Sắp có “thuốc trị” xe hợp đồng trá hình tuyến cố định

Vận tải 02/10/2023 06:27

Để quản lý chặt, ngăn "vấn nạn" xe hợp đồng trá hình tuyến cố định, Bộ GTVT đề xuất một loạt giải pháp như quy định tỷ lệ, phạm vi trùng lặp điểm xuất phát, điểm kết thúc; không được đón, trả khách 3 ngày liên tiếp trở lên tại trụ sở chính hoặc tại một vị trí khác; gửi danh sách hành khách về Sở GTVT…

Kỳ 1: Xe hợp đồng trá hình công khai đón trả khách ở Hà Nội

"Núp bóng" Văn phòng đại diện hay Du lịch lữ hành, các xe khách hợp đồng, du lịch hoạt động công khai, chạy xuyên tâm, đón trả khách khắp Thủ đô Hà Nội. Chỉ cần mang theo bộ hợp đồng đóng dấu sẵn, mỗi khi "vợt" khách, lái xe chỉ cần điền tên tuổi, số điện thoại là ung dung "qua mặt" các cơ quan chức năng kiểm tra trên đường.



Hình ảnh một số xe khách Limousine đỗ dưới lòng đường trên phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

"Núp bóng" Văn phòng đại diện, chiếm lòng đường đón, trả khách

Những ngày qua, ghi nhận của PV Tạp chí GTVT tại một số tuyến đường trên địa bàn TP. Hà Nội, đặc biệt là các tuyến đường gần khu vực bến xe hoặc vị trí thuận lợi "hút khách", đủ các loại ôtô Limousine, ôtô khách hợp đồng tấp nập đón, trả khách mà rất ít khi thấy lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý. 

Ngày 19/9, ghi nhận của PV Tạp chí GTVT, trước cổng Rạp xiếc Trung ương (trên phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), hàng loạt ôtô khách Limousine của các nhà xe như: Limousine Duy Khang, Limousine X.E Hà Hải; Limousine Thời Đại, Limousine Khánh An… dừng đỗ dưới lòng đường. Thậm chí, có nhà xe còn xếp hàng 3 - 4 ở khu vực này, biến nơi đây như 1 bến cóc, ngang nhiên đón, trả khách.

Video: Nhà xe Hà Sơn - Hải Vân đón trả khách phía sau cổng Bến xe Mỹ Đình

Tại khu vực cổng ra, phía sau của Bến xe Mỹ Đình (thuộc địa bàn phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng mọc lên "như nấm" hàng loạt các văn phòng đại diện của các nhà xe với "chiêu" nhận chuyển phát nhanh. 

Điển hình, phía đối diện cổng ra của Bến xe Mỹ Đình có căng tấm biển ghi "Công ty Hải An nhận chuyển phát hàng Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng - Hà Nội - Quảng Ninh", còn phía dưới lòng đường, nhà xe này dừng, đỗ ôtô khách hợp đồng BKS 29F-022.89 để nhận hàng cũng như chờ "ăn khách". 

Tiếp đó, dọc đường Mỹ Đình 1, nhà xe Quang Nghị chạy Hà Giang - Hà Nội, ngang nhiên đón, trả khách ở khu vực này… Không những thế, bất chấp biển báo cấm, các nhà xe Bằng Phấn chạy Hà Nội - Hà Giang, nhà xe Hải Vân - Hà Sơn đi các tuyến Hà Nội - Sơn La, Lào Cai thường xuyên về đây nhận hàng, đón, trả khách.

Hình ảnh một số xe khách đỗ dưới lòng đường trên địa bàn phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

Tương tự, trước cửa Cung Trí Thức (quận Cầu Giấy, Hà Nội), xe Limousine Thời Đại BKS 29B-620.59; Limousine X.E Hà Hải còn ngang nhiên dừng đỗ hàng 2, chiếm dụng lòng đường chờ "ăn khách". 

