Thu phí không dừng lợi ích điển hình từ số hóa

Những tiện ích mà thu phí không dừng mang lại đang được cả xã hội ghi nhận như giảm UTGT, minh bạch trong công tác thu phí và tiết giảm chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp…


Để có kết quả như hôm nay, các cơ quan, đơn vị liên quan đã phải trải qua 5 năm kiên trì thực hiện mục tiêu, đặc biệt là sự đồng tình của người dân và doanh nghiệp trong tiến trình số  hóa ngành GTVT.

Thu phí không dừng lợi ích điển hình từ số hóa - Ảnh 1.

Tiện lợi trăm đường

Những ngày này, hàng nghìn lượt phương tiện lướt bon bon trên các tuyến cao tốc, mỗi khi qua trạm thu phí chỉ mất từ 3 - 5 giây để hệ thống đầu đọc nhận diện phương tiện, barie nhấc lên và các lái xe tiếp tục hành trình, thay vì trước đây phải mất thời gian lâu hơn nhiều với các thủ tục dừng xe mua vé, trả tiền thừa... - nguyên nhân gây ra UTGT tại các trạm thu phí, đặc biệt là các ngày cuối tuần, lễ, tết.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, anh Phạm Hồng Thủy - chủ xe kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh Ninh Bình - Hà Nội cho biết: "Trước đây, mỗi tháng khi đến hạn mua vé, những xe kinh doanh vận tải chúng tôi phải mất một buổi để đến các trạm thu phí mua vé tháng, đó là chưa kể nếu xe qua nhiều trạm thì cũng từng ấy lần làm thủ tục mua vé. Để tiết kiệm thời gian, chúng tôi phải thuê người mua vé chứ chúng tôi không thể bỏ khách, bỏ xe một ngày được. Từ khi có công nghệ thu phí không dừng, chúng tôi tiết giảm được khoản tiền này. Cứ đến ngày đóng phí, hệ thống tự động được cài trong tài khoản ngân hàng sẽ chuyển tiền cho các trạm thu phí, không phải thuê ai, không phải mất thời gian đi đóng tiền, thật vô cùng thuận tiện".

Ở một góc nhìn khác, ông Phí Kim Dũng - Giám đốc Công ty Vận tải Đa quốc gia chia sẻ: "Trước đây, khi có một lệnh vận chuyển theo trục Bắc - Nam, mỗi đầu xe chúng tôi phải chuẩn bị cho tài xế đầy đủ các chi phí dầu mỡ, tiền sinh hoạt dọc đường, phí cầu đường..., số tiền này lên đến 30 - 40 triệu cho một đầu xe. Tuy nhiên, chúng tôi không thể kiểm soát được lái xe thực tế đang đi đến đâu, liệu có kịp với thời gian giao hàng theo hợp đồng hay không? Đến nay, chúng tôi không phải lo lắng quá nhiều về những chi phí này vì tất cả đã được chuyển tiền qua tài khoản. Theo đó, mỗi đầu xe đến hạn mức tối thiểu là tiền tự động chuyển vào tài khoản, xe đi đến đâu chúng tôi biết đến đấy, chủ động nắm bắt được hành trình, thời gian. Vì vậy, dòng tiền của chúng tôi được sử dụng hợp lý hơn, tránh được thất thoát và bản thân tài xế cũng an tâm hơn khi phải mang theo một lượng tiền mặt lớn theo xe.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Hồ Trọng Vinh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cho biết, khi nói đến thu phí không dừng, chúng ta thấy ngay lợi ích mang lại là rất lớn. Với chủ xe thì tiết kiệm được thời gian, nhiên liệu, không gian, còn các đơn vị quản lý thì tiết kiệm được thời gian quản lý. Đặc biệt, tính minh bạch trong hoạt động thu phí là một trong những đặc điểm ưu việt nhất khi nhắc tới loại hình này. Hiện nay, cứ mỗi xe qua trạm từ chủ xe, nhà đầu tư BOT, ngân hàng, cơ quan quản lý đều có số liệu thống kê, dòng tiền tự động thanh khoản vào 9h sáng ngày hôm sau.

