Hôm nay (5/10), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đã có buổi tra hiện trường dự án tuyến tránh Long Xuyên trên địa bàn tỉnh An Giang.
Báo cáo tại hiện trường về tình hình triển khai thi công các gói thầu của dự án, đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận (đại diện chủ đầu tư) cho biết, gói thầu CW4A do liên danh Công ty CP Cầu 7 Thăng Long - Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn thực hiện. Sản lượng thực hiện đến nay đạt hơn 78 tỷ đồng (23,15%), chậm 1,15% so với kế hoạch.
Gói thầu CW4B do liên danh Công ty CP Xây dựng công trình 568 - Công ty CP Xây dựng và Thương mại 299 thực hiện. Sản lượng thi công đến nay đạt hơn 94 tỷ đồng (24,77%) chậm 0,14% so với kế hoạch.
Gói thầu CW4C do liên danh Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung - Công ty CP Tập đoàn Thành Huy - Công ty TNHH Như Nam đảm nhiệm. Sản lượng thực hiện đến nay đạt hơn 86 tỷ đồng (22,11%), chậm 7,10% so với kế hoạch.
Đồng thời, mặt bằng thi công trên toàn tuyến còn một số vướng mắc khiến các nhà thầu chưa huy động đồng loạt các mũi thi công vì e ngại chi phí phát sinh do thiết bị nằm chờ, vật tư tồn đọng (Công ty CP Cầu 7 Thăng Long, Công ty CP Xây dựng công trình 568, Công ty CP Xây dựng và Thương mại 299, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung, Công ty CP Tập đoàn Thành Huy, Công ty TNHH Như Nam).
Ngoài ra, nguồn tài chính của các nhà thầu huy động chưa kịp thời. Đặc biệt là các thành viên liên danh gói thầu CW 4C khi Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung và Công ty CP Tập đoàn Thành Huy chưa thống nhất về tài chính dẫn đến chậm đắp cát nền đường (chậm khoảng 2 tháng).
Phản hồi vấn đề này, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho rằng, hiện nay, đường găng dự án là đắp gia tải.
Tuy nhiên, các kiến nghị của nhà thầu đều đã được tháo gỡ. Đặc biệt, Cục QLXD đã hỗ trợ kỹ thuật, vật liệu cát cũng được UBND tỉnh An Giang ra văn bản để nhà thầu có thể lấy nhanh nhất để đưa đến công trình, nhưng việc chậm tiến độ hiện nay vẫn không được khắc phục.
"Vấn đề cốt lõi là có một số các nhà thầu đang có biểu hiện bỏ dở không tập trung thi công. Do đó, Bộ GTVT và Ban QLDA Mỹ Thuận sẽ có các biện pháp xử lý như cắt giảm và điều chuyển khối lượng cho các nhà thầu khác", ông Thi nói.
Không đồng tình với những lý do của các nhà thầu đưa ra, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nói thẳng: "Các nhà thầu không được đổ lỗi cho giải phóng mặt bằng chậm hoặc các lý do khác. Dự án có chiều dài chỉ hơn 15km không bằng một gói thầu của cao tốc Bắc - Nam, mà có đến hơn 10 nhà thầu cả chính lẫn phụ thực hiện. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay khối thượng thi công của các dự án không đáng kể là điều không thể chấp nhận được".
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, việc đắp gia tải giai đoạn 1 của dự án nếu không kết thúc trong tháng 10/2022 thì không thể hoàn thành dự án theo kế hoạch vào 31/12/2023, bởi thời gian gia tải giai đoạn 2 là 12 tháng. Từ đó, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm yêu cầu các nhà thầu phải tăng cường máy móc, thiết bị, nhân sự, tăng ca, tăng kíp, tập trung đẩy nhanh thi công nhằm kéo lại phần tiến độ đã bị chậm. "Ban QLDA Mỹ Thuận phải kiểm soát chặt chẽ tiến độ và chất lượng thi công của các nhà thầu và xử lý nghiêm theo quy định đối với những nhà thầu vi phạm hợp đồng", Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm chỉ đạo.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.