Vướng mặt bằng, thiếu vật liệu, nhà thầu thi công cao tốc Hòa Liên - Túy Loan gặp khó

Tác giả: Đại Thắng

saosaosaosaosao
Đường bộ 01/09/2024 06:30

Vướng mặt bằng và thiếu mỏ cung ứng vật liệu đá phục vụ thi công nền đường cấp phối khiến nhà thầu thi công dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan qua địa bàn TP. Đà Nẵng gặp khó, chậm tiến độ.

cao tốc Hòa Liên-Túy Loan
Vướng mặt bằng, thiếu vật liệu, nhà thầu thi công cao tốc Hòa Liên - Túy Loan gặp khó- Ảnh 1.

Một đoạn tuyến đang thi công nền đường đất thuộc dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan

Nhà thầu gặp khó vì vướng mặt bằng, khan hiếm nguồn vật liệu

Dự án cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan dài 11,5 km nằm trên địa bàn các xã Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Nhơn của huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng). Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 22 m, bề rộng mặt đường 14 m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ có quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 29 m. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 2.100 tỷ đồng. Dự án do Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư. Nhà thầu thi công là Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 và Công ty TNHH MTV 17.

Ngày 30 - 31/8, đi dọc công trường thi công các gói thầu xây lắp dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan, PV Tạp chí GTVT ghi nhận tại các đoạn tuyến có mặt bằng sạch, các nhà thầu tăng thiết bị, phương tiện, nhân lực tập trung thi công các hạng mục nền đường đất, cống thoát nước ngang, nền đường cấp phối đá dăm. Tuy nhiên, tình trạng mặt bằng "xôi đỗ" khiến công tác thi không của các nhà thầu gặp khó khăn, tiến độ chậm so với hợp đồng ký kết với chủ đầu tư.

Theo quan sát, tại một số đoạn tuyến do nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thi công được xem là sôi động nhất công trình thi công dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan nhưng chỉ có một số đầu máy, thiết bị máy đào, máy lu, san gạt, xe ben vận chuyển vật liệu đất đắp, cấp phối đá dăm. Tình trạng vướng mặt bằng thi công, thực trạng mặt bằng bàn giao "xôi đỗ" khiến công tác điều phối nguồn lực thi công gặp khó khăn, có đoạn thi công cầm chừng. 

Video cận cảnh thi công dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan

Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cho biết, công tác GPMB gặp nhiều vướng mắc, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan, cụ thể là vướng mắc về các văn bản pháp lý. Theo đó, HĐND TP. Đà Nẵng thông qua Nghị quyết thực hiện dự án này vào cuối năm 2022, nhưng đến đầu năm 2024 địa phương mới bắt đầu tiếp quản hồ sơ dự án.

Tiếp đó là sức ép về tiến độ. Ban đầu dự án được Chính phủ cho hạn thời gian hoàn thành GPMB là ngày 30/9/2024, nhưng sau đó “chốt” lại mốc 30/6/2024.

Tiếp nữa, tuyến cao tốc Hòa Liên - Túy Loan có tổng chiều dài gần 11,5 km, có 1.216 hồ sơ đền bù và 3.275 ngôi mộ cần giải tỏa. Đây là con số thể hiện khối lượng công việc không hề nhỏ, yêu cầu thực hiện GPMB cùng lúc cho cả tuyến chính cao tốc và đường gom 2 bên cao tốc.

Vướng mắc tiếp theo là thiếu đất bố trí tái định cư. Theo thống kê hiện nay, có 272 hồ sơ đất ở, với nhu cầu gần 792 lô đất tái định cư. Tuy nhiên, các dự án triển khai để giải quyết đất tái định cư còn chậm. Một vướng mắc khác là hiện nay chưa có nguồn đất tái định cư tại chỗ cho người dân xã Hòa Sơn. Thêm một vướng mắc cơ bản khác là trước đây có nhiều dự án dọc tuyến cao tốc đã thu hồi đất nên cần nhiều thời gian để truy xuất các hồ sơ cũ nhằm đảm bảo khách quan, công bằng, không đền bù lập lại đối với phần diện tích đã thu hồi. Hiện tại, vướng mắc cơ bản nhất là số lượng mộ cần di dời rất lớn. "Việc này rất cần sự đồng thuận từ người dân bởi mồ mả thì không thể cưỡng chế được”, ông Chương nói.

