Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN, Bộ GTVT đang lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam và các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu ô tô đối với dự thảo (lần 2) Tiêu chuẩn quốc gia về Phương tiện giao thông đường bộ - ô tô - phân loại theo mục đích sử dụng (thay thế cho TCVN 7271:2003). Tiêu chuẩn nhằm quy định việc phân loại ô tô theo mục đích sử dụng đối với ô tô chở người, ô tô chở hàng, ô tô chuyên dùng, ô tô kéo rơ moóc, ô tô đầu kéo và ô tô chưa hoàn thiện.
Theo dự thảo do Cục Đăng kiểm VN xây dựng, bên cạnh cập nhật tiêu chuẩn các loại ô tô (chở người, chở hàng hóa, chuyên dụng) đã phổ biến trong nước, danh mục ô tô bổ sung nhiều loại xe khác ít xuất hiện, như: xe nhà ở lưu động, xe khách thành phố nối toa, xe buýt chở trên 90 người, xe học sinh, xe chưa hoàn thiện….
Cụ thể, ô tô khách thành phố, ô tô buýt được xác định là: Ô tô chở từ 17 người trở lên kể cả người lái, được thiết kế và trang bị để sử dụng trong thành phố và ngoại ô. Trên xe có bố trí các ghế ngồi và chỗ đứng cho khách, cho phép hành khách di chuyển phù hợp với việc dừng, đỗ xe thường xuyên. Số lượng cửa lên xuống tối thiểu dành cho hành khách được tính là 1 cửa đối với xe chở từ 17 đến 45 người (kể cả người lái), 2 cửa với xe chở 46 - 90 người, 3 cửa với xe chở trên 90 người..
Còn ô tô khách thành phố nối toa, ô tô buýt nối toa là ô tô khách có hai toa cứng vững trở lên được nối với nhau bằng một khớp quay, khách có thể di chuyển từ toa này sang toa khác. Việc nối hoặc tháo rời các toa chỉ có thể được tiến hành tại xưởng.
Ô tô khách, ô tô buýt thành phố còn thêm các loại: 1 tầng và không có nóc xe; 2 tầng, với tầng hai không có nóc. Xe BRT (Bus rapid transit), với yêu cầu chiều cao sàn xe ngang với với chiều cao sàn của các điểm đỗ, dừng để nhận, trả khách. Có cửa lên xuống bên trái hoặc cả hai bên. Trên xe không bố trí: bậc lên xuống; thiết bị thu tiền vé, thu vé.
Loại xe ít phổ biến khác được đưa vào dự thảo tiêu chuẩn là ô tô nhà ở lưu động (Motorhome, Motor caravan), được xác định là ô tô chở người chuyên dùng có không gian để đáp ứng việc lưu trú, sinh hoạt của con người ở trạng thái không di chuyển (trạng thái nghỉ) và có các trang thiết bị tối thiểu: Bàn và ghế; chỗ ngủ (có thể được chuyển đổi từ ghế ngồi); thiết bị nấu ăn; kho chứa đồ (gồm: Tủ hoặc ngăn kéo đựng đồ, khu vực bảo quản thức ăn, chứa dụng cụ nấu ăn…). Các trang thiết bị trên phải được cố định chắc chắn vào sàn hoặc thành xe (riêng bàn có thể thiết kế để dễ dàng tháo rời được). Xe có thể được trang bị thêm: Bồn chứa nước sạch, nước đã qua sử dụng, nước bẩn, bơm nước; khu vực vệ sinh gồm: Thiết bị vệ sinh, tắm, rửa...
Xe phải có các trang bị sau: Bộ sơ cứu với trang bị phù hợp để sơ cấp cứu trẻ em, trang bị thiết bị cắt dây đai ở khu vực người lái đối với các xe có trang bị dây đai an toàn cho hành khách. Đèn cảnh báo nguy hiểm tự động được bật khi mở cửa lên xuống, thiết bị cảnh báo nếu cửa lên xuống hoặc cửa thoát hiểm (nếu có) chưa đóng khi xe bắt đầu di chuyển.
Dự thảo tiêu chuẩn mới cũng bổ sung vào danh mục loại ô tô con đào tạo lái xe, xe tải đào tao lái xe dành cho đào tạo lái xe, với yêu cầu về hệ thống phanh phụ và dòng chữ trên xe để nhận diện; ô tô phòng khám bệnh lưu động với yêu cầu có kết cấu và trang bị như phòng khám bệnh.
Loại khác là ô tô chưa hoàn thiện, với định nghĩa là cần phải trải qua ít nhất một giai đoạn hoàn thiện nữa trước khi sẵn sàng cho mục đích mà nó đã được thiết kế và chế tạo.
Cũng đáng chú ý, ô tô chở học sinh được đưa vào tiêu chuẩn với định nghĩa chỉ được thiết kế chỉ để đưa, đón học sinh. Xe phải được sơn màu vàng đậm và phải có dòng chữ "Ô tô chở học sinh" mặt trước và mặt sau xe.
Ngoài ghế của học sinh và ghế của người lái, trên xe phải có tối thiểu 1 chỗ ngồi dành cho người quản lý học sinh (người trưởng thành). Tổng số người cho phép chở kể cả người lái không được vượt quá 45 người. Trường hợp xe được thiết kế chỉ dành cho học sinh tiểu học, mẫu giáo thì số người cho phép chở kể cả người lái không được vượt quá 56 người.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.