Đây được kỳ vọng là động lực tạo ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 48 năm sau ngày giải phóng, bộ mặt thành phố mang tên Bác đã có nhiều đổi thay, trong đó hạ tầng giao thông được xem là yếu tố quan trọng mang tính chất quyết định, xuyên suốt.
"Đầu tàu" vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang có tổng diện tích hơn 28.360 km với dân số khoảng 21,8 triệu người. Đây là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của cả nước.
Chính vì vậy, những năm gần đây, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được Trung ương và các địa phương trong vùng ưu tiên nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông để tạo ra những bước đột phá trong phát triển kinh tế. Theo đó, nhiều dự án giao thông lớn đã được quy hoạch và triển khai như: đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Cảng HKQT Long Thành, đường Vành đai 3, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết... Khi các dự án này hoàn thành sẽ giúp kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng, tạo sự tăng trưởng nhanh về kinh tế - xã hội, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp.
TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, "đầu tàu" vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trên nhiều phương diện với nhiệm vụ dẫn dắt, hỗ trợ các tỉnh trong vùng cùng phát triển. Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều thỏa thuận hợp tác, phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội, đặc biệt là trong quy hoạch hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước.
Theo lãnh đạo Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025 là 533.529 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 là 437.125 tỷ đồng. Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cho rằng: "Phát triển giao thông Thành phố là phải gắn kết với tất cả các tỉnh lân cận, phải mang tính liên vùng. Chính phủ đã có các quy hoạch cơ bản phù hợp, nhưng sự kết hợp với các tỉnh lân cận với nhau là trách nhiệm của từng địa phương. TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đã có sự thống nhất để triển khai các dự án, quy hoạch giao thông nhằm mang lại sự hiệu quả nhất".
"Hiện nay, nhiều dự án trọng điểm đang gặp khó khăn về nguồn vốn khi ngân sách Trung ương cũng như địa phương còn hạn chế. Do đó, Thành phố đã mạnh dạn đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án trọng điểm, nhằm tạo nên sự chuyển động mạnh mẽ cũng như cơ hội đột phá cho ngành GTVT. Năm 2023, khi cơ chế, chính sách mới được ban hành sẽ là cơ hội lớn nhưng cũng không ít thách thức đối với ngành GTVT Thành phố", ông Lâm nhấn mạnh.
PGS. TS. Phạm Xuân Mai - Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh phân tích: "Theo quy hoạch thì TP. Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân, còn vệ tinh phụ thuộc vào các tỉnh còn lại như: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An... Kết cấu hạ tầng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm rất nhiều lĩnh vực nhưng không thể dàn đều để đầu tư mà cần tập trung nguồn lực vào những lĩnh vực then chốt như hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghệ số. Các lĩnh vực này sẽ thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực khác. Hạ tầng giao thông của vùng có tiềm năng thúc đẩy tất cả các loại hình giao thông từ đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Giao thông kết nối sẽ tạo sự thuận tiện và phát huy được sức mạnh của toàn vùng".
Bước chuyển từ những công trình trọng điểm
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Năm 2023 được đánh giá là năm đặc biệt, mở đầu giai đoạn 10 năm đột phá hạ tầng giao thông ở TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây cũng là năm bắt đầu triển khai hàng loạt dự án lớn mang tính liên vùng, cũng như gỡ "bài toán" ùn tắc khu vực cửa ngõ như dự án kết nối Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và khu vực cảng Cát Lái".
Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh đã khởi công nhiều hạng mục giao thông kết nối với các địa phương trong khu vực như: dự án xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, dự án mở rộng QL.50; dự án nút giao An Phú (TP. Thủ Đức), đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình)...
Hiện tại, TP. Hồ Chí Minh đang gấp rút triển khai dự án đường Vành đai 3, đây là dự án quan trọng không chỉ của TP. Hồ Chí Minh mà còn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dù vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác thu hồi đất, GPMB nhưng lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh khẳng định quyết tâm sẽ hoàn thành sớm hơn kế hoạch Trung ương giao, biến đường "Vành đai 3 là một kiểu mẫu trong thu hồi đất để có mặt bằng triển khai các dự án" để thành phố có thể áp dụng trong các dự án, công trình sau này.
Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh cũng đang đẩy nhanh triển khai các tuyến cao tốc: TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài; TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; Bến Lức - Long Thành; kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên; rạch Xuyên Tâm... UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã giao cho Sở GTVT Thành phố lập chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4, phấn đấu hoàn thành trong tháng 6/2023 cùng với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Dự kiến, tuyến đường được hoàn thành vào năm 2027.
Cũng theo ông Phúc, năm 2024, Thành phố dự kiến khởi công tuyến Metro số 2 và hoàn thành sau 4 năm. Các công trình như cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ đang được chuẩn bị để thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP). Cùng với các dự án trọng điểm quốc gia, Thành phố cũng triển khai nhiều công trình trọng điểm cấp Thành phố để giải quyết UTGT.
Với vai trò "đi trước mở đường", việc đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông của TP. Hồ Chí Minh sẽ có những bước chuyển vượt bậc trong thời gian tới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.