Hạ tầng giao thông thiệt hại nặng do mưa lũ hằng năm
Hệ thống hạ tầng GTVT các tỉnh miền núi phía Bắc có đặc thù bám theo địa hình đồi, núi để xây dựng, một bên là đồi núi, một bên là vực và sông, suối. Cộng với thói quen sinh hoạt của người dân, đốt nương làm rẫy dọc theo sườn đồi, độ che phủ của đất ngày càng ít đi, kèm theo đó là tình hình thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét nên các tỉnh miền núi phía Bắc mỗi năm đều bị thiệt hại nặng nề do bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Sáng ngày 16/2/2012, tại Km138+500, QL6 (thuộc địa phận xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), một quả núi bất ngờ đổ ập xuống đường, vùi lấp hai vợ chồng anh Hà Văn Nhị và chị Hà Thị Nguyệt (trú tại xã Tân Sơn, huyện Mai Châu). Thời điểm xảy ra vụ sạt lở, anh Nhị và chị Nguyệt mới làm đám cưới chưa lâu và chị Nguyệt đang mang thai tháng thứ hai.
Sự cố trên làm giao thông trên tuyến QL6 tê liệt hoàn toàn. Sau đó, Bộ GTVT và UBND tỉnh Hòa Bình nhanh chóng phối hợp tổ chức khắc phục hậu quả. Các lực lượng công an, quân đội, GTVT huy động lực lượng bảo đảm giao thông, nổ mìn phá đá, tìm kiếm người mất tích. Sau 6 ngày nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể của người mất tích và 4 ngày sau giao thông mới được bảo đảm bước 1.
Ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Khu Quản lý đường bộ I (khi đó là Trưởng phòng Kỹ thuật trực tiếp tham gia công tác cứu hộ cứu nạn, bảo đảm giao thông) nhớ lại, thời tiết thời điểm đó mưa kéo dài gần 20 ngày, đất đá bị phá vỡ liên kết, QL6 dọc từ Hòa Bình đến Sơn La được thiết kế bám theo sườn núi, bên là vách núi, bên là vực sâu. "Khi kiểm tra khu vực sạt lở, chúng tôi phát hiện phía trên toàn bộ khu vực bị nứt, nguy cơ tiếp tục sạt lở rất cao. Chỉ một vụ sạt lở này, tình trạng khẩn cấp được ban bố, Chính phủ phải sử dụng nguồn vốn cho các công trình khẩn cấp đặc biệt với hàng trăm tỷ đồng để giải quyết 30 vị trí có nguy cơ bị sạt lở và 14 vị trí thường xuyên sạt lở", ông Trường kể.
Là tuyến giao thông huyết mạch phía Tây của Thủ đô nối với các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lai Châu, tuyến QL2, QL32 luôn nằm trong tình trạng "báo động" bởi sự thay đổi của dòng chảy đã xói vào công trình bảo vệ cầu Trung Hà, cầu Tứ Mỹ (QL32), cầu Vĩnh Thịnh và trong cơn bão số 3 vừa qua cầu Phong Châu đã bị sập 2 nhịp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Bên cạnh đó, tuyến QL70 có chiều dài 170 km nối hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai cũng nằm trong tình trạng thường xuyên bị sạt lở. Chỉ đơn cử trong cơn bão số 3 vừa qua đã có trên 500 điểm bị sạt lở, trong đó có 30 điểm sạt lở ta-luy âm, khối lượng sạt lở lên đến cả nghìn m3 đất đá.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Trần Xuân Hiện, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lào Cai cho biết, không chỉ QL70, các tuyến QL4D, QL279 trên địa bàn thường xuyên bị sạt lở, ùn tắc giao thông. Để khắc phục hậu quả phải mất rất nhiều tiền, thời gian và công sức để khôi phục lại giao thông như ban đầu, trong khi đó nhu cầu về vốn bố trí cho công tác khắc phục hậu quả còn rất hạn chế, ảnh hưởng rất lớn đối với tuổi thọ cũng như công tác khắc phục hậu quả.
Theo thống kê của Khu Quản lý đường bộ I, trong 3 năm (từ 2020 - 2022), kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai trên QL70 được bố trí gần 52 tỷ đồng, QL6 gần 29 tỷ đồng, QL279 khoảng 28 tỷ đồng, QL2 khoảng 21 tỷ đồng, cao tốc Lào Cai - Kim Thành trên 13 tỷ đồng, QL3 khoảng 11,6 tỷ đồng, QL1 trên 7 tỷ đồng, QL4E khoảng 4,3 tỷ đồng.
Chủ động rà soát, khắc phục thiệt hại
Theo Bộ GTVT, trong năm 2023, cả nước có 6 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, tuy nhiên mức độ và ảnh hưởng không nhiều song cũng gây thiệt hại gần 400 tỷ đồng. Trong đó, đường bộ bị sạt lở ta-luy dương ước tính 1.187.000 m3; đứt đường 177 m; sạt lở ta-luy âm ước tính 5.675 m; hư hỏng mặt đường khoảng hơn 87.000 m2, hư hỏng lề đường khoảng 30.000 m2, hư hỏng 29 cầu, 89 cống, 50.092 m rãnh thoát nước, 3.300 m hộ lan. Kinh phí khắc phục đảm bảo giao thông bước 1 vào khoảng 350 tỷ đồng. Đường sắt thiệt hại khoảng 34,6 tỷ đồng. Đường thủy nội địa thiệt hại khoảng 4,5 tỷ đồng, chủ yếu để khắc phục thiệt hại báo hiệu các loại.
Đến thời điểm tháng 10/2024, nước ta mới chỉ có 4 cơn bão, tuy nhiên cơn bão số 3 (Yagi) đầu tháng 9 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về hạ tầng giao thông. Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho biết ghi nhận thiệt hại bước đầu khoảng 3 nghìn tỷ đồng, trong đó đối với hạ tầng giao thông đường bộ có 4.177 vị trí, đoạn đường bị thiệt hại. Bước đầu, ước tính giá trị thiệt hại cần khắc phục đối với quốc lộ từ Thanh Hóa trở ra khoảng 2.900 tỷ đồng (bao gồm chi phí dự kiến xây dựng lại cầu Phong Châu mới dự kiến khoảng hơn 800 tỷ đồng). Bão số 3 đã gây tắc đường tại 820 vị trí trên các tuyến quốc lộ. Đơn cử như vụ sạt lở xảy ra vào sáng 29/9 tại Km240+300 - Km240+600 trên QL2 thuộc địa phận huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, một nửa quả đồi với hàng nghìn m3 đất đá trượt xuống QL2 kéo theo 6 phương tiện các loại, làm chết 6 người và hơn 10 người bị thương.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, mặc dù ngành Đường bộ đã chủ động ứng phó với bão số 3 trên tinh thần huy động tổng lực để bảo đảm giao thông, song bão số 3 với quy mô siêu bão và hoàn lưu của bão đã càn quét các tỉnh phía Bắc, gây thiệt hại nặng nề cho hạ tầng giao thông.
"Với sự chủ động, các địa phương và ngành Đường bộ đã khẩn trương khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông bước 1 nhanh nhất. Hiện nay, Cục Đường bộ Việt Nam đang cùng các địa phương rà soát thiệt hại, báo cáo Bộ GTVT công bố tình trạng khẩn cấp ở những vị trí xung yếu để bố trí kinh phí khắc phục ngay. Những nơi đã bảo đảm giao thông bước 1 nhưng chưa cấp thiết, Cục sẽ bố trí nguồn vốn vào những năm tiếp theo", ông Thái thông tin.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.