Kiên trì thực hiện mục tiêu

Như chúng ta đã biết, việc thu phí không dừng được thí điểm từ giai đoạn 2015 - 2017 và đến năm 2022 mới chính thức đi vào hoạt động. Năm năm qua là cả quá trình đầy gian nan, vất vả.

Theo ông Tô Nam Toàn - Trưởng phòng Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Cục ĐBVN) việc đưa công nghệ thu phí không dừng áp dụng vào thực tiễn không phải là khó nhưng hàng loạt nguyên nhân như: nguồn lực đầu tư ban đầu khi xây dựng các trạm tuyến BOT; năng lực nhà đầu tư có hạn khi hoàn thiện các trạm thu phí; xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp công nghệ thu phí, hành lang pháp lý về thu phí không dừng chưa được hoàn thiện; việc đàm phán giữa nhà đầu tư, ngân hàng kéo dài suốt hơn 2 năm; nhận thức của người dân, chủ phương tiện và các chủ đầu tư còn nhiều hạn chế về thu phí không dừng… dẫn đến việc triển khai thu phí không dừng diễn ra theo không đúng tiến độ ban đầu đặt ra.

Cũng theo ông Toàn, sau khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, đến ngày 01/8/2022, toàn quốc có 147 trạm thu phí với tổng số 857 làn thu phí đã được đầu tư, lắp đặt hoàn thiện thiết bị thu phí điện tử không dừng trên các tuyến cao tốc và quốc lộ. Tính đến ngày 15/11/2022, số lượng phương tiện đã được dán thẻ đầu cuối trên toàn quốc là 4.206.341, đạt 90,74% tổng lượng phương tiện đang lưu hành. "Đến hôm nay, có thể nói chúng ta đã hoàn thành giai đoạn I của việc chuyển đổi từ thu phí thủ công sang thu phí không dừng và chuẩn bị cho giai đoạn II là thu phí mở", ông Toàn nói.

Bài toán cho thu phí mở

Trong lần trả lời báo chí gần đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Chính phủ đã giao Bộ GTVT nghiên cứu đưa công nghệ vào áp dụng thay thế hình thức một dừng. Năm 2015, Bộ chính thức nghiên cứu và thí điểm thu phí không dừng vào thu phí đường bộ theo các lộ trình. Trước hết, đối với quốc lộ đã lắp trạm thu phí một dừng thì lộ trình đến năm 2023 toàn bộ sẽ lắp đặt thu phí không dừng, chỉ dành 1 làn hỗn hợp để xử lý cho thời kỳ quá độ, khi người dân chưa thực hiện đầy đủ. Đến năm 2025, sẽ thực hiện toàn bộ thu phí không dừng ở tất cả các trạm thu phí. Với tinh thần của Thủ tướng là sớm đưa công nghệ này vào triển khai đối với hệ thống đường cao tốc và hệ thống quốc lộ hiện hữu đang vận hành các trạm thu phí, Bộ GTVT đã có kế hoạch chi tiết để triển khai với các chủ đầu tư, cùng với các nhà cung cấp dịch vụ để có kế hoạch đáp ứng được tiến độ này.

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, theo ông Tô Nam Toàn, trong năm 2023, cơ quan quản lý sẽ tiến hành đàm phán với các ngân hàng để mở hành lang pháp lý cho việc trả sau (không dùng barie tại trạm, phương tiện đi qua đầu đọc thẻ nhận diện và thanh toán điện tử).

"Tuy nhiên, chúng tôi đang vướng một số vấn đề như: tỉ lệ thất thu (đối với phương tiện hết niên hạn, chủ xe không đóng tiền, xe nước ngoài vãng lai...), những rủi ro này thì ai chịu?, trong khi phía nhà đầu tư họ cần thu đúng, thu đủ. Còn vấn đề thanh khoản khi chủ xe dùng thẻ ngân hàng như Visa thì theo quy định sau 45 ngày mới hoàn trả, nhưng dịch vụ thanh toán hiện nay quy định từ 9h sáng ngày hôm trước đến 9h sáng ngày hôm sau là phải thanh toán, điều chuyển dòng tiền về cho các bên. Do đó, đây chính là những vướng mắc mà chúng tôi cần phải giải quyết khi chuyển sang giai đoạn II của thu phí không dừng là thu phí mở", ông Toàn nhấn mạnh.