Vì sao phải phân luồng cao tốc Cam Lộ - La Sơn?

Tác giả: KL

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 03/04/2024 11:01

Bắt đầu từ 6h ngày mai (4/4) các phương tiện chở khách từ 30 chỗ ngồi trở lên, xe khách giường nằm và xe tải từ 6 trục sẽ không được đi vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn mà phải đi QL 1 nếu lưu thông theo hướng Bắc Nam và ngược lại.


Vì sao phải phân luồng cao tốc Cam Lộ - La Sơn?- Ảnh 1.

Sáng ngày 2/4 các đơn vị đã tiến hành lắp đặt biển báo trên tuyến Cam Lộ - La Sơn

Thừa Thiên Huế còn "lo lắng"

Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, với việc đưa phương tiện lớn như xe khách 30 chỗ, xe giường nằm, xe tải từ 6 trục trở lên lưu thông vào QL1 sẽ gây áp lực về giao thông và tăng nguy cơ mất ATGT trên tuyến. Bởi các lý do:

Thứ nhất, trên QL 1 qua địa bàn còn có 216 đường nhánh, lưu lượng phương tiện tại các điểm giao cắt lớn, bên cạnh đó dọc tuyến còn có 2 bệnh viện, 8 chợ, 5 thị trấn, 46 trường học tiếp giáp với khu dân cư đông đúc… tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT.

Thứ hai, trên QL 1 qua các thành phố, đô thị thuộc Thừa Thiên Huế đã hình thành tuyến đường tránh 2 làn xe với giao thông hỗn hợp (dài 36 km), không có giải phân cách cứng, không được tổ chức giao thông như tuyến cao tốc, đã khai thác nhiều năm chất lượng đường xuống cấp. Do đó khi các phương tiện ô tô đầu kéo, xe khách trên 30 chỗ lưu thông trên đường tránh sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông hơn như tai nạn đối đầu… khi lưu thông trên cao tốc.

Thứ ba, qua thống kê của Ban ATGT tỉnh trong năm 2023, từ khi cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi vào hoạt động, trên tuyến QL 1 qua địa bàn đã xảy ra 243 vụ TNGT đường bộ, làm chết 35 người, bị thương 167 người; so với năm 2022 (khi chưa có cao tốc) tăng 1 vụ, giảm 45 người chết, tăng 33 người bị thương, qua phân tích TNGT liên quan đến phương tiện ô tô khách và ô tô đầu kéo trên tuyến này giảm mạnh.

Vì sao phải phân luồng cao tốc Cam Lộ - La Sơn?- Ảnh 2.

Quốc lộ 1A

Giảm tải cho Cam Lộ - La Sơn

Theo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn được hoàn thành đưa vào khai thác từ ngày 31/12/2022, dự án được đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả khi thu hút một lượng lớn phương tiện tham gia giao thông, góp phần chia sẻ một phần lưu lượng xe trên QL1. Bên cạnh đó, việc chưa đưa vào thu phí dẫn đến thu hút nhiều loại phương tiện tham gia giao thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Đặc biệt là các xe tải trọng lớn, xe container, nên đã làm mất cân bằng về lưu lượng phương tiện tham gia giao thông và khả năng thông hành của cả 2 tuyến đường. Bên cạnh đó, tuyến Cam Lộ - La Sơn nằm trong vùng thời tiết khí hậu khắc nghiệt như mưa nhiều, sương mù, độ dốc… đã ảnh hưởng đến tốc độ lưu thông, đặc biệt là xe tải nặng, qua theo dõi rất nhiều phương tiện lưu thông dưới tốc độ tối thiểu, đường hẹp dẫn đến tình trạng ùn cục bộ trên tuyến.

Lắp đặt biển báo tại cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh thực hiện các thủ tục đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe hoàn chỉnh. Nếu được Quốc hội thông qua và cho phép áp dụng cơ chế đặc thù thì dự kiến sẽ cơ bản thi công hoàn thành vào cuối năm 2025, khi đó sẽ đảm bảo khai thác một cách an toàn cho tất cả các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến, đồng thời giảm tải rất nhiều cho QL1.

Còn theo lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, để có quyết định phân luồng, điều tiết phương tiện giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Cục đã làm việc với nhiều cơ quan ban, ban ngành, địa phương trên cơ sở đếm phương tiện trên tuyến của tư vấn Công ty Cổ phần Tư vấn Trường Sơn, và đi đến thống nhất sẽ phân luồng khoảng 3.000 PCU (lượng xe tiêu chuẩn) sang các tuyến khác, không đi vào tuyến Cam Lộ - La Sơn (tương đương xe khách trên 30 chỗ, xe khách giường nằm, xe kéo rơ-moóc, xe sơ mi rơ-moóc) đang lưu thông trên tuyến này.

Cũng theo lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, việc phân luồng xe khách lớn còn phù hợp với hạn chế về quy mô giai đoạn phân kỳ đầu tư và chưa được đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ, cửa hàng xăng dầu, nhiều đoạn tuyến chưa được phủ sóng viễn thông, v.v… nên khi xảy ra TNGT hoặc xe bị hư hỏng, người tham gia giao thông không kịp thời liên lạc được với lực lượng chức năng và cứu hộ, cứu nạn để đề nghị được trợ giúp kịp thời.

Do đó, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị khi ban QLDA đường Hồ Chí Minh tổ chức phân luồng giao thông theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, công bố, kính đề nghị Ban ATGT Tỉnh, Phòng CSGT- Công an tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương tích cực phối hợp trong công tác tuyên truyền, giải thích đến người dân để có sự đồng thuận trong xã hội; phối hợp, tạo điều kiện để Ban QLDA đường Hồ Chí Minh triển khai cắm biển chỉ dẫn, phân luồng từ xa trên các tuyến đường địa phương, tăng cường tuần tra, kiểm tra xử lý vi phạm quy tắc giao thông, trật tự ATGT trên các tuyến đường bộ; phối hợp kiểm tra, rà soát hiện trường, phát hiện kịp thời các bất cập về kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông, phát hiện điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT để khắc phục nhằm nâng cao ATGT.