Trường Đại học GTVT: Trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của đất nước

Tác giả: Bảo Châu

saosaosaosaosao
Xã hội 20/03/2024 15:23

Sáng 20/3, Trường Đại học GTVT tổ chức Lễ Kỷ niệm 62 năm ngày thành lập và trao tặng phần thưởng cho các tập thể và cá nhân.


Trường Đại học GTVT: Trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của đất nước- Ảnh 1.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc cho Trường Đại học GTVT

Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, GS. TS. Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT cho biết, Trường Đại học GTVT, tiền thân là Trường Cao đẳng Công chính Đông Dương thành lập năm 1902, là một trong những trường đào tạo bậc cao đầu tiên được thành lập tại Đông Dương. Tuy được thành lập dưới chế độ bảo hộ của Pháp, nhưng từ ngôi trường này, nhiều kĩ sư, nhà văn hóa, nhà cách mạng lớn người Việt đã học tập, trưởng thành, nuôi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, trở thành những nhà giáo, nhà văn hóa, kĩ sư nổi tiếng, có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước và sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Trường Cao đẳng Công chính Đông Dương, với bề dày đào tạo và truyền thống yêu nước đáng tự hào đó, cũng là một trong những trường đại học, cao đẳng đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh khai giảng lại vào ngày 15 tháng 11 năm 1945 dưới chính quyền cách mạng, với nhiệm vụ đào tạo cán bộ cho các ngành Giao thông, thủy lợi và bưu điện cho chính quyền cách mạng. Trải qua nhiều tên gọi khác nhau, trước yêu cầu, nhiệm vụ mới của đất nước, của ngành GTVT, ngày 24 tháng 3 năm 1962, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 42/CP thành lập Trường Đại học GTVT, chỉ rõ sứ mệnh của Nhà trường trong giai đoạn lịch sử này là bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật cao cấp và nghiên cứu khoa học về GTVT.

Từ đó, ngày 24 tháng 3 năm 1962 được xác định chính thức là ngày thành lập Trường Đại học GTVT, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong lịch sử Nhà trường từ đào tạo cán bộ kĩ thuật bậc trung cấp, cao đẳng lên nhiệm vụ đào tạo kĩ sư bậc đại học và thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực GTVT.

Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dù phải sơ tán qua nhiều địa điểm khác nhau, liên tục phải xây dựng, khôi phục lại cơ sở vật chất, nhưng chưa bao giờ công tác giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường Đại học GTVT bị gián đoạn. Rất nhiều công trình của Nhà trường trong giai đoạn lịch sử này như giải pháp cầu dây lát ván thi công nhanh, giải pháp sử dụng cừ tràm gia cố nền đất đã được đoàn giảng viên, sinh viên của Nhà trường - Đoàn Trường Sơn 73 - ứng dụng ngay tại những cung đường vận tải ác liệt nhất của thời chiến, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp thống nhất đất nước.

Hòa bình lập lại, Trường Đại học GTVT lại cùng với cả nước bước vào thời kỳ mới: Khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước những khó khăn về vật chất của thời hậu chiến, Nhà trường lại tích cực, chủ động phối hợp cùng với ngành GTVT tạo ra mối quan hệ gắn kết ba nhà: "nhà nước, nhà kinh tế và nhà khoa học" để cùng nghiên cứu, khắc phục các khó khăn về kinh tế - kĩ thuật, tận dụng tối đa sức người, sức của để cùng thúc đẩy ngành GTVT thực sự đi trước một bước, tạo tiền đề cho sự phát triển chung của nền kinh tế - xã hội. Nhiều công trình, dự án lớn của ngành GTVT trong thời kỳ xây dựng, khôi phục đất nước sau chiến tranh như dự án khôi phục tuyến đường sắt Bắc - Nam, cầu Thăng Long, Chương Dương, Thái Bình, cải tạo nâng cấp QL1A kết nối các miền của tổ quốc đều có sự đóng góp xứng đáng của thầy và trò Trường Đại học GTVT.

Năm 1990, Nhà trường đã thành lập Cơ sở II, nay là Phân hiệu của Trường Đại học Giao thông vận tải tại TP. Hồ Chí Minh để đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ kỹ thuật cho ngành GTVT và ngành Bưu chính viễn thông ở các tỉnh phía Nam.

Từ năm 2009, thực hiện Đề án đổi mới Giáo dục đại học Việt Nam, Trường Đại học GTVT đã chủ động chuyển đổi mô hình đào tạo niên chế sang học chế tín chỉ, lấy người học là trung tâm của quá trình đào tạo. Nhà trường thường xuyên tiến hành rà soát, bổ sung, tối ưu hóa nội dung và phương thức đào tạo theo hướng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và từng bước hội nhập quốc tế. Công nghệ thông tin được ứng dụng triệt để vào tất cả các khâu của quá trình đào tạo. Công tác chăm lo, phát triển nguồn nhân lực và phát triển khoa học công nghệ được lãnh đạo nhà trường quan tâm.