Vị trí thi công các nút giao với đường Nguyễn Tất Thành được xem có tiến độ đáng kể nhất của dự án nhưng đến nay cũng gặp phải vướng mắc về mặt bằng. Một số đoạn tuyến đã thi công xong nền đường đất k98 và đang thi công nền đường lớp cấp phối đá dăm nhưng khối lượng đạt được không đáng kể.

Đại diện nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, việc thi công hạng mục công trình cầu trên tuyến đoạn qua xã Hòa Liên bị ảnh hưởng do vướng nhà dân. Công tác thi công mở rộng cầu vượt ĐT602 trên tuyến tại địa bàn xã Hòa Sơn cùng vướng mặt bằng.

Tương tự, các đoạn tuyến do nhà thầu Công ty TNHH MTV 17 đảm nhận thi công qua địa bàn xã Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Nhơn cũng đang rất khó khăn, cứ đưa phương tiện, thiết bị ra thi công là bị người dân cản trở.

Trước những khó khăn, vướng mắc về mặt bằng thi công, trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng ngày 27/8, đại diện các nhà thầu đề nghị chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ quá trình thi công, quyết liệt thực hiện GPMB.

Nhằm kịp thời tháo gỡ các "điểm nghẽn", giúp nhà thầu có mặt bằng thi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo, yêu cầu chính quyền huyện Hòa Vang tập trung toàn lực vào công tác đền bù, giải tỏa cho dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan; đồng thời đề nghị chủ đầu tư và các nhà thầu tập trung các nguồn lực, tăng đầu máy, thiết bị, nhân lực thi công tại các đoạn tuyến đã có mặt bằng sạch. Chính quyền địa phương cần hỗ trợ, nỗ lực giải quyết vướng mắc với tinh thần quyết liệt, vướng chỗ nào địa phương hỗ trợ chỗ đó.

Vướng mặt bằng, thiếu vật liệu, nhà thầu thi công cao tốc Hòa Liên - Túy Loan gặp khó- Ảnh 2.
Vướng mặt bằng, thiếu vật liệu, nhà thầu thi công cao tốc Hòa Liên - Túy Loan gặp khó- Ảnh 3.
Vướng mặt bằng, thiếu vật liệu, nhà thầu thi công cao tốc Hòa Liên - Túy Loan gặp khó- Ảnh 4.
Vướng mặt bằng, thiếu vật liệu, nhà thầu thi công cao tốc Hòa Liên - Túy Loan gặp khó- Ảnh 5.
Vướng mặt bằng, thiếu vật liệu, nhà thầu thi công cao tốc Hòa Liên - Túy Loan gặp khó- Ảnh 6.
Vướng mặt bằng, thiếu vật liệu, nhà thầu thi công cao tốc Hòa Liên - Túy Loan gặp khó- Ảnh 7.
Vướng mặt bằng, thiếu vật liệu, nhà thầu thi công cao tốc Hòa Liên - Túy Loan gặp khó- Ảnh 8.

Nhà thầu huy động phương tiện thi công hạng mục nền đường K98

Cần sự quyết liệt, vào cuộc tháo gỡ vướng mắc của chính quyền địa phương

Theo ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng), toàn dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan (tuyến chính) còn lại 70 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng. UBND huyện Hòa Vang cố gắng đến trước ngày 31/8 bàn giao được khoảng 36 trường hợp, còn 34 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng thuộc địa bàn cả 3 xã Hòa Liên, Hòa Sơn và Hòa Nhơn sẽ lên phương án cưỡng chế.

Ông Tôn cho hay, hiện nay, UBND huyện Hòa Vang đã lập tổ công tác phụ trách xử lý "nóng" các vấn đề vướng mắc GPMB. Đối với những đoạn tuyến đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, nếu bị cản trở thi công thì tổ công tác sẽ phối hợp với chính quyền xã xử lý và đảm bảo điều kiện thi công thuận lợi nhất cho nhà thầu.