Tiếp đó, trên đường Nguyễn Quốc Trị (cũng thuộc địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội), hàng loạt xe Limousine Hải Phòng dừng đỗ chờ "ăn khách". Không những thế, ngay trong giờ cao điểm, tại 699 Giải Phóng, ô tô khách BKS 75B-019.17 của nhà xe Minh Mập ghi biển hiệu Hà Nội - Huế; halan... cũng ngang nhiên dừng đỗ ở đây để đón khách.

Nhà xe chạy tuyến Hà Nội -  Huế, Hà Nội đi các tỉnh đỗ, dừng đón khách ngay trong giờ cao điểm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Đủ các chiêu trò đối phó

Theo một Thanh tra GTVT Hà Nội, quá trình kiểm tra xử lý đối với ô tô khách Limousine chạy hợp đồng, lái xe đều xuất trình đầy đủ các giấy tờ. Có những trường hợp, phát hiện xe khách Limousine bắt khách, tổ công tác ập đến, yêu cầu lái xe xuống xuất trình giấy tờ để kiểm tra thì lái xe đóng cửa, rồi tranh thủ điền tên hành khách, số điện thoại vào bản hợp đồng ký sẵn rồi mới chịu mở cửa ra đưa lại các giấy tờ cho cơ quan chức năng kiểm tra, gây khó cho việc xử lý.

"Từ kiểm tra thực tế các văn phòng đại diện của các nhà xe cho thấy, về thủ tục giấy tờ kinh doanh vận tải đều đầy đủ. Đối với xe khách tuyến cố định thì rất cụ thể bến đi, bến đến, có lộ trình. Tuy nhiên, đối với xe khách hợp đồng, lợi dụng các quy định hiện hành không rõ ràng nên rất khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý.

Chẳng hạn, theo quy định, có tem phù hiệu hợp đồng, "còi kêu, phanh ăn" là chủ phương tiện mang xe ra kinh doanh. Có khi đóng dấu sẵn hợp đồng, khi nhận khách qua điện thoại sẽ điền tên vào, đến khi lực lượng chức năng kiểm tra thì họ đều có danh sách hợp đồng", đại diện Thanh tra Sở GTVT Hà Nội chia sẻ.

Theo Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 9 (Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội), quá trình xử lý xe hợp đồng, các văn phòng của nhà xe ở trong ngõ sâu hoặc văn phòng đại diện ở trước tuyến đường mặt phố, điểm tập kết thường ở khu chung cư, các khu đất dự án... 

"Qua kiểm tra, về cơ bản các giấy tờ của xe hợp đồng đều đủ. Đặc biệt, một số số văn phòng đại diện nhà xe lợi dụng vào việc đăng ký kinh doanh xe ôtô khách hợp đồng vận tải hành khách, ký hợp đồng lữ hành du lịch, có xe du lịch phục vụ. Các điểm phục vụ xe du lịch đương nhiên sẽ có khách du lịch lên xe, vì vậy gây khó khăn cho việc xử lý", Thiếu tá Chinh nói. 

Thậm chí, nhiều tại nhiều Văn phòng đại diện nhà xe có văn phòng luật sư tư vấn, nghiên cứu những kẽ hở của quy định để lách luật, cạnh tranh không lành mạnh với mục tiêu thu hút càng nhiều khách càng tốt. 

Cũng theo Thiếu tá Trần Quang Chinh, thực tế, lực lượng CSGT hay lập các lỗi cơ bản nơi có biển cấm dừng, cấm đỗ hay kiểm tra phù hiệu, tem hợp đồng, danh sách hành khách trong hợp đồng, cũng như việc xe có đầy đủ giấy tờ đúng với hợp đồng ký kết giữa bên A và bên B hay không. 

"Ngoài việc lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử phạt các vi phạm về dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định của xe khách hợp đồng, cần phải có chế tài nghiêm khắc hơn đối với các trường hợp vi phạm, chẳng hạn như tước tem hợp đồng. Nếu văn phòng nhà xe vi phạm nhiều lần có thể rút giấy phép kinh doanh mở văn phòng", Thiếu tá Chinh nêu ý kiến.

Kỳ 2: "Thuốc trị" xe hợp đồng trá hình tuyến cố định: Hết đường đối phó