Video: Hiện tượng cát chảy trong hầm Tuy An
Lần đầu đào hầm gặp hiện tượng cát chảy
Sáng ngày 20/8/2024, PV Tạp chí Giao thông vận tải có mặt trên công trường thi công xây dựng hầm Tuy An thuộc địa phận tỉnh Phú Yên. Đây là hạng mục quan trọng và phức tạp nhất của gói thầu XL01 - Dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021 - 2025).
Lúc 9h05, sau khi được ông Trương Công Đạt - Giám đốc điều hành gói thầu XL01 (Tập đoàn Đèo Cả) phổ biến những quy tắc về an toàn lao động, PV Tạp chí Giao thông vận tải bắt đầu tiếp cận các mũi thi công hầm Tuy An ở khu vực phía Nam (Tập đoàn Đèo Cả thi công).
Vừa bước vào cửa hầm, cảm nhận đầu tiên là bầu không khí vô cùng ngột ngạt, khó thở. Càng đi bộ sâu vào phía trong, chúng tôi càng cảm nhận rõ thân nhiệt như sắp bốc hỏa, tim đập nhanh, hơi thở gấp gáp, mồ hôi tứa ra như tắm bởi trong hầm lúc này nóng như "lò bát quái".
"Không khí ngột ngạt, nóng bức là do hầm chưa được đào thông. Những người thợ hầm như chúng tôi đã quá quen với điều kiện làm việc khắc nghiệt, vất vả như vậy rồi", ông Trương Công Đạt chia sẻ rồi tiếp tục dẫn chúng tôi đi bộ thêm khoảng 600m nữa vào phía trong, đến khu vực gương hầm.
Lúc này ở gương hầm, ông Bùi Hồng Vận - Tổ trưởng tổ khoan đang chỉ đạo các mũi thi công khoan hầm bằng thiết bị chuyên dụng của Tập đoàn Đèo Cả. Theo quan sát, sau khoảng hơn tiếng đồng hồ, tổ khoan được rút ra ngoài, thay thế là tổ đội cài thuốc nổ vào tiếp cận gương hầm để chuẩn bị cho công tác nổ mìn. Ngay khi thuốc nổ được cài xong, để đảm bảo an toàn, tất cả máy móc, nhân sự trong hầm đều được yêu cầu rút ra ngoài cửa hầm.
Sau những tiếng nổ chát chúa, quay trở lại gương hầm, trước mắt lúc này chúng tôi không phải là những viên đá vo tròn như đã từng được chứng kiến sau khi nổ mìn ở hầm Đèo Cả, Thung Thi, Trường Vinh… thay vào đó là hình ảnh đất đá lẫn lộn kèm theo những đống cát khổng lồ vẫn đang chảy từ phía trên xuống, bịt kín gương hầm. "Gần một tháng nay, ngày nào các mũi đào hầm cũng phải tình trạng địa chất yếu như vậy khiến công tác thi công gặp muôn vàn khó khăn, mỗi ngày chỉ đào được khoảng 0,5 - 1m thay vì 6 - 8m mỗi ngày như trước đây", ông Bùi Hồng Vận - Tổ trưởng tổ khoan hầm Tuy An (Tập đoàn Đèo Cả) chia sẻ và cho biết, ở 2 ống hầm phía Nam hầm Tuy An, Tập đoàn Đèo Cả đã đào được hơn 600m, còn lại khoảng 150m được dự báo gặp địa chất cực kỳ phức tạp, khó khăn.
Trao đổi với Tạp chí Giao thông vận tải, ông Trương Công Đạt cho biết thêm, công tác đào và gia cố hầm Tuy An hiện đạt sản lượng thi công khoảng 85%. Theo hồ sơ khảo sát ban đầu, hầm Tuy An xuyên qua lớp đá cứng và lượng đá này được tận dụng để xay nghiền làm lớp bê tông vỏ hầm, lớp cấp phối đá dăm.
Tuy nhiên, ngay khi nhà thầu bắt đầu tiếp cận thi công thì phát hiện địa chất hầm Tuy An khác xa so với khảo sát ban đầu khi địa chất thực tế hầm chủ yếu là đất sét, đá, cát và nước ngầm. "Tập đoàn Đèo Cả đã tham gia thi công rất nhiều hầm xuyên núi với điều kiện địa chất khác nhau như: Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân, Trường Vinh, Thung Thi… nhưng hầm Tuy An là lần đầu tiên chúng tôi gặp tình trạng địa chất phức tạp đến vậy", ông Đạt chia sẻ.
Theo đánh giá, hầm Tuy An là hầm có địa chất khó khăn, phức tạp thứ hai ở Việt Nam từ trước đến nay
Nhà thầu đào hầm tới đâu, chủ đầu tư sẽ phê duyệt đến đó
Theo ông Đạt, trong hồ sơ thiết kế ban đầu của dự án, địa chất hầm Tuy An là đá cứng, biện pháp thi công hầm là khoan nổ, gia cố bằng lưới thép E6 và phun bê tông gia cố vỏ hầm dày 10cm. Tuy nhiên, thực tế địa chất của hầm Tuy An chủ yếu là đất sét, đá, cát và nước ngầm nên trong quá trình thi công, nhà thầu đã phải thay đổi biện pháp gia cố.
