Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo trì giao thông đường bộ

Tác giả: Đại Thắng

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 20/12/2024 09:10

Ngày 19/12, Khu Quản lý đường bộ III (QLĐB III) (Cục Đường bộ Việt Nam) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

giao thông đường bộ
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo trì giao thông đường bộ- Ảnh 1.

Quang cảnh Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Khu QLĐB III

Báo cáo kết quả công tác năm 2024, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Khu QLĐB III cho biết, hiện nay, Khu QLĐB III trực tiếp quản lý 1.976 km (bao gồm 239,3 km chuẩn bị tiếp nhận lại từ dự án xây dựng cơ bản); 168,7 km đường cao tốc, 789,8 km BOT, các tuyến quốc lộ ủy thác 2.556,18 km. Ngoài ra, Khu QLĐB III còn thực hiện một số nhiệm vụ được Cục Đường bộ Việt Nam ủy quyền như thẩm tra phê duyệt dự án bảo trì, quyết toán dự án hoàn thành đối với các tuyến quốc lộ ủy thác của các Sở GTVT.

Trong năm 2024, Khu QLĐB III đã tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên trên các tuyến quốc lộ nhằm đảm bảo êm thuận, ATGT, thông suốt; quan tâm chất lượng từng hạng mục dự án để đảm bảo tuổi thọ và an toàn cho công trình; triển khai kiểm tra, kiểm định cầu theo kế hoạch, sửa chữa kịp thời các cầu có nguy cơ hư hỏng mất an toàn; đề xuất bổ sung kế hoạch sửa chữa, kiểm định cầu trong năm 2025. Đặc biệt, Khu QLĐB III đã kịp thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị quản lý bảo dưỡng thường xuyên (QL, BDTX) giải quyết các bức xúc, kiến nghị của cử tri địa phương để đảm bảo ATGT.

Ông Bình cho hay, từ thực tế kiểm tra cho thấy, công tác QL, BDTX đã được các nhà thầu chú trọng, nâng cao chất lượng, thể hiện rõ nhất là mặt đường được vá, láng, sửa chữa kịp thời, vệ sinh khơi thông mương rãnh thoát nước được đảm bảo, hệ thống ATGT sáng rõ, các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ đã phát hiện kịp thời và thông tin đến các đơn vị liên quan phối hợp xử lý.

Tuy nhiên vào một số thời điểm, việc tổ chức khắc phục hư hỏng mặt đường phát sinh vẫn còn bị động, lúng túng, chưa kịp thời. Nguyên nhân là do khối lượng phát sinh hư hỏng quá lớn, vượt quá hạn ngạch sửa chữa thường xuyên, hư hỏng diện rộng trải dài trên tuyến đường, lưu lượng ô tô tải trọng lớn tăng đột biến phục vụ chuyên chở vật liệu cho các dự án đường cao tốc. Hơn nữa, trong năm 2024, ở khu vực Nam Trung bộ có nhiều đợt mưa liên tục, cường độ lớn, lại không có vật liệu để thi công trong điều kiện thời tiết mưa ẩm để đảm bảo bền vững.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo trì giao thông đường bộ- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Khu QLĐB III phát biểu đánh giá kết quả công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025

Để bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, Khu QLĐB III thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các Văn phòng QLĐB tăng cường công tác tuần kiểm, kiểm tra để phát hiện kịp thời các vi phạm về hành lang an toàn đường bộ, đấu nối trái phép vào quốc lộ; có biện pháp ngăn chặn, lập hồ sơ vi phạm chuyển chính quyền địa phương xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, nhất là các vi phạm có nguy cơ cao gây mất ATGT, ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu của công trình đường bộ, ảnh hưởng đến sinh hoạt của khu dân cư lân cận.

Kết quả trong năm 2024, Khu QLĐB III đã kiểm tra phát hiện và lập hồ sơ chuyển chính quyền địa phương 535 trường hợp vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phối hợp tổ chức 15 đợt ra quân giải tỏa, ngăn chặn các vi phạm và tổ chức ngăn chặn 14 vị trí vi phạm nổi cộm, tháo dỡ nhiều biển hiệu, biển quảng cáo, công trình ảnh hưởng ATGT trên các quốc lộ.

Theo ông Bình, trong năm 2024, tình hình mưa lũ, sạt lở xảy ra trên các tuyến quốc lộ như QL1, QL27C, đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông… nhưng với sự chủ động, Khu QLĐB III đã triển khai thực hiện tốt công tác khắc phục hậu quả lụt, bão, đảm bảo giao thông; nhanh chóng, kịp thời xử lý khắc phục các vị trí sạt lở ta-luy âm, ta-luy dương, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, TNGT, đảm bảo ATGT thông suốt.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo trì giao thông đường bộ- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Chia sẻ với những khó khăn mà Khu QLĐB III phải đối mặt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là khu vực địa bàn quản lý thường xuyên hứng chịu thiên tai, mưa lũ, sạt lở, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao những kết quả thực hiện nhiệm vụ trong năm 2024.

Trước yêu cầu nhiệm vụ thời gian tới, ông Thắng lưu ý trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông đường bộ cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, trang bị máy móc hiện đại nhằm thay thế sức người trong quản lý, bảo trì; chủ động phối hợp với địa phương kịp thời giải quyết các vấn đề mà người dân, cử tri phản ánh.

"Khu vực miền Trung - Tây Nguyên là địa bàn đồi núi, đèo dốc, các công trình giao thông đường bộ thường xuyên chịu thiên tai, mưa lũ, sạt lở, vì vậy việc quản lý bảo trì các công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong thời gian tới, Khu QLĐB III cần tiếp tục tăng cường kiểm tra các công trình cầu đã có thời gian khai thác lâu năm, cầu nằm ở địa hình dốc, cầu có kết cấu móng cọc, cầu nằm ở khu vực có khai thác khoáng sản và có giải pháp hiệu quả đảm bảo tuổi thọ công trình", ông Thắng nhấn mạnh.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo trì giao thông đường bộ- Ảnh 4.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo trì giao thông đường bộ- Ảnh 5.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo trì giao thông đường bộ- Ảnh 6.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo, các phòng chuyên môn Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT, Ban ATGT các tỉnh, thành và các đơn vị quản lý, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên trên địa bàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên