Nâng cao năng lực quản lý hoạt động bay, quản lý vùng trời
Năm 2023, hoạt động bay nội địa tăng cao, các chuyến bay quốc tế được khai thác trở lại, điều kiện thời tiết không thuận lợi... đã ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động bay hàng không dân dụng. Tuy nhiên, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay trong vùng trời trách nhiệm, duy trì các dịch vụ cung cấp bảo đảm hoạt động bay liên tục, ổn định và thông suốt.
Tổng công ty đã phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan liên quan bảo đảm theo dõi, quản lý, khai thác phép bay; triển khai kịp thời, đầy đủ, chính xác 10.526 phép bay đột xuất tới các cơ quan và cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu; điều hành 310 lần chuyến bay chuyên cơ trong nước và quốc tế, 107 chuyến bay cứu thương.
Trong năm qua, Tổng công ty đã hoàn thiện nghiên cứu và trình Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt phương thức bay sử dụng công nghệ PBN tại toàn bộ 22 sân bay của Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng tiến độ của khu vực và thế giới về triển khai PBN. Bên cạnh đó, Tổng công ty khai thác phương án điều chỉnh ranh giới trách nhiệm phân khu 3, 4 và thiết lập phân khu 7 tại ACC Hồ Chí Minh; thiết lập bộ phận kiểm soát mặt đất (GCU) tại sân bay Phú Quốc; thiết lập các khu chờ trên đường hàng không trong FIR Hà Nội, FIR Hồ Chí Minh cũng là những thành tựu nổi bật trong công tác cung cấp dịch vụ của Tổng công ty.
Về khai thác không lưu, Tổng công ty đã áp dụng giảm phân cách giám sát tối thiểu xuống 03NM tại khu tiếp cận Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng nhằm góp phần tăng năng lực điều hành bay, giảm thời gian bay chờ của tàu bay, đặc biệt trong các vùng trời có mật độ hoạt động bay cao, linh hoạt sử dụng các độ cao bay tối ưu cũng như giảm quãng đường bay, đem lại các lợi ích thiết thực về khai thác và kinh tế cho các hãng hàng không và hành khách; tổ chức nghiên cứu ban đầu phương pháp xác định năng lực điều hành bay, đồng thời triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì và nâng cao năng lực thông qua vùng trời, đường cất, hạ cánh tại các sân bay có mật độ hoạt động bay cao như Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất... Những nghiên cứu, biện pháp cụ thể trên góp phần giúp sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài duy trì, nâng cao năng lực tiếp thu tàu bay, đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của người dân vào các dịp cao điểm.
Về lĩnh vực quản lý luồng không lưu, với mục tiêu nâng cao năng lực của vùng trời, tối ưu hóa hoạt động bay, năm 2023, Tổng công ty đã phối hợp với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), các Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất thử nghiệm ACDM tại 2 cảng hàng không này. Đồng thời, VATM đã xây dựng, trình Cục Hàng không Việt Nam ban hành và đưa vào áp dụng Quy trình phối hợp điều tiết luồng không lưu trong điều kiện thời tiết xấu bất lợi, giúp hạn chế tình trạng bay chờ tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Đặc biệt, ngày 25/9/2023, Tổng công ty đã tiến hành triển khai thử nghiệm khai thác ATFM cho các sân bay của Việt Nam. Đây là một bước quan trọng để chuẩn bị áp dụng ATFM đa điểm nút mức 3 tại các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Bên cạnh đó, Tổng công ty đang tích cực phối hợp chặt chẽ với các nút ATFM trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc)… trong việc hợp tác điều tiết luồng không lưu và trao đổi kinh nghiệm thực hiện ATFM.
Với những cố gắng, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, người lao động, năm 2023, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh. Trong đó, sản lượng điều hành bay ước đạt 752.906 lần chuyến (bằng 113,93% kế hoạch 2023 và bằng 139,12% so với 2022). Tổng công ty đã tổ chức điều hành bay an toàn cho 100% các chuyến bay trong khu vực trách nhiệm được giao. Tổng doanh thu ước đạt 3.643 tỷ đồng (bằng 115,3% so với kế hoạch năm 2023 được Bộ GTVT phê duyệt và bằng 138,5% so với thực hiện năm 2022). Lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.103 tỷ đồng (bằng 117,4% so với kế hoạch năm 2023 và bằng 254,5% so với thực hiện năm 2022). Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 1.984 tỷ đồng, bằng 155,5% so với kế hoạch năm 2023 và bằng 209,3% so với thực hiện năm 2022.
Tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm
Tiếp nối những kết quả đạt được trong năm vừa qua, bước sang năm 2024, ngoài việc củng cố, nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ điều hành bay, tối ưu hóa vùng trời và thiết kế phương thức bay với mục tiêu đảm bảo điều hành bay an toàn tuyệt đối cho các hoạt động bay trong khu vực trách nhiệm, VATM sẽ tập trung tăng cường đầu tư mở rộng, nâng cấp, đầu tư mới nhằm nâng cao năng lực cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay tại các cảng hàng không, các cơ sở cung cấp dịch vụ.
Năm 2024, VATM đặt mục tiêu tổng sản lượng điều hành bay 756.146 lần chuyến (tăng 0,43% so với ước thực hiện năm 2023); tổng doanh thu 3.600 tỷ đồng (đạt 98,81% so với ước thực hiện năm 2023); lợi nhuận trước thuế 1.108 tỷ đồng (tăng 0,45% so với ước thực hiện năm 2023); nộp ngân sách nhà nước 2.108 tỷ đồng (tăng 6,25% so với ước thực hiện năm 2023).
Tổng công ty tiếp tục tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như: Dự án thành phần 2 "Các công trình phục vụ quản lý bay" thuộc Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; Dự án Trung tâm Kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh (ATCC/HCM); Đài Kiểm soát không lưu Điện Biên...; tiếp tục thực hiện đầu tư hệ thống thiết bị, công nghệ phục vụ công tác điều hành bay đảm bảo bám sát, phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, Tổng công ty tổ chức hoàn thiện mô hình quản lý dự án cả về mặt tổ chức, cán bộ và cơ chế chính sách hoạt động, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý đầu tư, xây dựng; tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực cho cả khối điều hành dự án cũng như cho khối tham mưu, giúp việc nhằm nâng cao chất lượng thẩm định, quản lý thực hiện dự án.
Tổng công ty tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiến độ dự án, gói thầu, hợp đồng và quản lý đầu tư xây dựng; số hóa hệ thống báo cáo trực tuyến trong công tác đầu tư xây dựng toàn Tổng công ty nhằm đảm bảo thông tin, số liệu báo cáo được đầy đủ, cập nhật kịp thời theo tiến trình dự án, giảm sử dụng các văn bản báo cáo giấy, đáp ứng yêu cầu tính thực tế, xác thực giữa số liệu báo cáo và tình hình thực tiễn triển khai dự án, từ đó có giải pháp, quyết sách kịp thời đẩy nhanh tiến độ dự án.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.