Đường tàu mùa Xuân
Những ngày đầu năm mới 2024, chúng tôi đến ga Long Biên (quận Long Biên, TP. Hà Nội) đúng lúc chuyến tàu từ ga Hà Nội vừa đến, dừng ít phút để đón khách đi Hải Phòng. Trong tiếng còi tàu hú vang giục khách, nhiều người nhanh chóng rời khỏi phòng chờ, đi dọc theo hành lang ga để lên tàu. Nhiều bạn trẻ tranh thủ lưu lại cho nhau những bức ảnh đẹp bên sân ga. Bên kia đường ray, quán cà phê Hỏa Xa đối diện với phòng chờ của ga Long Biên cũng trở nên nhộn nhịp với đông đảo du khách nước ngoài cố đứng sát hàng rào để ngắm tàu, ghi lại khoảnh khắc khi tàu đến và rời ga. Trước khi lên tàu, nữ sinh viên tên Huyền cho biết, nhóm bạn rủ nhau đi tàu xuống Hải Phòng để trải nghiệm tàu hỏa và du lịch "Food tour" (du lịch ẩm thực) ở thành phố hoa phượng đỏ.
"Trên mạng thấy nhiều bạn chia sẻ đi tàu hỏa du lịch "Food tour" có nhiều điều thú vị, được ngắm cảnh đẹp và trải nghiệm không gian trên tàu, chi phí hợp lý nên nhóm em rủ nhau cùng khám phá. Đến ga Long Biên chúng em đã bắt gặp thật nhiều hoa, đã thấy hứng thú ngay từ điểm xuất phát của hành trình", Huyền hào hứng cho biết.
Thông tin thêm về loại hình du lịch này, hướng dẫn viên du lịch Ngân Trang cho biết, từ khi ga Long Biên mở thêm dịch vụ thì khách du lịch càng ưa thích địa điểm này hơn. Hầu như đoàn khách nước ngoài nào đến Hà Nội cũng muốn đến thăm cầu và ga Long Biên, nhất là ngắm cảnh tàu ra, vào ga.
Theo anh Trần Văn Chiến, Trưởng ban Trực tàu ga Long Biên, quán cà phê Hỏa Xa vốn là khu nhà tập thể cho công nhân, được tân trang để mở dịch vụ cà phê từ đầu tháng 6/2023. "Từ khi có dịch vụ cà phê, khách du lịch đến ngắm cảnh, chụp ảnh đông hơn. Anh em nhà ga cũng bận rộn hơn vì thường xuyên phải hướng dẫn, bảo đảm an toàn cho khách nhưng vui hơn là có thêm thu nhập", anh Chiến giãi bày.
Ông Nguyễn Tất Thương, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội cho biết thêm, việc tu sửa, mở dịch vụ cà phê tại ga Long Biên nằm trong kế hoạch hành động "Mỗi khu ga - Một điểm đến" của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để góp phần xây dựng cảnh quan, môi trường các nhà ga xanh - sạch - đẹp, đồng thời khai thác giá trị tiềm năng của các ga tàu. "Ga Long Biên, ga Hà Nội, ga Hải Dương… được trang trí, sắp xếp lại đẹp hơn, tiện ích hơn, vừa đáp ứng nhu cầu của hành khách đi tàu, vừa thu hút khách đến tham quan, đồng thời phục vụ người dân xung quanh các khu ga", ông Thương chia sẻ khi đưa chúng tôi đi xem phòng đợi tàu VIP tại ga Hà Nội và cho biết thêm, năm 2023, lượng khách đi tàu tuyến Hà Nội - Hải Phòng tăng mạnh, nhất là lượng hành khách trẻ tuổi đi để trải nghiệm kết hợp du lịch "Food tour".
Được biết, từ giữa năm 2022, ngành Đường sắt phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hải Phòng quảng bá chương trình "Food tour" đến với các đoàn tàu tuyến Hà Nội - Hải Phòng và hoạt động này được đẩy mạnh trong năm 2023. Từ tháng 7/2023, các đoàn tàu tuyến này đón, trả khách ngay tại ga Hà Nội nên càng thu hút hành khách, đặc biệt là các bạn trẻ. Nhờ đó, luồng khách từ Hải Phòng đi Hà Nội vào các ngày cuối tuần đã được hình thành với tên gọi "Đường tàu mùa Xuân", giúp hành khách trải nghiệm phố đi bộ và không gian ẩm thực độc đáo Hà Nội.
