Chất lượng dịch vụ tốt, đường sắt được hành khách tin tưởng hơn
Chiều 9/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tổng Công ty Đường sắt VN. Đồng chủ trì hội nghị có Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐTV Đặng Sỹ Mạnh và Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) Hoàng Gia Khánh.
Trước khi đến hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến ga Hà Nội, hỏi chuyện nhân viên đường sắt và khách đi tàu. Chia sẻ tại hội nghị, Thủ tướng cho biết, dù chưa khảo sát nhiều nhưng qua hỏi chuyện khách đi tàu, nhân viên đường sắt và báo cáo của VNR cho thấy đường sắt có sự đổi mới, tiến bộ về chất lượng dịch vụ vận tải, được hành khách tin tưởng hơn, thu nhập của người lao động tăng hơn năm trước. Những phong trào mà Tổng Công ty Đường sắt VN phát động như "Đường tàu – Đường hoa", "Mỗi khu ga - Một điểm đến" vừa gần gũi và có tính hiệu triệu, lan tỏa, hưởng ứng rộng khắp. "Tôi cảm ơn, ghi nhận, đánh giá cao Tổng Công ty Đường sắt VN có nhiều tiến bộ trong năm 2023", Thủ tướng nói, gửi lời chúc mừng đến toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động ngành đường sắt.
Theo Thủ tướng, VNR được quản lý vốn bởi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ, ngành khác, có thể gọi là "song trùng quản lý". Trước mô hình này, VNR cũng đã được áp dụng với 2 mô hình quản lý khác và đến nay hoạt động không thua lỗ, giải quyết hiệu quả vấn đề tài chính, con người. Do đó, trước mắt tiếp tục duy trì theo mô hình trên nhưng đặt ra yêu cầu phải hiệu quả hơn. Trong tổ chức mô hình, bộ máy không nên chủ quan, nóng vội và cũng không cầu toàn với mô hình tổ chức bộ máy, đề cập.
"Trước mắt còn nhiều khó khăn, những cái đạt được là bước đầu khởi sắc rất quan trọng, chứng minh được rằng, nếu muốn làm, quết tâm làm, có phương pháp làm sẽ làm được. Đây là yếu tố quan trọng nhất. Tôi đánh giá cao tinh thần này.
Cơ chế chính sách chưa thay đổi nhưng hiệu quả thay đổi, chất lượng thay đổi, ý thức con người thay đổi. Từ khí thế này cần thổi hồn cho nó, quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn, chắc chắc có kết quả tốt hơn. Chúng ta không được lơ là chủ quan, không say sưa với kết quả đạt được mà cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn để có kết quả cao hơn so với năm 2023", Thủ tướng nói, yêu cầu VNR tiếp tục khai thác tốt hơn giá trị gia tăng của hệ thống nhà ga, hạ tầng đường sắt, dịch vụ đường sắt.
Trước những hạn chế, lạc hậu của hệ thống đường sắt, Thủ tướng cho biết, Bộ Chính trị đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao, Bộ GTVT đang xây dựng đề án, VNR cần phối hợp chặt chẽ để trình bằng được dự án này. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và VNR phải quyết tâm để làm, có đột phá về tư duy, quyết tâm lớn, biết cách huy động nguồn lực để tạo thay đổi và đột phá cho ngành đường sắt.
"Tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, hành động quyết liệt, tư tưởng thông, quyết tâm cao thì mới làm được, vừa giải quyét khâu trước mắt vừa bảo đảm lâu dài, vừa nhanh nhưng phải bền vững. Tổng Công ty Đường sắt VN phải có tư tưởng mới, quyết tâm mới, động lực mới, khí thế mới và phải có thắng lợi mới. Để có đường sắt tốc độ cao như nghị quyết của Đảng đề ra, ngành đường sắt phải đặt trong sự vận động, phát triển, chọn hướng đi làm sao đi sau nhưng về trước, tận dụng lợi thế để đi nhanh hơn, bền vững hơn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu VNR tiếp tục thực hiện hiệu quả sứ mệnh là vai trò nòng cốt trong sử dụng hiệu quả tài sản đường sắt, chú trọng xây nền tảng công nghiệp đường sắt. Khẩn trương triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025, triển khai đề án tái cơ cấu VNR giai đoạn đến 2025. Khẩn trương nhanh chóng nắm bắt cơ hội đổi mới tư duy, hoàn thành tái cơ cấu, nâng cao chất lượng dịch vụ, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
"Tôi đề nghị tập trung "3 tái cơ cấu" đối với Tổng Công ty Đường sắt VN. Thứ nhất, Bộ GTVT, Ủy ban quản lý vốn phối hợp với tổ chức, cơ cấu lại phương pháp quản trị hiện đại, phù hợp hoàn cảnh của Việt Nam, chức năng nhiệm vụ Tổng Công ty Đường sắt VN. Thứ hai, cơ cấu lại tài chính, tài sản hiện có để khai thác, sử dụng hiệu quả hơn và có lợi nhất đối với tài sản, tài chính của đang có, bảo đảm hiệu quả, có lợi nhất cho sự phát triển trước mắt và lâu dài, mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
Thứ ba, tái cơ cấu lại vận hành và tổ chức bộ máy phù hợp với kinh tế thị trường, tái cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giảm số lượng, tăng chất lượng. Sắp xếp, tổ chức lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp kinh tế thị trường, tinh giản biên chế nhưng nâng cao chất lượng, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức viên chức phù hợp kinh tế thị trường", Thủ tướng chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với VNR, góp phần quá trình tái cơ cấu, làm mới lại các động lực cũ, bổ sung thêm động lực mới, với các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức… khôi phục các nhà ga, mở rộng trong vận tải quốc tế.
