Lấy việc thay đổi hành vi làm thước đo
Nhìn lại công tác đảm bảo trật tự ATGT năm 2022, theo ông có điều gì đặc biệt?
Ông Khuất Việt Hùng: Năm 2022, kinh tế đất nước phục hồi, hoạt động giao thông đã trở lại bình thường, do đó việc đánh giá, so sánh với năm 2019 sẽ phù hợp hơn, bởi hai năm 2020 - 2021 chúng ta vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, việc đi lại bị hạn chế ở nhiều địa phương. Chính vì vậy, nếu so sánh với tình hình TNGT năm 2021 thì năm vừa qua TNGT có tăng. Nhưng nếu so với năm 2019 thì TNGT năm 2022 lại giảm rất sâu cả 3 tiêu chí. Đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.
Điều đáng tiếc là khi kinh tế phục hồi, một số thói quen tốt được thiết lập từ trước (chẳng hạn như việc không sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông) phần nào không còn giữ được nếp. Một số địa phương có xu hướng tập trung cho phát triển kinh tế nên có phần lơ là hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông.
Nhưng chắc đó chỉ là bộ phận nhỏ hoặc mang tính thời điểm, bởi thực tế TNGT vẫn được kiềm chế khá tốt so với thời điểm trước dịch, vậy đâu là "điểm sáng" trong công tác đảm bảo trật tự ATGT năm qua, thưa ông?
Ông Khuất Việt Hùng: Đã có rất nhiều chỉ đạo từ Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT, Bộ Công an nhưng trong đó trọng tâm là Kế hoạch 299 của Bộ Công an đã đánh trúng vào hành vi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến TNGT như các chuyên đề: vi phạm tốc độ; vi phạm nồng độ cồn, ma túy; kiểm soát tải trọng phương tiện..., qua đó đã giúp kéo giảm TNGT đáng kể.
Trong khi đó, Bộ GTVT bên cạnh việc đẩy mạnh tiến độ chất lượng công trình đầu tư trọng điểm cũng đã chỉ đạo phải làm tốt công tác bảo trì, bảo đảm ATGT, khắc phục xử lý các "điểm đen" tiềm ẩn TNGT. Thêm vào đó, các địa phương cũng vào cuộc quyết liệt, giúp cơ sở hạ tầng giao thông được đảm bảo, môi trường giao thông an toàn hơn.
Các bộ, ngành liên quan cũng hết sức nỗ lực, góp sức đẩy lùi, kéo giảm TNGT. Chẳng hạn như ngành Y tế, mặc dù gặp khó khăn trong cơ chế đấu thầu thuốc nhưng tất cả các nạn nhân TNGT khi đưa vào các cơ sở y tế đều được cứu chữa, điều trị kịp thời, qua đó hạn chế thiệt hại về người. Với các đoàn thể xã hội như: Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ... cũng tích cực và rất quan tâm đến công tác vận động, tuyên truyền, góp phần chuyển biến tích cực tình hình trật tự ATGT.
Lâu nay vẫn có cảm giác việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật trật tự ATGT còn mang tính hình thức, chẳng hạn như việc ký cam kết đảm bảo ATGT cho phụ huynh, học sinh. Theo ông, làm thế nào để khắc phục điều này?
Ông Khuất Việt Hùng: Đúng là có tình trạng ký cam kết nhưng thiếu kiểm tra, giám sát nên hiệu quả không cao, thậm chí có người ký cam kết xong cũng không biết mình để bản cam kết ở đâu. Vì vậy, phải thay đổi cách thức, đi vào thực chất.
Ví dụ, một doanh nghiệp có 1.000 công nhân, nếu người chủ doanh nghiệp quan tâm, yêu cầu công nhân đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm, đã uống rượu bia không lái xe thì chắc chắn 1.000 công nhân đó sẽ an toàn hơn so với 1.000 người của đơn vị khác mà người chủ doanh nghiệp thiếu sự quan tâm. Ngay đối với cơ quan hành chính, người đứng đầu nhắc nhở, nêu gương thì chắc chắn người lao động cơ quan đó sẽ an toàn hơn. Chúng ta cần lấy việc thay đổi hành vi làm thước đo, đánh giá, chứ không phải lấy con số tuyên truyền được cho bao nhiêu người.
