Thủ tướng chỉ đạo gỡ khó nguồn vật liệu làm cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 30/01/2023 21:08

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh việc cấp các mỏ nguyên vật liệu, xử lý nghiêm các sai phạm.


Chiều ngày 30/1, tại TP.Cần Thơ, sau khi đi kiểm tra một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với các bộ, ngành và 9 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu

tại buổi làm việc

Cần gần 48 triệu m3 vật liệu đắp nền cao tốc 
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2025, cả nước có 3.000 km cao tốc và tới năm 2030 có ít nhất 5.000 km cao tốc. Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã bố trí được khoảng 480.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước cho phát triển hạ tầng giao thông, cao gấp 3 lần so với nhiệm kỳ trước.
Theo Thủ tướng, hiện nay, khu vực ĐBSCL là khu vực có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, giàu tiềm năng, nhưng cũng là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên cả nước. "Chúng ta phải tháo gỡ nút thắt về phát triển hạ tầng làm thay đổi hệ thống giao thông tại miền Tây, nhất là hệ thống đường cao tốc", Thủ tướng nói.
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, hiện nay, có 3 công trình giao thông lớn tại khu vực đang triển khai. Trong đó, dự án Cầu Mỹ Thuận 2 có tổng chiều dài khoảng 6,61km đi qua địa bàn 02 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. 
Đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ, với chiều dài 22,97km, đi qua địa phận 2 tỉnh Vĩnh Long (12,53km) và Đồng Tháp (10,44km).
Đối với đoạn Cần Thơ - Cà Mau khởi công từ đầu năm nay, tổng chiều dài 110,87km tuyến chính và 25,9km tuyến nối. Dự án đi qua địa phận 05 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. 
Các tuyến cao tốc còn lại như trục ngang, cao tốc phía Tây,… Bộ GTVT đã và đang tổ chức lập, trình thẩm định dự án đầu tư. Tuy nhiên, thách thức lớn đang đặt ra là nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường của các dự án đường cao tốc trong khu vực ĐBSCL triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 là rất lớn, khoảng 47,81 triệu m3. 
Các địa phương đã có kế hoạch bố trí đủ nguồn vật liệu cát đắp nền đối với các dự án do địa phương là cơ quan chủ quản. Riêng dự án thành phần đoạn từ thành phố Cần Thơ đến Cà Mau, tổng nhu cầu cát đắp nền khoảng 18,5 triệu m3, hiện mới có tỉnh An Giang dự kiến cung cấp một phần.
 Để đảm bảo tiến độ triển khai dự án theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã chủ trì cùng Bộ GTVT kiểm tra hiện trường, làm việc với các địa phương và đề nghị rà soát, nâng công suất các mỏ đã cấp phép khai thác. Đồng thời, các tỉnh rà soát các khu vực chưa cấp phép để bổ sung mỏ vật liệu nhằm cung cấp nguồn vật liệu san lấp cho các dự án. 
Việc cung cấp này phải dựa theo nguyên tắc dự án nào khởi công trước thì ưu tiên phân bổ trước. 

Khai thác cát trên sông Tiền thuộc địa bàn 

tỉnh Vĩnh Long

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ chia sẻ thêm, hiện nay, các mỏ cát trên địa bàn thành phố Cần Thơ không đáp ứng được tiêu chí kỹ thuật của cát dành cho dự án đường cao tốc (cát có quá nhiều tạp chất hữu cơ, bùn). 
Do đó, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã có Công văn gửi Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ nguồn vật liệu cát sử dụng cho dự án.
Xử nghiêm các sai phạm về quản lý mỏ vật liệu
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định: "Chưa bao giờ khu vực ĐBSCL có nhiều dự án giao thông đến như hiện nay. Để hoàn thành được khối lượng công việc lớn này, là một thách thức cho ngành giao thông".

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chia sẻ khó khăn khi thi công tại khu vực ĐBSCL do khan hiếm vật liệu, nền đất yếu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, khó khăn lớn nhất là nguồn vốn đã được giải quyết, nhưng nguồn vật liệu vẫn gặp khó. Khảo sát hiện nay nhu cầu xây dựng các dự án giao thông chỉ bằng 50% so với trữ lượng. “Nếu chúng ta không làm nhanh, để dự án càng kéo dài thì sẽ không phát huy hết hiệu quả của các dự án khác”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng chia sẻ, khu vực ĐBSCL là nơi thi công khó khăn nhất, trong đó các biện pháp kỹ thuật cần rất nhiều thời gian để chờ lún, để gia tải. Do vậy, các địa phương cần phối hợp với Bộ GTVT và cố gắng tập trung làm nhanh nhất các dự án, tuyệt đối không thể để “thời gian chết”, không để sức ép tiến độ về sau gây ảnh hưởng cho chất lượng công trình. 
Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Từ tầm quan trọng của các dự án như vậy, chúng ta không bàn lùi, không chần chừ, không do dự, phải làm bằng được, đạt kết quả cụ thể. Quan điểm chỉ đạo là tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, làm càng sớm càng có lợi".
Đối với những khó khăn trong nguồn vật liệu cát đắp tại khu vực, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, nguyên vật liệu là sở hữu của toàn dân dù ở tỉnh nào. Việc khai thác như thế nào chính là sự điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước. Các bên cần phối hợp với nhau, thực hiện tinh thần đoàn kết, vì mục tiêu chung của khu vực và là nhiện vụ chính trị quan trọng.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh việc cấp các mỏ nguyên vật liệu, xử lý nghiêm các sai phạm, không để tình trạng tài nguyên là của đất nước, của nhân dân nhưng nhiều mỏ đất, đá… lại giao tư nhân quản lý và lợi dụng để "bắt chẹt", nâng giá, gây khan hiếm nguyên vật liệu, ảnh hưởng tới tiến độ dự án. 
"Các địa phương phải tăng cường phối hợp, nếu địa phương nào không đủ nguyên vật liệu thì liên hệ với các địa phương khác để bàn bạc. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương trong thứ tự ưu tiên cho các dự án", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng biểu dương Bộ GTVT, các cơ quan liên quan, các địa phương vùng ĐBSCL đã nỗ lực, huy động tối đa điều kiện có thể để chuẩn bị đầu tư các dự án cao tốc. "Đến thời điểm này chúng ta có thể hài lòng với công tác chuẩn bị, trong đó có khâu giải phóng mặt bằng", Thủ tướng nói.
Khẳng định công tác giải phóng mặt bằng có ý nghĩa quyết định tới tiến độ các dự án, nhưng cũng là vấn đề nan giải nhất với các dự án hạ tầng chiến lược, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành tập trung GPMB, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân bị ảnh hưởng và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. "Phải bảo đảm nơi ở mới của người dân tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Đây cũng là cơ hội để tiến hành tái cơ cấu các khu dân cư ngày càng khang trang, sạch đẹp", Thủ tướng nhấn mạnh.
Ý kiến của bạn

Bình luận