Thực trạng quản lý, khai thác du thuyền ở Việt Nam: Kỳ cuối - Loạt giải pháp, lộ trình thí điểm

Tác giả: Bình Minh

saosaosaosaosao
Hàng hải 10/01/2025 12:04

Dù khái niệm "du thuyền" còn khá mới ở Việt Nam nhưng thị trường này hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển ở nước ta, trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế của hệ thống đường thủy, các vịnh biển…

Loạt giải pháp về quản lý

Thực trạng quản lý, khai thác du thuyền ở Việt Nam: Kỳ cuối – Giải pháp và lộ trình thí điểm - Ảnh 1.

TP. Hồ Chí Minh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hoạt động du thuyền

Trên cơ sở phân tích, đánh giá các tồn tại, khó khăn vướng mắc liên quan đến quản lý hoạt động du thuyền, Cục Hàng hải VN đề xuất một loạt nhóm giải pháp. Những giải pháp này được đề cập chi tiết tại Đề án quản lý du thuyền vừa được Bộ GTVT phê duyệt mới đây.

Theo đó, về đăng ký phương tiện, nghiên cứu bổ sung quy định đăng ký phương tiện du thuyền phù hợp với khái niệm du thuyền đã được xác định "Phương tiện du thuyền là tàu thuyền có công dụng chở người được sử dụng với mục đích phục vụ vui chơi, giải trí, thể thao, du lịch". Trong đó, phạm vi hoạt động đối với từng loại phương tiện được thể hiện rõ trong giấy đăng ký chứng nhận phương tiện trên cơ sở thông số, kỹ thuật của nhà sản xuất cũng như chứng nhận kỹ thuật của phương tiện.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 171/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 86/2020/NĐ-CP ngày 23/7/2020) bổ sung phần quy định đăng ký, tuổi của du thuyền.

Về đăng kiểm phương tiện du thuyền, nghiên cứu, bổ sung quy định về kiểm tra, chứng nhận đối với phương tiện du thuyền, trong đó hướng tới việc công nhận các chứng nhận quốc tế như Directive 2013/53/EU của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu.

Về định biên thuyền viên, nghiên cứu, bổ sung quy định về chức danh và nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên; định biên an toàn tối thiểu; tiêu chuẩn chuyên môn và chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên đối với phương tiện du thuyền. Trong đó hướng tới điều chỉnh giảm số lượng định biên thuyền viên tối thiểu trên du thuyền phù hợp với tính chất, điều kiện khai thác và khu vực hoạt động của du thuyền.

Xây dựng Thông tư quy định điều kiện của cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên điều khiển du thuyền, quy định chi tiết về chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên làm việc trên du thuyền; tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyênmôn của thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu cho thuyền viên làm việc trên du thuyền.

Triển khai xây dựng chương trình đào tạo và cấp giấy chứng nhận đào tạo du thuyền, đồng thời xây dựng quy định về định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện du thuyền phù hợp với tiêu chuẩn chuyên môn và chứng chỉ chuyên môn của người điều khiển du thuyền.

Về quy định thủ tục ra vào cảng, bến, xem xét miễn giảm một số thủ tục đối với du thuyền khi ra vào cảng, bến; trực ca trên; hoạt động lặn vệ sinh phần dưới nước của du thuyền. Theo đó, du thuyền rời khu vực hàng hải trong một vùng nước cảng biển thì Cảng vụ hàng hải thực hiện thủ tục vào, rời cảng một lần cho tàu thuyền; Du thuyền hoạt động trong vùng nước cảng biển thì Cảng vụ hàng hải cấp lệnh điều động bằng văn bản theo quy định.

Du thuyền khi thực hiện các hoạt động lặn vệ sinh phần dưới nước khi đang neo đậu tại cảng, bến dành riêng cho du thuyền được miễn thủ tục xin phép thực hiện. Chủ cảng, bến dành riêng cho tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể thao, tàuthuyền du lịch của cá nhân chịu trách nhiệm thông báo kế hoạch lặn vệ sinh, báocáo kết quả thực hiện bằng văn bản hoặc fax hoặc email cho Cảng vụ hàng hải.

Du thuyền khi đang neo tại cảng, bến dành riêng cho du thuyền và chủ cảng, bến bố trí nhân lực cảnh giới chu đáo, sẵn sàng điều động, đảm bảo an toàn thì không phải thực hiện bố trí trực ca.

Phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du thuyền

Cùng với những quy định về quản lý, quy hoạch tốt bến du thuyền cũng sẽ tạo sức bật giúp kinh tế du lịch vùng phát triển theo bởi hệ tiện ích mang tiêu chuẩn quốc tế đi kèm với thành phố/vịnh du thuyền sẽ tạo ra một thành phố sôi động, nhộn nhịp với nhiều hoạt động vui chơi giải trí thu hút khách suốt 24 giờ.

Thực trạng quản lý, khai thác du thuyền ở Việt Nam: Kỳ cuối – Giải pháp và lộ trình thí điểm - Ảnh 2.

Bến cảng Công viên bến du thuyền quốc tế Ana Marina (Nha Trang, Khánh Hòa)

Vì vậy, về lâu dài cần đầu tư phát triển các bến du thuyền với công năng tiếp nhận các du thuyền trong và ngoài nước phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, kèm theo các dịch vụ thương mại, giải trí, vui chơi, ăn uống, thúc đẩy loại hình du lịch chất lượng, đa dạng hóa dịch vụ, mang lại tiềm lực kinh tế mới cho quốc gia.

Trường hợp bến du thuyền nằm ngoài vùng nước cảng biển, vùng nướcđường thuỷ nội địa thì UBND cấp tỉnh thoả thuận vị trí vùng nước neo đậu, khu neo đậu phương tiện thuỷ (vùng nước gần bờ, nằm ngoài phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa và hàng hải, không thuộc các quy hoạch có liên quan).

Các bến du thuyền sau khi được Quy hoạch, cần được đầu tư xây dựng theo Quy chuẩn về Bến du thuyền và công bố hoạt động theo Quy chuẩn, đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh Bến du thuyền.

Theo đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung QCVN 107:2021/BGTVT ban hành kèm theoThông tư số 08/2021/TT-BGTVT ngày 19/4/2021 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cảng biển trong đó bổ sung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cảng, bến du thuyền (Hiệu chỉnh, nâng cấp TCCS 05: 2014/CHHVN Cảng du thuyền - Yêu cầu thiết kế ban hành kèm theo Quyết định số 1247/QĐ-CHHVN ngày 15/12/2014).

Phát triển hoạt động thương mại, giá dịch vụ

Thực trạng quản lý, khai thác du thuyền ở Việt Nam: Kỳ cuối – Giải pháp và lộ trình thí điểm - Ảnh 3.

Bến du thuyền Lan Anh (phường Bình An, TP.Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh)

Đối với việc phát triển hoạt động thương mại, cần rà soát và nghiên cứu bổ sung quy định về tuổi của du thuyền tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 171/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ và Nghị định số 86/2020/NĐ-CP ngày 23/7/2020 của Chính phủ quy định. Trong đó đề xuất điều chỉnh tuổi của du thuyền như sau:

Tuổi của du thuyền mang cờ quốc tịch nước ngoài đã qua sử dụng khi đăng ký tại Việt Nam không được quá 15 năm; Trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định nhưng không quá 25 năm.

Giới hạn về tuổi du thuyền không áp dụng đối với du thuyền mang cờ quốc tịch nước ngoài, thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài được bán đấu giá tại Việt Nam theo quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền.

Giới hạn về tuổi du thuyền không áp dụng trong trường hợp du thuyền mang cờ quốc tịch Việt Nam và thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam đã xóa đăng ký quốc tịch Việt Nam để đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài theo hình thức cho thuê tàu trần.

Đối với việc phát triển hoạt động dịch vụ du thuyền, cần quy định giá neo đậu và các dịch vụ khác tại các bến du thuyền do doanh nghiệp cảng, bến du thuyền xây dựng theo quy định pháp luật về giá. Vì theo thông lệ các bến du thuyền quốc tế, cơ sở để tính giá bến đậu là theo chiều dài tàu. Ngoài ra, giá neo đậu thường thay đổi không theo giá cố định, sự thay đổi này tuỳ thuộc vào mùa (có sự khác biệt giữa mùa cao điểm – mùa du lịch và mùa thấp điểm); thời hạn hợp đồng neo đậu; vị trí bến đỗ (trong bến du thuyền các vị trí đỗ trung tâm, đẹp thường có giá cao hơn so với các vị trí khác).