Để có văn hóa giao thông, trước hết phải thượng tôn pháp luật
Vậy còn công tác giám sát, phát hiện và ngăn chặn vi phạm cần làm thế nào để vừa hiệu quả cao, vừa có tính răn đe, thưa ông?
Ông Khuất Việt Hùng: Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm những năm qua của chúng ta đã triển khai mang lại nhiều hiệu quả, đặc biệt là khi ứng dụng trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và khoa học công nghệ trong công tác quản lý, giám sát.
Để có được những kết quả rõ rệt hơn nữa, với ngành GTVT cần nâng cấp phần mềm quản lý thiết bị giám sát hành trình, tích hợp dữ liệu camera, phát hiện sớm những hành vi vi phạm tốc độ. Hoạt động giám sát hành trình sẽ cảnh báo, xử lý vi phạm cũng như những nguy cơ mất ATGT tốt hơn. Như hiện nay, nếu hàng tháng chỉ gửi danh sách vi phạm tốc độ về sở GTVT địa phương xử lý thì sẽ có độ trễ, mất đi tính răn đe. Đồng thời, các lực lượng chức năng phải quyết liệt trong công tác hậu kiểm tại doanh nghiệp vận tải có vi phạm, xem họ khắc phục đến đâu.
Vậy còn những giải pháp khác, thưa ông?
Ông Khuất Việt Hùng: Việc đào tạo lái xe cần cả về kỹ năng và đạo đức. Như trong công tác đào tạo sát hạch cấp GPLX, gần đây mới quy định giám sát quãng đường, thời gian thực hành lái xe. Khi học viên đảm bảo hoàn thành quãng đường thực hành hơn 800 km mới đủ điều kiện thi sát hạch, khi đó có bằng và cầm lái chắc chắn kỹ năng sẽ tốt hơn.
Đồng thời, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh việc sơ cấp cứu nạn nhân TNGT bởi ở các nước đưa ra tiêu chí, khi xảy ra TNGT thì nạn nhân được tiếp cận dịch vụ cấp cứu chuyên nghiệp trong vòng 30 phút. Trong khi đó tại Việt Nam, nhiều vụ TNGT xảy ra, nạn nhân được người dân, người thân, người tại hiện trường (những người không có chuyên môn, kỹ năng) đưa đi cấp cứu bằng những phương tiện không phải chuyên nghiệp, có thể làm trầm trọng hơn mức độ chấn thương, thậm chí vô tình dẫn đến tử vong.
Những giải pháp như tôi vừa nêu cần phải làm tốt, không chỉ năm 2023 mà xuyên suốt những năm sau.
Ông có thể chia sẻ một chút về chủ đề ATGT dự kiến của năm 2023?
Ông Khuất Việt Hùng: Trong năm 2023, Ủy ban ATGT Quốc gia dự kiến xây dựng chủ đề "Thượng tôn pháp luật gắn với xây dựng văn hóa giao thông an toàn". Khi chúng ta nói đến văn hóa giao thông là nói đến những giá trị mơ hồ. Thực tế, giá trị văn hóa đầu tiên, tối thiểu của công dân trong bất kỳ lĩnh vực, hoạt động nào là tuân thủ quy định pháp luật, tôn trọng pháp luật. Thượng tôn pháp luật là cơ sở đầu tiên để xây dựng văn hóa giao thông. Những người xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật phải thượng tôn pháp luật và nêu gương. Cán bộ, đảng viên phải nêu gương thượng tôn pháp luật, từ đó tạo động lực cho toàn xã hội làm theo.
Năm 2023, bên cạnh tập trung cao độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm, làm tốt công tác bảo trì, xử lý bất cập về tổ chức giao thông, ngành GTVT sẽ tăng cường khai thác hiệu quả các dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, dữ liệu camera để phục vụ việc quản lý vận tải, nhằm phát hiện sớm các hành vi vi phạm để có biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn.
Ủy ban ATGT Quốc gia cũng sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra tại các địa phương trong việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia, kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ cơ sở những vấn đề bất cập, phát sinh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.