Sedan là dáng xe phổ thông nhất của ngành công nghiệp ô tô thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Tuy nhiên, câu chuyện đó đã lùi vào quá khứ khi xe Sedan đang dần mất chỗ đứng tại Việt Nam, ngoại trừ phân khúc hạng B.
Đáng nói, Sedan hạng C mới 2 năm trước, KIA K3, Mazda 3 liên tục thay nhau lọt Top 10 xe bán chạy hàng tháng, nhưng tính đến thời điểm này của năm 2024 điều đó vẫn chưa 1 lần được lặp lại.
Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số cộng dồn của KIA K3 trong 8 tháng đầu năm mới chỉ đạt 2.149 xe được bàn giao đến khách hàng. Trong khi đó, đối thủ đến từ Nhật Bản là Mazda 3 là 2.816 chiếc xuất xưởng, con số này của Toyota Corolla Altis 319 xe.
Quay ngược thời gian về giai đoạn 2010-2014, thời kỳ mà Toyota Corolla Altis đang ở đỉnh cao “phong độ”. Theo đó, trung bình mỗi tháng, thương hiệu Nhật Bản bán đến trên 1.000 xe và đương nhiên đây là 1 trong những chiếc xe quen mặt trong Top 10 xe bán chạy hàng tháng.
Năm 2015, Mazda 3 trình làng thế hệ mới với sự thay đổi cách mạng và cũng là giai đoạn Altis nhường “ngôi” doanh số cho đối thủ đồng hương. Thời kỳ mà Mazda 3 thống trị kéo dài từ 2015-2020 với doanh số trung bình khoảng 1.000 xe/tháng.
Xen kẽ trong giai đoạn này, đơn vị phân phối là Thaco cũng trình làng thế hệ mới được bán đến tận bây giờ. Tuy nhiên, trong năm 2021, KIA K3 đời mới vừa được đổi tên từ Cerato đã nhiều lần gây khó dễ cho Mazda 3 khi doanh số thường xuyên lọt Top 10 xe bán chạy trong năm đó.
Cuộc đua “song mã” giữa KIA K3 và Mazda 3 để “chen chân” vào 10 mẫu xe bán chạy hàng tháng kéo dài hết năm 2022. Cũng kể từ đó đến nay, người dùng không còn thấy bóng dáng của 1 chiếc Sedan hạng C nào được ghi nhận bán chạy với doanh số hàng nghìn chiếc mỗi tháng.
Không thể phủ nhận xe Sedan hạng C vẫn có những đối tượng khách hàng riêng, nhưng thấy rõ sự suy yếu của phân khúc này tại thị trường ô tô Việt Nam. Theo các chuyên gia xe, có nhiều nguyên nhân dẫn đến một thế lực như xe Sedan hạng C lại ngày càng “hụt hơi” như vậy.
Đầu tiên, dễ nhận thấy nhất là sự lên “ngôi” của xe SUV/CUV dẫn đến nhu cầu mua xe Sedan sụt giảm đáng kể.
Số liệu thống kê của VAMA cho thấy, 8 tháng đầu năm, cả nước mới tiêu thụ 25.559 xe Sedan. Cùng trong khoảng thời gian này, số lượng xe SUV bán ra đã lên đến 45.338 chiếc.
Điều đó cho thấy, thị hiếu chuyển dịch dáng xe rõ ràng ở phần lớn khách hàng hiện nay từ Sedan lên SUV/CUV.
Tiếp theo, giá của các dòng Sedan hạng C hiện nay vẫn ở mức cao khi người dùng phải bỏ ra từ 600-900 triệu đồng (tuỳ phiên bản, tuỳ dòng xe) để sở hữu. Với mức giá trên, khách hàng sẽ quay sang tìm hiểu các dòng SUV hạng B với thiết kế trẻ trung, giá bán thấp hơn chỉ dưới 750 triệu đồng cho bản cao cấp nhất.
Một trong những lý do nữa khiến Sedan hạng C dần kén khách hàng là bởi chậm cải tiến.
Trong đó, Mazda 3 thế hệ mới đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2019, nhưng vẫn chưa từng có bản nâng cấp, KIA K3 từ năm 2021, Toyota Corolla Altis mới có bản nâng cấp từ năm ngoái nhưng thay đổi là không đáng kể.
Có thể thấy, Sedan hạng C ở Việt Nam hiện nay không còn là sản phẩm chủ lực của các hãng mà như một “gia vị” cho khách hàng lựa chọn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.