Ngoài ra, nghiên cứu bổ sung quy định giá sử dụng dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo cho du thuyền theo quy định tại Thông tư số 12/2024/TT-BGTVT ngày 15/5/2024 và Thông tư số 31/2024/TT-BGTVT ngày 31/10/2024 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam và tại các Quyết định khung giá dịch vụ tại cảng biển của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Đề xuất lộ trình thí điểm quản lý du thuyền ở Việt Nam

Thực trạng quản lý, khai thác du thuyền ở Việt Nam: Kỳ cuối – Giải pháp và lộ trình thí điểm - Ảnh 4.

Với việc tầng lớp trung lưu và giới siêu giàu ngày càng tăng, thị trường du thuyền ở Việt Nam dự báo sôi động trong 4 - 5 năm tới

Theo đề xuất của Cục Hàng hải VN, giai đoạn 2025 – 2026: Thí điểm thực hiện quản lý hoạt động của du thuyền tại khu vực một số khu vực trọng điểm, có tiềm năng phát triển du lịch biển mạnh mẽ và cơ sở hạ tầng phù hợp trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh, thành phố có tiềm năng phát triển du lịch du thuyền và xây dựng Phương án thí điểm trình Bộ GTVT thẩm định báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Giai đoạn 2025 – 2030: Từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến du thuyền.

Tổ chức nghiên cứu triển khai từng bước, đánh giá kịp thời và điều chỉnh hiệu quả việc thí điểm quản lý du thuyền tại Việt Nam. Trong đó tập trung vào một số khu vực trọng điểm, có tiềm năng phát triển du lịch biển mạnh mẽ và cơ sở hạ tầng phù hợp.

Phương án thí điểm cần được xây dựng chi tiết, bao gồm các chỉ tiêu cụ thể, kế hoạch thực hiện và cơ chế giám sát. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp là yếu tố quyết định thành công của phương án thí điểm.

UBND tỉnh, thành phố có tiềm năng phát triển du lịch du thuyền đề xuất và xây dựng Phương án thí điểm trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Nguyên tắc thí điểm là ưu tiên phát triển du thuyền cao cấp, dịch vụ chất lượng cao, hướng đến khách du lịch quốc tế tại khu vực có tiềm năng lớn, cảnh quan đẹp và đã có một số kết cấu hạ tầng sẵn có.

Phát triển du thuyền kết hợp với các hoạt động du lịch khác như lặn biển, câu cá, tham quan đảo.

Phát triển du thuyền kết hợp với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, hướng đến đa dạng hóa sản phẩm du lịch và thu hút nhiều phân khúc khách hàng.

Những nội dung thí điểm chính gồm:

Mô hình quản lý: Áp dụng mô hình quản lý hiện đại, minh bạch, hiệu quả, có sự tham gia của cả chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng. Có thể tham khảo mô hình quản lý du thuyền của các quốc gia phát triển trong khu vực.

Quy trình đăng ký, đăng kiểm: Rút gọn thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình đăng ký, đăng kiểm du thuyền; ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý hiệu quả.

Cơ chế thu phí, quản lý môi trường: Thiết lập cơ chế thu phí hợp lý, minh bạch, đảm bảo nguồn lực cho hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường; thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường biển.

Đào tạo nguồn nhân lực: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về vận hành, bảo trì, sửa chữa du thuyền, hướng dẫn viên du lịch, quản lý bến cảng…

Xúc tiến quảng bá, thu hút đầu tư: Thực hiện các chương trình quảng bá du lịch du thuyền tại các thị trường mục tiêu.

Thời gian thí điểm: Từ 1 đến 2 năm. Sau thời gian thí điểm, cần đánh giá toàn diện hiệu quả của mô hình quản lý, quy trình, cơ chế chính sách, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và có thể nhân rộng ra các khu vực khác.

Liên quan đến giải pháp phát triển nguồn nhân lực, Cục Hàng hải VN đề xuất xây dựng Thông tư quy định điều kiện của cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên lái du thuyền, quy định chi tiết về chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên làm việc trên du thuyền; tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyênmôn của thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu cho thuyền viên làm việc trên du thuyền.

Đồng thời, thống nhất các tiêu chuẩn quốc tế: Kết nối với các tổ chức quốc tế (như IMO) để đảm bảo chứng chỉ và tiêu chuẩn của Việt Nam tương thích với tiêu chuẩn toàn cầu, giúp người điều khiển phương tiện du thuyền có khả năng làm việc trong các đội tàu quốc tế.