Sóc Trăng, Tiền Giang đã chủ động khảo sát, đánh giá trữ lượng vật liệu san lấp để phục vụ dự án cao tốc đi qua địa bàn.
“Tôi khẳng định trữ lượng cát ở ĐBSCL cung cấp đủ cho các dự án. Vì trữ lượng cát trải đều qua các năm chứ không phải khai thác một lần. Bộ TN&MT cũng đã hướng dẫn các thủ tục một cách tối đa, cùng một văn bản hướng dẫn nhưng có địa phương làm tốt, có địa phương lại gặp khó. Bên cạnh đó, việc quản lý trữ lượng, ưu đãi cho các dự án trọng điểm vẫn chưa được quyết liệt”, ông Kiên khẳng định.
Phải tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc
Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Tại sao chúng ta không nâng công suất, không rút ngắn thủ tục? Một số mỏ hết thời hạn khai thác và còn trữ lượng mà không cấp phép lại? Các địa phương phải nêu rõ, có gì cản trở hay không? Đối với cơ chế đặc thù, các mỏ khi nâng công suất, cắt giảm thủ tục, tại sao vẫn chưa giao được cho nhà thầu? Trong khi đó, hiện nay trình tự, thủ tục này là do địa phương quyết định?”.
Ông Cao Đăng Hoạt - đại diện nhà thầu Định An chia sẻ, nhà thầu đã từng làm việc với rất nhiều địa phương và việc áp dụng cơ chế đặc thù rất linh hoạt. Trong thời gian xin cấp mỏ tại các dự án khác, thủ tục kéo dài không quá 3 tháng.
"Nhà thầu từng thực hiện việc xin cấp mỏ tại tỉnh Thanh Hoá và triển khai đưa về công trường thi công. Sau khi dự án hoàn thành, chúng tôi đã hoàn trả và đảm bảo các yêu cầu trong hợp đồng. Tuy nhiên, hiện nay tại khu vực ĐBSCL, công tác cấp mỏ vẫn chưa được thực hiện dù đã có thêm các Nghị quyết được Chính phủ ban hành", ông Hoạt chia sẻ.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định, địa phương đã thống nhất về trữ lượng cát cung cấp cho dự án theo yêu cầu. Tuy nhiên, hiện nay theo quy định của Luật Khoáng sản, các bước thực hiện gồm 25 bước. Tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp để rút ngắn các bước theo cơ chế đặc thù.
Thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp cũng sẽ phối hợp với Bộ GTVT, Ban QLDA và các nhà thầu để thống nhất lại trách nhiệm của từng bên, rút ngắn thêm thời gian để giao mỏ cho các nhà thầu. Tuy nhiên, các bên cần phải đánh giá tác động môi trường, đảm bảo khi khi khai thác không làm ảnh hưởng dòng chảy, sạt lở, cảnh quan,...
Đối với tỉnh An Giang, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, vừa qua một số mỏ tại tỉnh này bị thu hồi giấy phép khai thác nên nguồn cát không đảm bảo theo cam kết trước đó. Tỉnh An Giang hoàn toàn thống nhất việc giao mỏ cho các nhà thầu để khai thác và đưa cát về dự án nhanh chóng. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh này cho rằng phải có phương án giám sát, kiểm soát việc khai thác từ mỏ đi đến dự án để đảm bảo không bị tuồn ra bên ngoài.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao tinh thần hợp tác giữa các bộ, ngành Trung ương với các địa phương trong triển khai các dự án cao tốc của vùng. "Đây là các công trình mà Đảng và Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, do vậy các cấp, ngành, địa phương phải quyết tâm cao hơn nữa", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
"Bộ TN&MT, tỉnh An Giang phải báo cáo ngay về hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng vật liệu san lấp trên địa bàn. Trong đó, Bộ TN&MT xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, doanh nghiệp nếu vi phạm để xử lý nhưng không làm cản trở việc đưa nguồn vật liệu san lấp phục vụ các dự án cao tốc", Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT thành lập tổ liên ngành để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế chính sách, tình trạng pháp lý, trình tự thủ tục thực hiện khai thác cát theo từng giai đoạn, bảo đảm đủ nguồn cát xây dựng cao tốc theo tiến độ được duyệt.
"Hiện nay, việc tháo gỡ khó khăn nguồn vật liệu và các giải pháp đang triển khai là đúng hướng. Lãnh đạo các địa phương cần quyết liệt hơn bởi đây là trách nhiệm của mình. Các đơn vị liên quan tập trung nghiên cứu, sớm đưa cát biển vào sử dụng trong những dự án giao thông để hạn chế sử dụng cát sông nhằm tránh các nguy cơ đối với môi trường, sạt lở", Phó Thủ tướng yêu cầu.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.