Bài 1: Điểm danh các nhà xe Limousine lập "bến cóc", "chạy dù"
Nghị định số 10/2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô đã quy định rõ phương thức vận tải khách theo hợp đồng. Bất chấp quy định, tại Hà Nội hiện phổ biến tình trạng xe Limousine "chạy dù" theo các tuyến vận tải cố định, thậm chí nhiều nhà xe ngang nhiên lập "bến cóc".
Dùng mác "xe hợp đồng" để mở tuyến cố định
Hơn 11h ngày 6/10, trên phố Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) với rất đông phương tiện đi lại bỗng xuất hiện chiếc xe khách BKS 29B-303.30, có kích thước của loại xe sức chở 16 chỗ, lao vun vút theo hướng về phía Công viên Cầu Giấy. Xe được sơn màu đen sáng bóng, trên kính chắn gió phía trước gắn phù hiệu "Xe hợp đồng", trên thành hai bên và phía sau xe dán dòng chữ SkyBus, Limousine và thương hiệu nhận diện, cùng số điện thoại tổng đài, trang web của nhà xe.
Sau đó, xe này tiếp tục chạy theo phố Trương Công Giai, chen lấn giành đường với phương tiện, học sinh ngay trước Cổng trường Tiểu học Achimedes để rẽ phải vào tuyến phố nhỏ Thọ Tháp.
Chạy thêm vài trăm mét, xe 29B-303.30 dừng lại tại phố Thọ Tháp, nối đuôi một chiếc xe khác của nhà xe đang đậu và mở cửa để 4-5 người mang theo hành lý trên xe đi xuống. Một lát sau, hai xe nhanh chóng rời đi, để lại gần chục người đứng trên vỉa hè hoặc vào văn phòng của nhà xe này tại vị trí trên để chờ xe taxi.
Một hành khách vừa xuống xe cho biết, để đi xe của nhà xe X chỉ cần gọi điện đặt chỗ trước và đến địa chỉ tại phố Thọ Tháp hoặc điểm hẹn nhất định để đi. "Ngày nào cũng có xe đón khách từ đây. Khi gọi điện đặt chỗ, nhân viên của nhà xe sẽ hỏi tên và thống nhất địa chỉ, thời gian đón. Xe sẽ đón khách ở vài chỗ, khi đủ khách là chạy thẳng về Ninh Bình. Giá vé đi xe này cao hơn trong bến, nhưng tiện nghi và thoải mái hơn", một nữ hành khách cho biết.
Gần 18h cùng ngày, PV Tạp chí GTVT tiếp tục gặp chiếc xe trên chạy đón khách từ phố Thọ Tháp, vòng ra đón thêm khách ở đối diện Bến xe Mỹ Đình… để chạy tuyến đi Ninh Bình. Ngoài ra, nhà xe này còn hàng loạt xe khách như 29B-304.66, 29B-29B-211.16, 29LD-305.07. Theo giấy chứng nhận đăng kiểm, các xe trên được cải tạo từ xe loại 16 chỗ ngồi xuống còn 11-12 chỗ ngồi, đăng ký kinh doanh vận tải.
Liên hệ với số điện thoại tổng đài 190017xx của nhà xe X, nhân viên trực điện thoại cho biết, ngày nào cũng có xe của nhà xe này đón khách cố định ở các điểm để đi TP.Ninh Bình.
Ngay trên trang điện tử của nhà xe trên cũng công khai thông tin lộ trình vận tải khách từ Hà Nội đi Ninh Bình, Nam Định, TP.Thái Bình theo 2 tuyến cố định, với các điểm đón, trả khách cố định, cụ thể theo dọc tuyến, kèm các mức giá "hợp đồng lẻ" từ 105.000 đồng đến 135.000 đồng.
Nhiều "bến cóc" đón, trả khách trên lộ trình cố định
Hiện tại trên địa bàn Hà Nội còn có nhiều đơn vị vận tải khách dùng xe ôtô loại 16 chỗ cải tạo thành xe 10-12 chỗ, xin cấp phù hiệu "xe hợp đồng" để trá hình vận tải theo tuyến, hành trình cố định từ Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc và ngược lại.
Điểm chung của các nhà xe này là cải tạo phương tiện để giảm số chỗ ngồi, trang trí lại nội thất xe (ghế ngồi rộng rãi hơn, kèm theo nước uống, khăn lạnh), sơn và trang trí bên ngoài xe theo một màu nhất định để dễ nhận diện, tự gắn mác xe và quảng cáo xe theo thương hiệu xe sang như Limousine, DCar, VIP, Luxury, Hàng không mặt đất…
Dù là xe hợp đồng nhưng nhà xe lập tuyến, lộ trình chở khách cố định hàng ngày từ Hà Nội đi các địa phương khác, với các địa điểm đón khách cố định, gom theo khách lẻ (bằng cách nhận đặt chỗ qua điện thoại) tại các điểm đón cố định (một số nhà xe dùng xe loại 7 chỗ để gom khách về địa điểm đón) và không giao kết hợp đồng vận chuyển…
Trên lộ trình mỗi tuyến là các điểm đón khách cố định, mà hầu hết nhà xe chọn điểm đón khách cố định gần với các bến xe khách của Hà Nội (Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Giáp Bát…), gần cổng bệnh viện, trong các khu đô thị, cây xăng, công viên. Đây thực chất là các "bến cóc" của xe Limosine, với hoạt động đón trả, khách diễn ra rất nhanh chóng…
Theo ghi nhận, riêng tại khu vực bến xe Mỹ Đình, có hàng loạt nhà xe khác thường xuyên đón khách tại đây, như: Bình An (Công ty TNHH dịch vụ vận tải Hòa Bình), Hoàng Yến (chạy tuyến Hà Nội – Tuyên Quang), Phúc Xuyên (Công ty TNHH Phúc Xuyên, chạy tuyến Hà Nội – Quảng Ninh), Phiệt Học (Công ty TNHH thương mại và dịch vụ vận tải Phiệt Học, chạy tuyến Hà Nội – Hòa Bình), Hải Vân (chạy tuyến Hà Nội – Lào Cai).
Cần nói thêm, với mác "xe hợp đồng", loại xe vận tải theo lộ trình tuyến cố định, điểm đón cố định này còn vô tư được chạy qua các tuyến phố xuyên tâm hay các phố nhỏ của Hà Nội bất kể giờ giấc, gây áp lực cho giao thông Hà Nội trong giờ cao điểm.
(Còn nữa)
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.