Một điểm nhấn khác của ngành Đường sắt là tham gia tổ chức Lễ hội Thiết kế, sáng tạo Hà Nội năm 2023 bằng các chuyến tàu đặc biệt mang tên "Hành trình Di sản" với lộ trình qua các ga Hà Nội - Long Biên - Gia Lâm, thu hút hơn 26 nghìn lượt khách tham gia, để lại ấn tượng sâu đậm trong mỗi du khách.
Gắn vận tải với văn hóa du lịch, tổ chức sự kiện
Theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hướng đi mới của ngành Đường sắt thời gian gần đây là gắn dịch vụ vận tải đường sắt với du lịch để thu hút luồng khách mới. Trong năm 2023, định hướng trên được cụ thể hóa bằng những dịch vụ mới lạ nhằm khai thác tiềm năng du lịch của đường sắt.
Một sự kiện đặc biệt vừa diễn ra vào tháng 12/2023 khi lần đầu tiên đường sắt tổ chức dịch vụ lễ cưới tại ga, trên đoàn tàu cổ hành trình Đà Lạt - Trại Mát. Ông Thái Văn Truyền, Tổng Giám đốc Công ty CP Đường sắt Sài Gòn chia sẻ, ý tưởng thực hiện đoàn tàu cổ Đà Lạt - Trại Mát ban đầu là của Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh. Khi đưa vào vận hành, hành khách được trải nghiệm và rất thích thú, phản hồi tích cực, đặc biệt là khách nước ngoài. "Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì tổ chức sự kiện lễ cưới, cho thuê nguyên toa, nguyên đoàn tàu để chụp hình, quay video, tổ chức sự kiện, sinh nhật trên các đoàn tàu cổ Đà Lạt. Trên các chuyến tàu cuối tuần, ngày lễ, tết còn có các nhạc công violin, guitar phục vụ hành khách để mang lại niềm vui, trải nghiệm tốt đẹp cho hành khách", ông Truyền tiết lộ.
Bên cạnh khai thác các giá trị hoài niệm của đường sắt quốc gia, ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội cho biết, tháng 10/2023, đường sắt Việt Nam đã tổ chức, khai thác đoàn tàu chất lượng cao tuyến Hà Nội - Đà Nẵng. "Đoàn tàu chất lượng cao có chất lượng tốt nhất về phương tiện, nội thất, vệ sinh, tính thẩm mỹ, được trang bị wifi, app bán các đặc sản vùng miền. Tại ga Hà Nội có phòng chờ dành riêng, tiếp viên trên tàu giao tiếp được bằng tiếng Anh, ngoại hình ưa nhìn, các tiện ích dịch vụ được cải thiện, giá vé không thay đổi. Những đổi mới này kỳ vọng kéo hành khách đến với đường sắt, đặc biệt là du khách nước ngoài", ông Hoan cho biết.
Trong xu thế mở rộng khai thác tiềm năng khách du lịch, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan để mở tuyến Huế - Đà Nẵng với các đôi tàu chạy "giờ vàng" mỗi ngày, vừa phục vụ đi lại của người dân, vừa khai thác tối đa lợi thế của tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Chào đón mùa xuân mới, tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Đường tàu - Đường hoa", ngành Đường sắt đã huy động các đơn vị và thu hút đông đảo người dân 34 tỉnh, thành có đường sắt chạy qua tham gia trồng hoa làm đẹp các khu ga, ven đường tàu. Đến tháng 12/2023, dọc các tuyến đường sắt quốc gia đã trồng được 70 km cây, hoa các loại, tạo cảnh quan sạch đẹp trên các tuyến đường sắt. Đặc biệt, những người làm vận tải đường sắt sẽ cảm thấy vui hơn khi năm 2023 là năm thứ hai liên tiếp kinh doanh vận tải đường sắt có lãi.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.