Trường có 2 cơ sở đào tạo, diện tích trên 6 ha, trang thiết bị thực hành đầy đủ và hiện đại; thư viện, ký túc xá, nhà ăn đáp ứng yêu cầu phục vụ người học; môi trường học tập an toàn, thân thiện; có 19 ngành nghề đào tạo đa dạng, phong phú, trong đó có các nghề đầu tư đạt chuẩn quốc tế, khu vực Asean và quốc gia như: Quản trị khách sạn, kỹ thuật chế biến món ăn, công nghệ ô tô, cơ điện lạnh thủy sản. Trường được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên dạy nghề theo tiêu chuẩn quốc tế và khu vực giai đoạn 2001 - 2005 và 2006 - 2010, đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề ở cấp độ cao nhất vào năm 2010.
Những năm đầu thành lập, Trường chỉ vẻn vẹn 23 cán bộ, giáo viên với 3 phòng nghiệp vụ, 2 khoa và 3 tổ bộ môn, đến nay đã tăng lên 113 cán bộ, giảng viên đạt chuẩn và vượt chuẩn được tổ chức thành 16 đơn vị với 5 phòng chức năng, 8 khoa chuyên môn và 3 trung tâm. Hàng năm, Trường dành hơn 1 tỷ đồng học bổng khuyến khích học nghề giúp các em nghèo, học giỏi có chí phấn đầu vươn lên trong học tập.
Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên lập nghiệp, ổn định cuộc sống, cung cấp lực lượng lao động qua đào tạo có chất lượng cao cho phát triển kinh tế xã hội.
Trải qua 22 năm xây dựng và trưởng thành, Trường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt trong những năm gần đây Trường xây dựng và quản lý tiến độ đào tạo, kế hoạch tổ chức thi tốt nghiệp, kiểm tra kết thúc môn đúng quy định; tổ chức các buổi dự giờ, thăm lớp; nền nếp, kỷ cương trường học được giữ vững; chất lượng dạy và học đã có sự nâng lên rõ rệt. Điều này thể hiện qua kết quả kỳ thi tốt nghiệp, tỷ lệ HSSV tốt nghiệp loại khá giỏi tăng lên từng năm; tỷ lệ HSSV tốt nghiệp ra trường có việc làm trên 90%.
Chương trình, giáo trình đào tạo được xây dựng, thẩm định, ban hành, đánh giá và cập nhật theo quy định. Trong quá trình xây dựng Trường đã thu hút được nhiều doanh nghiệp cùng đồng hành, doanh nghiệp tham gia chương trình đào tạo, viết giáo trình, đánh giá kết quả học tập của HSSV. Trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo, thời gian thực tập tại doanh nghiệp tối thiểu phải đạt 20% tổng số giờ đào tạo trong chương trình. Do đó chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao, nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
Ngoài ra Trường thường xuyên tổ chức khảo sát nhu cầu nhân lực, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyển sinh hàng năm, chủ động quan hệ các trường phổ thông, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, các địa phương để truyền thông, quảng bá, tư vấn, giới thiệu về trường, về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, ngành nghề đào tạo cũng như tấm gương các học sinh của trường thành đạt. Nhờ vậy, từ con số vài trăm học viên, đến nay quy mô đào tạo của nhà trường đạt khoảng 3.000 học viên. Trong đó, đào tạo học sinh, sinh viên trình độ Cao đẳng, trung cấp khoảng: 1.000 học viên; sơ cấp và dạy nghề thường xuyên: Khoảng 2.000 học viên, chủ yếu học viên học lái xe ô tô, xe máy hạng A1, Trường còn liên kết với trường Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh mở các lớp đại học đào tạo gần 200 kỹ sư ngành cơ khí động lực và điện công nghiệp; mở bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm bậc II và sư phạm nghề cho trên 400 giáo viên trong toàn tỉnh; mở các lớp dạy tiếng Hàn cho hơn 900 học viên, tạo cơ hội cho 270 người xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc và hiện nay 20 học sinh tốt nghiệp của trường đang làm việc tại Nhật Bản.