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng định hướng một số nội dung khác, chỉ đạo các bộ, ngành ghi nhận kiến nghị của VNR để xem xét, giải quyết theo tinh thần "vướng ở đâu gỡ ở đó".
Doanh thu VNR tăng, nhiều đổi mới, sáng tạo
Trước đó, theo báo cáo của VNR, vận tải hàng hóa bằng đường sắt trong năm 2023 đạt 4,6 triệu tấn (bằng 81,8% cùng kỳ), vận chuyển hành khách đạt 6,1 triệu lượt, bằng 135,1% cùng kỳ, doanh thu đạt 8.503,8 tỷ đồng (đạt 101,7% kế hoạch năm), trong đó công ty mẹ đạt 6.247 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 94,8 tỷ đồng.
"Do thực hiện các biện pháp thắt chặt quản trị doanh nghiệp nên dù doanh thu chỉ đạt 96% chỉ tiêu kế hoạch nhưng chỉ tiêu lợi nhuận đảm bảo hoàn thành vượt kế hoạch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao (150%)", theo VNR.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp VNR sản xuất kinh doanh có lãi, mang lại thu nhập bình quân người lao động (toàn tổng công ty là hơn 22.000 người) đạt 9,5 triệu đồng/người/tháng (đạt 105,2% so với cùng kỳ).
Để đạt được kết quả trên, VNR triển khai nhiều giải pháp mới trong hoạt động vận tải. Cụ thể, về vận tải hành khách: tận dụng tối đa năng lực chạy tàu, chủ động xây dựng giá vé linh hoạt, thực hiện nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn; tập trung nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút khách hàng, cắt giảm tối đa toa xe để tiết kiệm chi phí vào các thời kỳ thấp điểm. Đẩy mạnh khai thác hành lý, hàng hóa nối theo tàu khách, dịch vụ vận chuyển hàng lẻ từ nhà đến nhà. Có nhiều chính sách để thu hút các đối tác thuê nguyên toa từ các doanh nghiệp tổ chức du lịch; các sản phẩm du lịch trải nghiệm bằng đường sắt như tour ẩm thực tuyến Hà Nội - Hải Phòng, tàu chất lượng cao cấp tuyến Hà Nội - Đà Nẵng…
Hoàn thiện và phát triển hệ thống phần mềm bán vé điện tử, tổ chức bán vé tàu rộng rãi trên các trang mạng, mở rộng mô hình bán vé với các đối tác liên kết (đối tác thứ 3), bán vé trên app điện thoại, cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng trên hệ thống bán vé điện tử, triển khai ki-ốt bán vé tự động … tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc tiếp cận và mua vé cho khách đi tàu.
Về vận tải hàng hóa: chủ động tiếp cận với luồng khách, luồng hàng tại các khu công nghiệp; bên cạnh việc duy trì và tổ chức vận tải theo kế hoạch đối với các luồng hàng truyền thống (như apatit, phân bón, than, gạo, muối…). Phối hợp ưu tiên chạy tàu hàng chuyên tuyến, vận chuyển hàng liên vận quốc tế và chạy thêm các đoàn tàu hàng thường; triển khai hệ thống phần mềm quản trị hàng hóa nhằm quản lý, sử dụng có hiệu quả toa xe và công tác kinh doanh vận tải hàng hóa đạt hiệu quả cao nhất.
Năm 2024, toàn Tổng Công ty VNR quyết tâm hoàn thành kế hoạch được Ủy ban Quản lý vốn NN tại doanh nghiệp giao, phấn đấu duy trì đà tăng trưởng của các chỉ tiêu hợp nhất về doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của người lao động, hoàn thành nghĩa vụ nộp Ngân sách Nhà nước và thực hiện tốt nhiệm vụ công ích về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt. Riêng đối với công ty mẹ, phấn đấu doanh thu đạt 5.883 tỷ đồng, trong đó tăng sản lượng vận tải khoảng 7,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 05 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ.
Năm 2023, VNR hoàn thành nhiệm vụ công ích về quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt. Tình hình trật tự ATGT đường sắt được kiềm chế, TNGT giảm hơn 5% trên 3 tiêu chí: xảy 205 số vụ (giảm 11 vụ, 5,1%), 81 người chết, giảm 5 người (5,8%); bị thương 119 người (giảm 7 người, 5,6%).
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.