Thay đổi tư duy giúp Ngành Đường bộ tiếp tục phát triển

Tác giả: Hoàng Long

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 25/12/2023 13:13

Đây là ghi nhận của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ về sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm của Ngành Đường bộ trong năm 2023 về công tác quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống pháp luật và chuyển đổi số, phân cấp, phân quyền trong quản lý cơ sở hạ tầng...


Thay đổi tư duy giúp Ngành Đường bộ tiếp tục phát triển- Ảnh 1.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Bảo đảm giao thông an toàn thông suốt

Sáng ngày 25/12, Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024. Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT, Thứ trưởng Lê Đình Thọ ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Cục ĐBVN đã đạt được trong năm 2023.

Những kết quả trong năm qua là sự nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Cục, Lãnh đạo Cục đã chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2023, đặc biệt là đã đổi mới về tư duy, dám nghĩ, dám làm thể hiện qua kết quả ở các mặt công tác của Cục, Thứ trưởng khẳng định.

Thứ trưởng yêu cầu Cục ĐBVN xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, công tác phân cấp phân quyền đặc biệt là hoàn thiện Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), chuẩn bị làm các bước tiếp theo khi có chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu Cục ĐBVN cầu tập trung rà soát, ưu tiên xử lý các điểm đen phát sinh, điểm tiềm ẩn TNGT góp phần giảm tai nạn giao thông trong quá trình khai thác; Trước mắt, tăng cường công tác bảo dưỡng thường xuyên (sơn sửa, bổ sung biển báo, cọc tiêu, ...), kịp thời sửa chữa các hư hỏng, đảm bảo giao thông êm thuận, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Lễ, Tết và mùa lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024 tới đây. Tăng cường công tác quản lý chất lượng bảo trì và ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới vào trong sửa chữa đường bộ. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ quản lý bảo trì, khai thác hệ thống đường cao tốc nhằm phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội do các tuyến đường cao tốc mang lại.

Thay đổi tư duy giúp Ngành Đường bộ tiếp tục phát triển- Ảnh 2.

Nhiều tuyến cao tốc mới được đưa vào sử dụng trong năm 2023

Đồng thời, siết chặt hơn nữa hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô, tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Nâng cấp hệ thống dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để tạo thuận lợi cho việc truy cập, phối hợp xử lý vi phạm.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, giám sát, công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe, phấn đấu trong năm 2024 đạt tỷ lệ 20% trên tổng số GPLX đổi được thực hiện bằng dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4).

Thứ trưởng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác Chính phủ điện tử, chuyển đổi số tại Cục và triển khai ngay Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030"; đồng thời tăng cường công tác phối hợp với các địa phương, phân cấp, phân quyền trong quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT.

Thay đổi tư duy giúp Ngành Đường bộ tiếp tục phát triển- Ảnh 3.

Cân tự động trên QL5 được đưa vào khai thác

Hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng

Trước đó báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng, Cục ĐBVN cho biết, năm 2023 có thể nói là năm đầu tiên, Cục hoạt động trọn vẹn 1 năm thực hiện công tác quản lý đường bộ theo mô hình từ 03 cấp xuống còn 02 cấp mới. Trước nhiều khó khăn chung, nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ GTVT, sự nỗ lực, quyết tâm, chung sức, đồng lòng quyết tìm các giải pháp sáng tạo, hiệu quả, Cục đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2023, góp phần đáng kể vào thành tích chung của Ngành, được nhiều tổ chức, cá nhân và các báo, đài ghi nhận, đánh giá cao.

Phó Cục trưởng Nguyễn Mạnh Thắng báo cáo các kết quả nổi bật của Cục trong năm qua, đó là hoàn thành toàn bộ chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật 2023, đáp ứng kịp thời, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường bộ. Đẩy mạnh triển khai công tác phân cấp, phân quyền, nổi bật là sửa đổi các quy định của pháp luật để phân cấp cho UBND cấp tỉnh trong quản lý, khai thác và bảo trì, duyệt phương án tổ chức giao thông, quyết định các nội dung về quản lý, khai thác đối với đường cao tốc thuộc phạm vi địa phương quản lý.

Thay đổi tư duy giúp Ngành Đường bộ tiếp tục phát triển- Ảnh 4.

Nhiều điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT được xử lý

Cục ĐBVN đã tích cực triển khai xử lý nhanh chóng, kịp thời toàn bộ các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT ngay từ khi mới phát hiện, xử lý các bất cập về tổ chức giao thông được phát hiện thông qua công tác theo dõi, kiểm tra của cơ quan quản lý đường bộ và ý kiến của Ban ATGT, lực lượng công an các cấp.

Thay đổi tư duy giúp Ngành Đường bộ tiếp tục phát triển- Ảnh 5.

Công tác phối hợp rà soát với lực lượng chức năng được Ngành Đường bộ tổ chức tốt

Bên cạnh đó, Cục tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu lực hiệu qủa xử phạt trong việc bảo vệ tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, điển hình là triển khai các giải pháp hoàn thiện hạ tầng, công nghệ, kiện toàn bộ máy và tổ chức thực hiện quản lý, vận hành hiệu quả các bộ cân kiểm tra tải trọng xe tự động tại Km78/QL.5.

Tổ chức thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Bộ GTVT giao giao quyết định đầu tư, làm Chủ đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác Chính phủ điện tử, chuyển đổi số tại Cục; đồng thời đẩy mạnh hợp tác toàn diện với các cơ quan liên quan để nâng cao hiệu quả trong triển khai nhiệm vụ của Cục.

Nhiệm vụ, kế hoạch năm 2023, Phó Cục trưởng Nguyễn Mạnh Thắng cho biết năm 2024, Cục đề ra chỉ tiêu hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng văn bản QPPL năm 2024 được Bộ GTVT giao. Phấn đấu hoàn thành 100% công tác giải ngân vốn XDCB và vốn BTĐB theo kế hoạch năm 2024.

Hoàn thành 100% công tác quyết toán dự án hoàn thành theo kế hoạch năm 2023 Bộ GTVT giao. Tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, BDTX hệ thống quốc lộ trên toàn quốc; xử lý kịp thời các điểm đen mới phát sinh, đảm bảo giao thông an toàn thông suốt, giảm tỷ lệ tai nạn giao thông (cả 3 tiêu chí). Tiếp nhận, giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa đạt 100% đúng thời hạn quy định. Đồng thời đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cụ thể.