Đặc biệt các khu vực gặp tình trạng sụt cát, nhà thầu sẽ tiến hành khoan neo tổ, phun bê tông và bơm vữa lấp đầy để đưa các khối đất, khối cát về trạng thái ổn định ban đầu. Đồng thời, nhà thầu chủ động khoan thăm dò trước để dự báo các bước tiếp theo nhằm chuẩn bị sắn phương án phù hợp và tập kết vật tư, vật liệu để ứng phó với đối với tình trạng khẩn cấp.
"Mặc dù hầm Tuy An gặp những vấn đề khó khăn về địa chất gây ảnh hưởng đến tiến độ đào và gia cố hầm nhưng đến thời điểm hiện tại Ban lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả vẫn quyết tâm chỉ đạo ban điều hành gói thầu phải bám sát tiến độ, rút ngắn thời gian hoàn thành hợp đồng 3 tháng theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ", ông Đạt nói.
Theo ông Đạt, để khắc phục khó khăn do gặp tình trạng địa chất yếu ở hầm Tuy An, Tập đoàn Đèo Cả đang triển khai thi công cuốn chiếu, tăng nhân sự gấp gần hai lần so với dự kiến. "Theo tính toán ban đầu chỉ cần khoảng 300 người để thi công ở hầm Tuy An, hiện nay nhà thầu phải tăng nhân sự lên hơn 500 người. Bên cạnh đó, biện pháp thi công hầm Tuy An buộc phải thay đổi do địa chất thực tế sai khác hoàn toàn so với lúc khảo sát, thiết kế ban đầu nên chi phí phát sinh ở gói thầu lên tới hàng trăm tỷ đồng, vượt chi phí dự phòng của gói thầu và Tập đoàn Đèo Cả đang phải tạm ứng trước phần chi phí này", ông Đạt nói và cho biết, nhà thầu đã có văn bản đề nghị Ban QLDA7 (chủ đầu tư), Bộ GTVT sớm phê duyệt chi phí dự phòng phát sinh để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
Trao đổi với Tạp chí Giao thông vận tải, ông Lê Quốc Dũng - Q.Giám đốc Ban QLDA7 (chủ đầu tư) cho biết, hầm là công trình thi công trong lòng núi, lúc khảo sát đơn vị tư vấn dùng điện toán, sóng âm để thăm dò, dự báo địa chất. "Lúc thăm dò địa chất hầm Tuy An là đá nhưng thực tế khi nhà thầu thi công tiến hành khoan thì phát hiện địa chất có sai khác với đơn vị khảo sát thăm dò là điều rất bình thường.
Địa chất khu vực Phú Yên rất phức tạp, ngay cả nhiều hầm đường sắt cũ vừa rồi nâng cấp cải tạo cũng liên tục gặp tình trạng sụt trượt trong hầm. Chúng tôi đã mời các chuyên gia hàng đầu về hầm đến công trình. Sau khi khảo sát, các chuyên gia đều nhận định hầm Tuy An là hầm có địa chất khó khăn, phức tạp thứ hai ở Việt Nam từ trước đến nay chỉ sau một hầm ở Sơn La", ông Dũng chia sẻ.
Thi công hầm Tuy An thuộc gói thầu XL01 cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong
Theo ông Dũng, để chủ động lường trước những yếu tố bất lợi về địa chất khi làm hầm, trong giai đoạn thẩm tra phê duyệt thiết kế, các đơn vị đã đưa rất nhiều giải phóng về kết cấu chống đỡ. Tùy theo mức độ địa chất ở từng gương hầm tương ứng với loại địa chất nào thì sử dụng kết cấu loại chống đỡ đó. Khi sử dụng loại kết cấu chống đỡ thực tế khác với thiết kế ban đầu, nếu chi phí phát sinh tăng lên so với dự toán cũng là chuyện rất bình thường.
"Ở thời điểm duyệt dự toán gói thầu thì chưa thể biết được địa chất và kết cấu chống đỡ thực tế khi thi công hầm Tuy An thế nào nên không thể đảm bảo dự toán duyệt đúng 100%. Trong quá trình thi công, tùy từng loại địa chất tương ứng với giải pháp sử dụng loại kết cấu chống đỡ, nhà thầu làm đào đến đâu chúng tôi sẽ phê duyệt đến đó để đảm bảo nhà thầu có nguồn tiền làm tiếp. Về mặt nguyên tắc, khi chi phí phát sinh khối lượng vượt dự phòng của gói thầu thì chúng tôi sẽ sử dụng dự phòng của dự án", ông Dũng chia sẻ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.