Triển vọng hợp tác vận tải giữa Việt Nam và Ba Lan

Giao thông 24h 22/06/2024 21:43

Vừa qua, tại Thủ đô Warszawa (Ba Lan), Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy dẫn đầu đoàn đại biểu Bộ GTVT Việt Nam đã có buổi làm việc với đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan về triển vọng hợp tác vận tải giữa Việt Nam và Ba Lan.


Triển vọng hợp tác vận tải giữa Việt Nam và Ba Lan- Ảnh 1.

Đoàn đại biểu Bộ GTVT Việt Nam tham dự Hội nghị Tổ chức hợp tác đường sắt (OSJD) giữa 28 thành viên châu Á và châu Âu

Cuộc gặp mặt, trao đổi diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Tổ chức hợp tác đường sắt (OSJD) giữa 28 thành viên châu Á và châu Âu.

Tham dự buổi làm việc cùng Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy còn có Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Trần Thị Thanh Thúy; Chánh Văn phòng Cục Đường sắt Việt Nam Trần Trường Giang; Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh.

Về phía Ba Lan có sự tham dự của ông Hà Hoàng Hải, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Ba Lan; ông Trần Trọng Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan và các thành viên liên quan.

Tại buổi làm việc, đoàn công tác của Bộ GTVT Việt Nam đã chia sẻ về thế mạnh của tuyến đường sắt liên vận từ Việt Nam tới châu Âu, điểm cuối là Ba Lan. Theo đó, vận tải đường sắt có thế mạnh cạnh tranh về thời gian vận tải, bù đắp được việc giá thành cao hơn so với vận tải đường biển, nhưng lại là một cạnh tranh lớn so với vận tải hàng không.

Theo các đại biểu, thời gian vận tải có thể rút ngắn hơn nữa nếu ngành Đường sắt chủ động được lượng hàng hóa đủ số lượng toa xe cần thiết, đồng nghĩa với việc các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp cần tăng mối quan tâm đến việc giảm chi phí logistics bằng cách tăng thị phần vận tải hàng hóa bằng đường sắt.

Việc tạo được hàng hóa hai chiều cũng là một thách thức đối với giá cước vận tải. Các kho ngoại quan, các cảng cạn mà Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tạo nên vừa qua cần được phát triển để giảm chi phí logistics đối với vận tải đường sắt.

Các doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan cũng chia sẻ về nhận định Ba Lan là một thị trường đang được đầu tư như một đầu mối logistics của châu Âu. Với chi phí nhân công, thuê mặt bằng rẻ hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia khác trong khu vực cùng vị trí địa lý trung tâm của châu Âu nên Nhà nước và các doanh nghiệp ở Việt Nam cần cân nhắc xem Ba Lan như một "cửa ngõ" để "tấn công" vào thị trường EU, đặc biệt khi Hiệp ước EVFTA đang trong quá trình triển khai.

Bên cạnh vận tải đường sắt, đoàn công tác của Bộ GTVT Việt Nam và doanh nghiệp Ba Lan cũng bày tỏ mong muốn thiết lập đường bay thẳng Việt Nam - Ba Lan để thúc đẩy hoạt động vận tải hành khách cũng như hàng hóa. Trong điều kiện số lượng tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam còn hạn chế thì trước mắt có thể tạo điều kiện để Vietjet Air nghiên cứu thiết lập tuyến cargo (hàng hóa) cho tuyến bay này.