Từ năm 2018, thực hiện tinh thần của Luật Giáo dục đại học sửa đổi và Nghị định 99/NĐ-CP về giáo dục đại học, Nhà trường đã có những bước điều chỉnh lớn về sứ mệnh, tầm nhìn và triết lý giáo dục; đồng thời chủ động điều chỉnh chương trình, phương thức đào tạo phù hợp với quy định mới; chuẩn bị những cơ sở vững chắc về nhân lực, vật lực; chất lượng quản trị, đào tạo để tiến tới thực hiện tự chủ đại học.

Trường Đại học GTVT: Trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của đất nước- Ảnh 2.

PGS. TS. Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho Nhà giáo ưu tú, PGS. TS. Lê Văn Học - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT

62 năm xây dựng và trưởng thành Trường Đại học GTVT luôn nhận được sự giúp đỡ, chở che và tin tưởng của nhân dân các địa phương nơi Trường đặt trụ sở và sơ tán; sự giúp đỡ quý giá của đối tác, bạn bè thân thiết trong và ngoài nước, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Nhà trường đã từng bước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vươn lên để trở thành một địa chỉ tin cậy về đào tạo và nghiên cứu khoa học các ngành thuộc lĩnh vực khoa học GTVT và các ngành kinh tế khác, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Từ chỗ chỉ có 4 đơn vị trực thuộc khi bắt đầu xây dựng trường ở bậc đại học, đến nay của Trường Đại học GTVT đã có 01 Phân hiệu tại TP. Hồ Chí Minh, 11 khoa, 01 bộ môn trực thuộc và 22 đơn vị phòng, ban, xưởng, trạm, trung tâm, 02 phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc gia và nhiều phòng thí nghiệm, thực hành khác. Từ chỗ chỉ đào tạo tập trung cho lĩnh vực GTVT, đến nay Trường Đại học GTVT đã trở thành một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực với 31 ngành đào tạo bậc đại học, 12 ngành đào tạo thạc sĩ và 10 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ với gần 28.000 sinh viên và học viên các hệ, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Long nhấn mạnh.

Nhà trường có gần 1.200 cán bộ, viên chức, trong đó có khoảng 900 thầy cô giáo, với tỉ lệ khoảng 15% là các GS PGS, trên 40% có trình độ tiến sĩ, có thể khẳng định đội ngũ giảng viên có trình độ, chất lượng cao so với mặt bằng chung so với các trường đại học của đất nước. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng, Nhà trường luôn xác định phải nâng cao chất lượng đào tạo, giữ vững những giá trị truyền thống tốt đẹp đã làm nên thương hiệu của Nhà trường, xứng đáng là trường đại học đầu ngành trong cả nước về lĩnh vực GTVT.

Trường Đại học GTVT: Trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của đất nước- Ảnh 3.

PGS. TS. Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội trao tặng Danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho các cán bộ, giảng viên của Nhà trường

Trải qua hơn 120 năm hình thành, phát triển, trong đó có 62 năm thành lập Trường Đại học GTVT, Nhà trường đã đào tạo được hàng vạn kỹ sư, cử nhân, hàng ngàn thạc sỹ, tiến sỹ. Họ đã và đang có mặt trên mọi miền của Tổ quốc, đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ, nhiều trọng trách trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là trong lĩnh vực GTVT. Rất nhiều người trong số đó đã trở thành những cán bộ kỹ thuật chủ chốt, giảng viên và nhà khoa học giỏi, cán bộ quản lý năng động, sáng tạo và thành đạt trên vị trí công tác của mình. Ghi nhận những đóng góp nổi bật của Nhà trường, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (2011), Danh hiệu Anh hùng Lao động (2007), Huân chương Hồ Chí Minh (2005), 2 Huân chương Độc lập hạng Nhất (2000 và 2015), 3 Huân chương Lao động hạng Nhất (1982, 1990, 2020).

Từ 2021, Trường Đại học GTVT đã xây dựng, hoàn thiện chiến lược phát triển Nhà trường giai đoạn 2021 - 2030, xác định sứ mệnh đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ chất lượng cao theo xu thế hội nhập, có trách nhiệm xã hội nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành GTVT và đất nước. Nhà trường xác định tầm nhìn đến năm 2030 trở thành trường đại học đa ngành theo định hướng nghiên cứu, khẳng định vị thế hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực GTVT, có uy tín và chất lượng ngang tầm châu Á. Để hiện thực hóa mục tiêu và tầm nhìn, giai đoạn từ 2021 đến nay, Trường Đại học GTVT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đạt được những tiến bộ vững chắc về các mặt đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.