Đối với vị trí chủ đầu tư đề nghị bàn giao mặt bằng sớm, UBND huyện Hòa Vang sẽ nỗ lực giải quyết và thực hiện bàn giao trước ngày 10/9/2024. Trước những khó khăn về thực hiện GPMB, ông Tô Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang chỉ đạo chính quyền cử lực lượng xuống hiện trường, tập trung hỗ trợ cho các nhà thầu thi công. Những trường hợp thuộc diện tiếp tục vận động thì sẽ tiếp tục triển khai đến hết ngày 31/8. Sau khi vận động sẽ xem xét hỗ trợ tối đa theo quy định, nếu vẫn không chấp hành lệnh giải tỏa thì sẽ ban hành quyết định cưỡng chế.

Video công trình dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan nhìn từ trên cao

Đại diện Ban điều hành Dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan (Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh) cho biết, tính đến thời điểm này, sản lượng thực hiện dự án đạt khoảng hơn 240,8/859,58 tỷ đồng (hơn 28,7%) giá trị hợp đồng.

Trong đó, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đạt hơn 106 tỷ đồng (27,5% giá trị hợp đồng), Công ty TNHH MTV 17 đạt hơn 61 tỷ đồng (đạt hơn 23% giá trị hợp đồng), Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 đạt 73 tỷ đồng (đạt hơn 34% giá trị hợp đồng). 

Đánh giá sản lượng thi công đến thời điểm này, đại diện Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh cho biết, nhìn chung, khối lượng đạt được của các nhà thầu chậm 0,7% so với hợp đồng. 

Ngoài vướng mắc mặt bằng thi công, mặt bằng bàn giao chậm, các nhà thầu còn gặp khó khăn về nguồn vật liệu đá nên chậm thực hiện thi công mặt đường. Dự án có nhu cầu vật liệu đá 350.000 m3, trong đó nhu cầu đá vào năm 2024 khoảng hơn 190.000 m3, năm 2025 khoảng 160.000 m3. Mặc dù dự án đã chủ động tập kết dự trữ vật liệu đá từ năm 2024, tuy nhiên nhu cầu sử dụng đá của dự án Cảng Liên Chiểu rất lớn nên đến nay các mỏ đá trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã cơ bản khai thác gần hết công suất, nhà thầu phải lấy đá từ các mỏ đá ở Quảng Nam, Quảng Ngãi về với cự ly vận chuyển xa, vì vậy gặp rất nhiều khó khăn. 

Nhằm tháo gỡ khó khăn, Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh đã đề nghị TP. Đà Nẵng xem xét cấp phép tăng công suất khai thác đối với các mỏ đá trên địa bàn và bố trí ưu tiên cấp cho dự án để giảm bớt khó khăn cho nhà thầu thi công, đảm bảo hoàn thành dự án theo tiến độ.

Vướng mặt bằng, thiếu vật liệu, nhà thầu thi công cao tốc Hòa Liên - Túy Loan gặp khó- Ảnh 9.
Vướng mặt bằng, thiếu vật liệu, nhà thầu thi công cao tốc Hòa Liên - Túy Loan gặp khó- Ảnh 10.
Vướng mặt bằng, thiếu vật liệu, nhà thầu thi công cao tốc Hòa Liên - Túy Loan gặp khó- Ảnh 11.
Vướng mặt bằng, thiếu vật liệu, nhà thầu thi công cao tốc Hòa Liên - Túy Loan gặp khó- Ảnh 12.
Vướng mặt bằng, thiếu vật liệu, nhà thầu thi công cao tốc Hòa Liên - Túy Loan gặp khó- Ảnh 13.
Vướng mặt bằng, thiếu vật liệu, nhà thầu thi công cao tốc Hòa Liên - Túy Loan gặp khó- Ảnh 14.
Vướng mặt bằng, thiếu vật liệu, nhà thầu thi công cao tốc Hòa Liên - Túy Loan gặp khó- Ảnh 15.
Vướng mặt bằng, thiếu vật liệu, nhà thầu thi công cao tốc Hòa Liên - Túy Loan gặp khó- Ảnh 16.
Vướng mặt bằng, thiếu vật liệu, nhà thầu thi công cao tốc Hòa Liên - Túy Loan gặp khó- Ảnh 17.

Hình ảnh công trường thi công tại một số đoạn tuyến dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan từ ngày 30 - 31/8/2024