Cùng với việc chăm lo xây dựng đội ngũ giáo viên, HSSV, Đảng ủy – Ban Giám hiệu Trường luôn hết sức coi trọng các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và các dự án khởi nghiệp qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Trong những năm qua Trường đã chủ trì thực hiện 67 đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến kinh nghiệm, trong đó đáng chú Trường chủ trì thực hiện 02 đề tài, 01 sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh và 09 đề tài cấp Bộ. Ngoài ra, trường phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt - Lạnh, Trường đại học Bách khoa Hà Nội và Ban Quản lý dự án HPMP II, Cục biến đổi Khí hậu, Bộ Tài Nguyên và Môi trường tổ chức "Khóa đào tạo giảng viên nguồn về Nguyên tắc thực hành tốt trong bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lạnh và điều hòa không khí"; phối hợp với trường Đại học Phenikaa thực hiện dự án "Nhân rộng các giải pháp thu hồi chất thải - hướng tới một xã hội tuần hoàn"...và xây dựng chương trình hợp tác doanh nghiệp.
Để thực hiện nhiệm vụ nói trên, Trường luôn xây dựng mối liên kết, phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Hiện Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên quản lý 74 doanh nghiệp và 78 dự án đang triển khai hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau như dệt may, đóng tàu, thủy sản, gia công chế tác đá quý, chế biến hạt điều xuất khẩu, chế biến gỗ, bao bì, carton, sản xuất bia, nhựa PVC, phân bón NPK... "Nhà trường phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế vừa định hướng công tác đào tạo các ngành nghề, vừa kết nối trực tiếp với doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề đáp ứng nhu cầu thực tế, nhất là trong giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau ảnh hưởng đại dịch COVID-19. Mỗi năm, Nhà trường cung ứng hàng trăm lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh". Không chỉ đào tạo ngành nghề theo định hướng, kế hoạch cố định, Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Nghề Phú Yên xác định đào tạo theo nhu cầu, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp là một trong những hướng đi cần thiết.
Từ năm 2020 đến nay Nhà trường đã phối hợp với Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ Phú Yên, Công ty TNHH CCIPY Việt Nam và Công ty TNHH Olam Việt Nam chi nhánh Phú Yên, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và hợp tác đầu tư Vilexim chi nhánh Bình Định đào tạo theo đơn đặt hàng 3 lớp với số lượng 73 học viên chương trình đào tạo thường xuyên.
Tầm nhìn từ nay đến năm 2030 Nhà trường tiếp tục giữ vững và phát huy thành tích đã đạt được với phương châm: "Lấy người học làm trung tâm, Nhà trường làm nền tảng, thầy cô là động lực, gắn kết với doanh nghiệp là đột phá trong việc nâng cao chất lượng đào tạo", hướng tới xây dựng trường Cao đẳng Nghề Phú Yên thành trường cao đẳng chất lượng cao, trong thời gian tới Nhà trường cần tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp sau: Tăng cường truyền thông, tư vấn, hướng nghiệp để phụ huynh, người học hiểu hơn về giáo dục nghề nghiệp, về Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình: "Sinh viên trường nghề thực hành yêu thương" để nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức kỷ luật, kỹ năng mềm và trách nhiệm xã hội cho học sinh, sinh viên. Từng bước chuyển đổi số, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên. Đồng thời tổ chức kiểm định cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các chương trình đào tạo nghề trọng điểm. Nghiên cứu, thực hiện mô hình đào tạo kép giữa nhà trường và doanh nghiệp phù hợp với điều kiện của tỉnh Phú Yên. Phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả "Học kỳ doanh nghiệp". Đây là giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo nghề.
Những nỗ lực của Trường trong những năm qua góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; Chỉ thị số 21-CT/TW Ngày 04/05/2023 Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành "Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.