Theo đó, để chủ động ứng phó hậu quả do mưa lũ gây ra đối với kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo ATGT cho người và phương tiện tham gia giao thông, Bộ GTVT yêu cầu:
Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và đảm bảo giao thông thông suốt, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên các tuyến quốc lộ. Trong đó, tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sụt lở đất đá, lũ quét để có phương án xử lý và phân luồng giao thông từ xa. Bố trí lực lượng trực gác, hướng dẫn giao thông tại các vị trí có nguy cơ bị ngập sâu, chảy xiết, nhất là qua ngầm, tràn, bến phà, cầu phao, đò ngang; cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí đường bị ngập nước sâu, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở… kiên quyết không cho phép người và phương tiện đi qua khi còn có nguy cơ không đảm bảo an toàn. Đối với các vị trí bị sạt lở, sụt trượt lớn gây ách tắc giao thông phải cử ngay Lãnh đạo Khu QLĐB, Lãnh đạo Sở GTVT phối hợp với Ban chỉ huy PCTT&TKCN địa phương đến hiện trường, triển khai ngay phương án phân luồng từ xa, khẩn trương khắc phục sự cố, huy động tối đa máy móc, trang thiết bị và nhân lực hiện có trên địa bàn để đảm bảo thông xe trong thời gian nhanh nhất.
Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: Chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc thường có đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thủy lợi, hồ chứa nước. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tập trung phương tiện, vật tư, thiết bị và nhân lực khắc phục hậu quả mưa lũ và đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất. Có kế hoạch dừng tàu, giãn tàu, tăng bo, chuyển tải hành khách khi tình hình mưa lũ gây ngập úng, sụt trượt tại các khu gian phải dừng tàu.
Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề cho hạ tầng giao thông
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam: Tiếp tục tổ chức triển khai phương án thường trực chống va trôi các cầu trọng yếu trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia khu vực miền Trung theo kế hoạch, phương án đã được Bộ phê duyệt, nhằm bảo đảm ATGT thủy và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị liên quan của địa phương trong việc hướng dẫn nơi neo đậu, tránh trú an toàn cho các phương tiện và có các biện pháp đảm bảo an toàn về người, phương tiện khi có tình huống xảy ra trong quá trình mưa lũ; yêu cầu các phương tiện neo đậu gần các cầu vượt sông di dời đến vị trí an toàn, tuyệt đối không để các phương tiện đâm va vào các công trình vượt sông, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và kết cấu hạ tầng giao thông trên tuyến đường thủy nội địa. Đôn đốc các đơn vị Quản lý bảo trì đường thủy nội địa kịp thời thu hồi phao tiêu, báo hiệu trước khi lũ về hoặc khi nhận được thông báo xả lũ của Ban chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương; có phương án bảo đảm an toàn hoặc thu hồi, bảo quản các đèn báo hiệu, biển hiệu, phao báo hiệu và phụ kiện; kịp thời triển khai lại hệ thống báo hiệu ngay sau mưa lũ.
Cục Hàng hải Việt Nam: Chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải nắm chắc số lượng tàu thuyền, phương tiện vận tải thủy đang neo đậu tại vùng neo đậu sâu trong nội thủy, các cửa sông, cửa biển. Phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương có các biện pháp phù hợp, kiên quyết yêu cầu các tàu vận tải di chuyển đến các khu neo đậu an toàn, không neo đậu ở các vùng cửa sông có lưu tốc dòng chảy lớn khi có mưa lũ lớn, dài ngày.
Các Sở GTVT trong khu vực chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ này phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành ở địa phương, các Khu QLĐB và các đơn vị quản lý và sữa chữa đường bộ, đường sắt… chủ động khắc phục sự cố do mưa lũ gây ra, tiến hành phân luồng, đảm bảo giao thông trên các quốc lộ ủy thác và đường địa phương, phối hợp ngành đường sắt trong việc điều hành việc vận tải, tăng bo, chuyển tải hành khách và hàng hóa khi có yêu cầu.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.