Đặc biệt là 4 dự án thành phần sẽ hoàn thành, thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12/2022 gồm: Cam Lộ - La Sơn, Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Tăng tốc thi công không quản ngày đêm
Trên cao tốc Mai Sơn - QL45 qua địa bàn hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa những ngày đầu tháng 12/2022, tại gói thầu XL10, Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường huy động thêm hàng trăm đầu máy, phương tiện, nhân công tập trung cao độ thi công phần móng mặt đường, cấp phối đá dăm, thảm bê tông nhựa, lắp đặt dải phân cách...
Ông Ngô Văn Phúc - Trưởng ban Điều hành gói thầu XL10 (nhà thầu Xuân Trường) cho hay: "Do ảnh hưởng của bão giá vật liệu, các loại nguyên vật liệu chính phục vụ thi công như cát, đá, thép, xăng dầu... đều tăng phi mã khiến nhà thầu lỗ khoảng 200 - 300 tỷ đồng tại gói thầu này. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng tôi không tính đến chuyện lời hay lỗ nữa mà xác định làm vì danh dự để làm sao đáp ứng tiến độ thông xe kỹ thuật gói thầu trước ngày 31/12/2022 theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ GTVT và Ban QLDA Thăng Long".
Cũng là "điểm sáng" về nỗ lực thi công trên cao tốc Mai Sơn - QL45, lãnh đạo Ban Điều hành gói thầu XL12 (Tập đoàn Đèo Cả) cho biết, sau khi Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thị sát, đốc thúc tiến độ toàn dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã ngay lập tức điều động hàng trăm phương tiện, nhân lực từ các dự án khác cấp tốc đến công địa thi công gói thầu XL12 cao tốc Mai Sơn - QL45. Nguồn lực này không chỉ phục vụ các phần việc do Tập đoàn Đèo Cả đảm nhiệm mà còn hỗ trợ nhà thầu Hoàng Long thi công với quyết tâm cao nhất trong việc đảm bảo tiến độ toàn dự án.
Tại cao tốc Cam Lộ - La Sơn, ông Nguyễn Vũ Quý - Giám đốc Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư dự án) cho hay, tiến độ hoàn thành cao tốc hiện nay khả quan khi toàn dự án đang tiến hành thi công các hạng mục hoàn thiện cuối cùng với kết quả tích cực. Dẫu vậy, những ngày cuối cùng trước hạn "cán đích", dù đã nỗ lực ở mức tối đa song dự án vẫn gặp nhiều khó khăn bởi trời mưa làm giảm tốc độ thi công. "Với quyết tâm cao nhất, toàn dự án vẫn sẽ nỗ lực đảm bảo thời hạn khánh thành, đi vào vận hành đúng hạn yêu cầu vào ngày 31/12/2022", ông Quý thông tin.
Ông Bùi Quang Thái - Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, sau chuyến thị sát công trường các tuyến cao tốc vừa qua của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, tất cả các dự án đều đã đẩy mạnh huy động thiết bị, phương tiện nhân lực hơn nữa, tăng cường thi công ngày đêm với quyết tâm cao nhất trong việc đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo. Tuy nhiên, xét trong 10 ngày kể từ thời điểm Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thị sát "thúc" tiến độ, các dự án đều đã nỗ lực hơn rất nhiều với nguồn lực lớn được bổ sung, song tình hình thời tiết mưa nhiều, điển hình như tại cao tốc Mai Sơn - QL45, trong 10 ngày có 4 ngày mưa đã gây ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thi công.
Không đánh đổi chất lượng lấy tiến độ
Ở khu vực phía Nam, tại dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, trong chuyến kiểm tra hiện trường vào cuối tháng 11/2022, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đánh giá, thời gian thi công các gói thầu dự án là 24 tháng, bình quân sản lượng thi công mỗi tháng là 4,1%. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các nhà thầu đang huy động máy móc gấp đôi và sản lượng hơn 10% mỗi tháng để bù tiến độ bị chậm do các tác nhân khách quan, đặc biệt là thời tiết mưa nhiều. Điển hình trong phong trào thi đua 120 ngày đêm thi công cao tốc vừa qua, dự án này có tới 66 ngày mưa. "Hiện nay, dự án không có đường lùi, chắc chắn tuyến chính phải hoàn thành trước ngày 31/12/2022", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy khẳng định.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, quan điểm của Bộ GTVT và các nhà thầu là dù tăng tốc tiến độ nhưng phải đảm bảo tuyệt đối chất lượng, không đánh đổi. Cho đến thời điểm hiện nay, toàn bộ những khó khăn, vướng mắc của các nhà thầu đều đã được Bộ GTVT giải quyết.
Cùng mốc tiến độ với Vĩnh Hảo - Phan Thiết, các nhà thầu thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đồng loạt cam kết sẽ đảm bảo "cán đích" theo yêu cầu. Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh - Tổng Giám đốc Tập đoàn CIENCO 4 khẳng định sẽ thông phần tuyến do đơn vị đảm nhiệm vào ngày 31/12/2022 như chỉ đạo của Bộ GTVT. Đồng thời, các thiết bị thảm bê tông nhựa của CIENCO 4 vẫn giữ lại công trường, sẵn sàng hỗ trợ các nhà thầu khác khi có nhu cầu.
Trực tiếp kiểm tra công trường hai dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây vào cuối tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ những thách thức trong thi công khi phụ thuộc vào thời tiết. Bộ trưởng cho rằng, mưa lớn liên tục là "điểm nghẽn" về tiến độ, đòi hỏi ban QLDA và các nhà thầu phải nỗ lực tối đa hơn nữa để thi công bù tiến độ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng nhấn mạnh, những yêu cầu kỹ thuật phải luôn ưu tiên hàng đầu, đẩy nhanh tiến độ nhưng phải đi đôi với chất lượng. Theo Bộ trưởng, các dự án cao tốc này đạt được đột phá thì sẽ minh chứng cho sức bật của ngành GTVT.
Toàn cao tốc Bắc - Nam phải khởi công trước ngày 15/01/2023
Không chỉ đẩy nhanh thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, các ban QLDA, Cục Quản lý đầu tư xây dựng, đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan của Bộ GTVT đang làm việc không quản ngày đêm để sớm hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu nhằm khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025) trong tháng 12/2022.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có 12 dự án thành phần với 25 gói thầu. Bộ trưởng yêu cầu 12 gói thầu khởi công trong tháng 12/2022 và đối với 13 gói thầu còn lại, các cơ quan, đơn vị phải nỗ lực cao nhất trong việc thực hiện các bước chuẩn bị một cách chuẩn chỉ, đảm bảo phải hoàn thành để khởi công trước ngày 15/01/2023.
"Mọi công việc đang rất gấp nên phải rất quyết liệt. Để khởi công toàn bộ dự án thì tất yếu phải có mặt bằng. Không chỉ đảm bảo mặt bằng cho 12 gói thầu khởi công ban đầu mà phải đảm bảo mặt bằng cho toàn bộ 25 gói thầu của toàn dự án. Quan điểm của Bộ GTVT là khi khởi công thì phải đảm bảo toàn bộ các điều kiện sẵn sàng, từ mặt bằng, nguyên vật liệu đến máy móc, thiết bị, con người phục vụ thi công phải đầy đủ... để làm ngay sau khi khởi công, tránh trường hợp khởi công thì sớm xong đắp chiếu, rồi đến giai đoạn cuối, nước đến chân mới nhảy", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đặc biệt lưu ý.
Để hiện thực hóa sự quyết tâm, quyết liệt thi công sau khởi công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các ban QLDA phối hợp chặt chẽ với nhà thầu, địa phương giải quyết khẩn trương vấn đề GPMB. "Tiền GPMB thì đã có đủ, giờ cần sự cố gắng, vào cuộc quyết liệt của các địa phương. Không còn thời gian trống, các địa phương phải GPMB càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt. Về trách nhiệm của lãnh đạo Bộ GTVT, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh làm việc với các địa phương, bám sát hiện trường để có thể triển khai một cách nhanh nhất, sớm nhất", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo.
Nhìn lại năm 2022, tình hình triển khai cao tốc Bắc - Nam trở thành chủ đề "nóng" nhất của ngành GTVT. Sự quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cùng sự quan tâm theo dõi của cộng đồng xã hội đã phần nào cho thấy sự quan trọng của việc hình thành trục "xương sống" mới để đất nước có được nền tảng quan trọng tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.