Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - người nặng lòng với đường Trường Sơn và ngành GTVT

Chính trị 24/02/2023 19:53

Trong 10 năm là Tư lệnh Đoàn 559, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đưa đường mòn Trường Sơn thành huyền thoại. Ông cũng để lại nhiều dấu ấn trên những công trình giao thông khi làm Bộ trưởng Bộ GTVT.


Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và dấu ấn đường Trường Sơn - Ảnh 1.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Ngày 24/2, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923), Bộ Quốc phòng phối hợp với Văn phòng Chính phủ và tỉnh Quảng Bình tổ chức hội thảo khoa học "Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình".

Ông Đồng Sỹ Nguyên sinh ra và lớn lên ở xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn, tên khai sinh Nguyễn Hữu Vũ. Năm 1938, ông tham gia hoạt động cách mạng ở quê nhà, sau đó trải qua nhiều vị trí công tác và dấu ấn lớn nhất là gần 10 năm (1967-1976) đảm nhiệm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đoàn 559.

Từ năm 1982- 1986, ông làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, sau đó được bầu làm Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị khóa V, Ủy viên Chính thức Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI (1986–1991), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó thủ tướng Chính phủ).

Theo thông tin từ hội thảo: Đoàn 559 có nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự, đưa đón bộ đội, chuyển công văn từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại. Thời điểm đó việc chi viện vào miền Nam qua đường Trường Sơn rất khó khăn vì địa bàn quá dài và rộng, lực lượng mỏng, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên bị bom Mỹ rải thảm.

Nhận nhiệm vụ, ông Đồng Sỹ Nguyên đã thị sát một số trọng điểm, đánh giá hoạt động trên tuyến sau đó chỉ đạo: Đánh địch mà đi, mở đường mà vận chuyển. Pháo phòng không phải bố trí trận địa ngay tại trọng điểm để bắn máy bay địch, bảo vệ đội hình xe. Công binh phải làm công sự, đóng ngay cạnh trọng điểm để kịp thời khắc phục tắc đường. Cán bộ chỉ huy phải làm hầm ngay trọng điểm để chỉ huy.

Ông Nguyên đã thành lập các binh trạm, được tổ chức như binh chủng hợp thành, vừa vận chuyển, vừa đánh địch. Mỗi binh trạm phụ trách cung đường từ 100 đến 130 km. Nhờ tổ chức lại đội hình, các binh trạm hoàn thành chỉ tiêu vận chuyển.

Đầu mùa khô 1969-1970, không quân Mỹ sử dụng máy bay AC-130 với nhiều khí tài hiện đại đánh phá khiến bộ đội Trường Sơn bị thiệt hại nặng. Lúc này, Binh trạm 32 có sáng kiến mở 40 km đường dưới tán rừng già, ôtô đi ban ngày vẫn không bị phát hiện, gọi là đường kín. Biết tin, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên xuống binh trạm nghiên cứu.

Sau đó, ông lệnh triển khai mở đường kín, xuất phát từ phía nam ngầm Long Đại (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Cuối năm 1972, đường kín dài đến 800 km, trong đó 70% dưới tán rừng già. Ông Đồng Sỹ Nguyên kiểm tra đường, kết luận mất 5 ngày đi hết tuyến, nhanh hơn 15 đến 20 ngày so với đi đường hở.

Tháng 2/1972, lần đầu tiên đội hình xe chạy thành công trên đường kín. Xe chạy ban ngày, cung đường dài, đội hình lớn, chuyển được nhiều hàng, đỡ tốn kém và thiệt hại.

Giữa trùng điệp Trường Sơn, tuyến vận tải quân sự được thành lập, phát triển không ngừng. Tuyến đường nối các chiến trường, tạo nên hệ thống giao thông vận tải quân sự lớn nhất với tổng chiều dài 20.000 km, đường ống dẫn xăng dầu dài 1.400 km, đường sông dài 600 km, đường dây thông tin 1.350 km. Trường Sơn thời đánh Mỹ có khoảng 120.000 bộ đội và 10.000 thanh niên xung phong.

Nhớ về vị tư lệnh của bộ đội Trường Sơn, thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam, nói tướng Nguyên không chỉ là người chỉ huy mà thực sự là đồng đội, anh em, bè bạn gần gũi. Không có trọng điểm ác liệt nào, binh trạm nào ông chưa đến.

Từ năm 1976 đến khi nghỉ công tác, ông Đồng Sỹ Nguyên có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều công trình trọng điểm của quốc gia mang đậm dấu ấn của ông như: Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, thủy điện Hòa Bình, xi măng Bỉm Sơn, giấy Bãi Bằng, cầu Chương Dương, cầu Thăng Long, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh.

Ông mất tháng 4/2019, được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và dấu ấn đường Trường Sơn - Ảnh 2.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Táo

Phát biểu bế mạc hội thảo, thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, nhấn mạnh tên tuổi, sự nghiệp của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn gắn liền với những thắng lợi của cách mạng Việt Nam và sự trưởng thành lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.

"Đặc biệt, ông có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng và phát triển tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn", ông Vịnh nói.

Nguồn: BT
Ý kiến của bạn

Bình luận